(CMO) Nhằm tiếp sức học sinh có hoàn cảnh khó khăn được đến trường và tôn vinh thầy, cô giáo tâm huyết với nghề, hết lòng thương yêu, giúp đỡ học sinh nghèo vượt khó trong học tập, nhiều năm qua, cuộc thi viết “Thầy trò cùng vượt khó” đã chấp cánh cho rất nhiều hoàn cảnh được tiếp nối ước mơ con chữ.
Đây là năm thứ hai Báo Cà Mau phối hợp với Sở GD&ĐT Cà Mau tổ chức thành công cuộc thi này. Cuộc thi đang ngày càng khẳng định được ý nghĩa và tính nhân văn, là động lực để cho các em học sinh vươn đến thành công. Từng tác phẩm, câu chuyện gắn kết thêm tình thầy, trò sâu sắc.
Đầy ý nghĩa nhân văn
Đoạt giải nhất trong cuộc thi với tác phẩm “Bay cao ước mơ”, tác giả Nguyễn Thị Mai, đến từ đơn vị trường THCS Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi, xúc động: “Cuộc thi đã thắp sáng ước vọng hiếu học và tôn vinh lên những tấm gương nhà giáo hết lòng giúp đỡ học sinh. Tôi giảng dạy đã nhiều năm, từng gặp rất nhiều hoàn cảnh éo le nhưng giàu nghị lực vượt khó vươn lên trong học tập. Chính cuộc thi đã kéo gần khoảng cách giữa giáo viên và học sinh, xóa tan mọi rào cản giúp chúng tôi cảm thông, sẻ chia phần nào thiếu thốn của các em trong cuộc sống hiện tại”.
Bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Phó giám đốc VietinBank chi nhánh Cà Mau, đại diện nhà tài trợ trao học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn thông qua các bài viết của cuộc thi Thầy trò cùng vượt khó lần 2.Ảnh: Phong Phú |
Khác với những cuộc thi khác, với "Thầy trò cùng vượt khó", mỗi câu chuyện là những cảm xúc chân thật của chính tác giả về hoàn cảnh, số phận của nhân vật. Chính sự tiếp xúc, gắn bó chân thành đó đã đưa người đọc đến với những cung bậc cảm xúc đặc biệt giữa tình thầy trò.
Với tác phẩm “Em muốn thực hiện ước mơ của chị” đoạt giải Nhì, của cô Trương Thị Dư, giáo viên trường THCS Tân Hưng, huyện Cái Nước, thể hiện những ước mơ giản đơn nhưng cao cả của cậu học trò nghèo Nguyễn Nhật Linh, học sinh lớp 8B, trường THCS Tân Hưng. Cố gắng học giỏi, trở thành một chiến sĩ công an không chỉ là ước mơ của Linh, mà đó còn là ước mơ của người chị đã mất của Linh. Ba mẹ đi làm thuê để kiếm tiền Linh ăn học. Hoàn cảnh nghiệt ngã, nỗi đau mất chị đã khiến Linh trở nên ít nói, ít tâm sự với ai. Cô Trương Thị Dư chia sẻ: “Niềm vui lớn nhất của tôi không phải là đoạt giải mà là qua cuộc thi này, mong rằng hoàn cảnh của Nhật Linh sẽ được biết đến để em được hỗ trợ, giúp đỡ vượt qua khó khăn, thực hiện ước mơ của mình”.
Nhà báo Nguyễn Danh, Phó tổng biên tập báo Cà Mau, trao giấy chứng nhận cho các tác giả đoạt giải. Ảnh: Phong Phú. |
Là người từng chứng kiến sự nỗ lực không ngừng trong học tập của em Lương Khả Aí đã giúp tác giả Lưu Lâm Chiêu đến từ Trường THCS Tân Phong, huyện Thới Bình đoạt giải 3 trong cuộc thi với tác phẩm “Khả Ái - cô học trò giàu nghị lực”. Đồng cảm, chia sẻ với hoàn cảnh khốn khó của gia đình, khâm phục nghị lực, tinh thần thép mong muốn được đến trường của Khả Ái là những gì đọng lại sau bài viết của tác giả Lâm Chiêu. Cô chia sẻ: “Khả Ái sinh ra sức khỏe vốn không tốt, gia đình em lại rất nghèo, không có đất sản xuất phải đi làm mướn nhưng Ái lại rất ham học. Là một giáo viên, cũng là hàng xóm nên hơn ai hết tôi nhiều lần xúc động khi chứng kiến vì nghèo khó mà nhiều bận gia đình buộc phải cho em nghỉ học”.
