(CMO) 25 trụ đèn năng lượng mặt trời vừa được đoàn thanh niên huyện Thới Bình lắp đặt để thắp sáng tuyến đường quê dài 1,4 km thuộc ấp Cái Sắn Vàm, xã Biển Bạch Ðông, huyện Thới Bình. Ðặc biệt, đây cũng chính là mô hình kinh tế hiệu quả của đoàn thanh niên từ nguồn vốn vay Quỹ giúp nhau lập nghiệp của Huyện đoàn Thới Bình.
Bà Nguyễn Kim Ly, ngụ ấp Cái Sắn Vàm, bày tỏ niềm vui khi thấy màu áo xanh thi công lắp đặt đèn năng lượng mặt trời thắp sáng cả tuyến đường ngang nhà bà: “Ðèn tự động bật - tắt quá tiện lợi luôn! Như hồi trước, mỗi nhà phải gắn bóng đèn, vừa tốn điện, vừa bất tiện, lâu lâu cũng phải thay mới vì hư hỏng; có người treo đèn ngoài hàng rào, dây mắc ngoài mưa nắng không an toàn, cũng không mỹ quan”.
Theo lời kể của bà, cách đây mấy hôm hàng xóm mất cây mai vàng mà tiếc quá chừng, vì chưa có đèn đường, lại phải tiết kiệm điện nhà riêng nên khoảng 11-12 giờ khuya là hàng xóm tắt đèn đi ngủ, trộm thì ghé sau giờ đó nên đâu hay biết. “Có đèn đường sáng cả đêm thì an ninh trật tự đảm bảo hơn”, bà Ly hài lòng khi nghĩ về tuyến đường quê sẽ luôn rực sáng mỗi đêm.
Anh Nguyễn Hoài Nam, Uỷ viên Ban Chấp hành Huyện đoàn Thới Bình, cho biết, 25 trụ đèn, mỗi trụ gần 3 triệu đồng do mạnh thường quân tài trợ và UBND xã Biển Bạch Ðông hỗ trợ một phần kinh phí, giao cho đơn vị thi công là cơ sở kinh doanh điện năng lượng mặt trời của đoàn viên Nguyễn Hoàng Bay.
Theo anh Nam, trước đây, một số tuyến đường quê lắp đèn điện phải nhờ kéo điện trực tiếp từ nhà dân; một số tuyến không có nhà dân thì phải có cán bộ đi mở đèn, nếu cán bộ bận thì không ai thay thế nhiệm vụ đó nên rất phiền phức và tốn tiền điện. Song, đối với đèn năng lượng mặt trời có chế độ tự động bật khi trời tối, tắt khi trời sáng, vừa thuận tiện, vừa không gây tốn kém điện của người dân.
“Ưu điểm của đèn năng lượng mặt trời là năng lượng sạch, thân thiện môi trường, có thể chống nắng, chống mưa, chế độ bảo hành 2 năm. Về tuổi thọ thì có thể chiếu sáng khoảng 30.000 giờ. Do đó, việc chọn thắp sáng đường quê bằng đèn năng lượng mặt trời là rất thiết thực. Ðây cũng là tuyến đường được xã chọn làm tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu và sẽ nhân rộng các tuyến khác”, anh Hoài Nam cho biết thêm.
Mỗi trụ đèn được gia cố cố định, bảo hành 2 năm và có tuổi thọ khoảng 30.000 giờ. |
Nói rõ hơn về nguồn vốn Quỹ giúp nhau lập nghiệp, anh Nguyễn Hoài Nam cho hay, nguồn vốn được Huyện đoàn vận động từ Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện và UBND huyện với 130 triệu đồng, thành lập từ năm 2018 nhằm giúp đoàn viên, thanh niên phát triển các mô hình kinh tế theo hình thức không lãi, hoàn trả tuỳ theo thời gian dự án. Ðến nay, đã gần cuối nhiệm kỳ 2017-2022 nên tổng kết và thu hồi 100% vốn.