Ước mơ con chữ được tiếp nối
Không có mặt trong lễ trao học bổng nhưng hoàn cảnh của em Võ Nhựt Tân, trường THCS Thành Vọng, xã Tân Trung, huyện Đầm Dơi làm nhói lòng những ai nghe phải câu chuyện của em. Tuy còn nhỏ tuổi nhưng phải đối diện với căn bệnh ác tính, hơn 6 tháng nay, em phải lên xuống bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh để chữa trị. Thoi thóp trên giường bệnh nhưng mỗi phút giây Tân đều khao khát được trở lại mái trường.
Mợ của Tân, đại diện gia đình, cho biết: “Vừa hạnh phúc, vừa xúc động khi cháu Tân được sự giúp đỡ, hỗ trợ từ phía nhà trường để có được suất học bổng, phần nào trang trải viện phí và thuốc men”.
Em Nguyễn Minh Trí, học sinh lớp 12C, trường THPT Hồ Thị Kỷ, TP. Cà Mau phấn khởi vì phần quà “lớn”. Không được may mắn, đủ đầy như các bạn cùng trang lứa, ba mẹ bán rau ở tận Khu công nghiệp Khí – điện – đạm, chắt chiu dành dụm tiền cho em ăn học. Riêng bản thân em lại bị khuyết tật bẩm sinh ở cổ, cơn đau hành hạ mỗi khi trái gió trở trời. Nhưng dường như những khó khăn ấy vẫn không làm em chùng bước. Với ước mơ bước vào ngành Kế toàn tài chính của trường Đại học Văn Lang, em vượt qua mọi khó khăn, mặc cảm, cố gắng trong học tập để không phụ lòng mong mỏi của gia đình và thầy cô đã luôn động viên, ủng hộ. Em chia sẻ: “Được sự quan tâm, chia sẻ của các thầy cô và mọi người, em sẽ cố gắng hơn để không phụ lòng gia đình và thầy cô.”
Những tấm áo trắng đã ngả màu, đôi dép tổ ong, cử chỉ bẽn lẽn xen lẫn vui mừng khi được xướng tên, gương mặt lem luốc mệt nhoài vì phải vượt chặng đường xa... là tất cả những gì đọng lại sau những nụ cười tươi rói của các em. Đâu đó vang vọng lên “con có tiền đi học tiếp rồi” làm nhói lòng người nghe.
Thật vậy, suất học bổng là những món quà động viên, san sẻ mà cộng đồng trao đến các em, tiếp thêm nghị lực để những tấm gương ham học, muốn học và đang học sẽ được học để sớm chạm tay vào ước mơ của mình trong tương lai.
Yến Nhi – Thảo Mơ
Sau hơn 3 tháng phát động, cuộc thi viết “Thầy và trò cùng vượt khó” năm 2016 đã thu hút đông đảo thầy cô giáo ở các trường từ tiểu học đến THCS, THPT trong tỉnh tham gia. Có tổng số 291 bài dự thi, tăng 190 bài so với năm 2015. Ban Tổ chức đã chọn ra 16 tác phẩm xuất sắc nhất với 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 10 giải Khuyến khích. Ngoài ra, nhằm động viên, khuyến khích những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó học giỏi, dịp này, Ban Tổ chức còn trao 50 suất học bổng cho học sinh nghèo là những nhân vật từ cuộc, mỗi suất 1 triệu đồng, do VietinBank chi nhánh Cà Mau tài trợ. Dấu ấn của cuộc thi không chỉ để lại bằng những dòng cảm xúc chân thật về tình thầy trò mà thông qua mỗi nhân vật, hoàn cảnh, câu chuyện, ta biết thêm ở đâu đó trong những mái trường còn có những cô, cậu học sinh cần lắm sự giúp đỡ từ cộng đồng. |