Theo đó, đã có 5 đoàn viên, thanh niên vay thực hiện mô hình hiệu quả, chủ yếu là nuôi trồng thuỷ sản, chỉ riêng anh Nguyễn Hoàng Bay vay để phát triển mô hình kinh doanh từ điện năng lượng mặt trời.
Anh Bay chia sẻ: “Từ hồi làm luận án tốt nghiệp tôi đã biết đến năng lượng sạch, xét thấy phù hợp với địa phương, bởi vừa tiết kiệm, vừa bảo vệ môi trường nên tôi quyết định chọn kinh doanh điện năng lượng mặt trời từ tháng 9/2020. May mắn của tôi là được tiếp cận nguồn vốn của Huyện đoàn, với vốn vay khởi điểm là 10 triệu đồng để bán nhỏ lẻ và chào thị trường”.
Lúc ban đầu do người dân nông thôn còn khá lạ với đèn năng lượng mặt trời, nên anh Bay lắp đặt cho gia đình và người thân sử dụng trước. Ðến khoảng giữa tháng 11/2020, đèn năng lượng mặt trời và điện năng lượng mặt trời được chú ý nhiều hơn thông qua thông tin đại chúng, nên việc kinh doanh của anh hiệu quả hơn. Từ đó, anh nhận được một số dự án lắp đặt đèn nhỏ ở các điểm trường học, ở xã xây dựng nông thôn mới… Tích luỹ lợi nhuận, đầu năm 2021, anh Nguyễn Hoàng Bay hoàn trả 100% vốn vay của Huyện đoàn và tự thân lập nghiệp.
“Ðiều đáng ghi nhận ở anh Bay chính là không chỉ bản thân lập nghiệp thành công mà còn giúp đoàn viên, thanh niên có thêm thu nhập từ việc là cộng tác viên hoặc cùng anh thi công các công trình, dự án. Qua đó, góp phần tập hợp đoàn kết thanh niên, giúp nhau lập thân, lập nghiệp”, anh Nguyễn Hoài Nam phấn khởi.
Anh Bay phân trần, khi đến địa phương nào lắp đặt điện năng lượng mặt trời, anh sẽ chủ động tìm đến bí thư xã đoàn hoặc chi đoàn ấp để tìm nguồn đoàn viên đang rảnh rỗi hoặc các em học sinh lớp 12 để tạo thêm công ăn việc làm. Với mỗi công trình thi công lắp đặt thành công sẽ được tính công theo sản phẩm, khoảng 300.000-500.000 đồng/ngày. Riêng đối với cộng tác viên, khi bán được sản phẩm, anh Bay sẽ hỗ trợ các bạn từ khâu lắp đặt, vận hành đến bảo hành và được trích phần trăm từ sản phẩm đó cho các bạn cùng thi công lắp đặt.
Mỗi công trình thi công cần đến 4-5 bạn đoàn viên hỗ trợ, thu nhập từ 300-500.000 đồng/ngày. |
“Tôi tin chỉ cần các bạn đoàn viên, thanh niên chịu khó học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm thì sẽ thành công lập nghiệp từ mô hình kinh doanh hiệu quả này. Hoặc các bạn có thể làm cộng tác viên mà không cần vốn; khi lên được đại lý hoặc là cộng tác viên bán được số lượng lớn sản phẩm sẽ có thể sinh lời, tích luỹ vốn phát triển”, anh Nguyễn Hoàng Bay khẳng định.
Ðồng hành cùng anh Bay 5 tháng qua, bạn Nguyễn Hải Khương, vừa tốt nghiệp lớp 12, cho hay: “Tuỳ theo mỗi dự án, công trình, mỗi ngày tiền công nhận được khoảng từ 300.000-500.000 đồng. Nếu so với các công việc khác thì việc này ổn hơn vì không đòi hỏi trình độ, thời gian cố định, việc cũng không quá vất vả, chỉ cần chịu khó”./.
Băng Thanh