(CMO) Hiện phạm vi an toàn cầu Khánh An, trên sông Ông Đốc, thuộc địa phận xã Khánh An, huyện U Minh và xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình đang tồn tại nhiều bến bãi hoạt động không phép, gây mất an toàn giao thông.
Theo báo cáo nhanh của Đội Thanh tra - An toàn số 8, thuộc Chi cục Đường thuỷ nội địa phía Nam, các bến bãi này đã tồn tại khá lâu. Nó nằm trong khu vực gần sát với hai bên mép chân cầu Khánh An gồm: bến vật liệu xây dựng Hồng Lâm thuộc Công ty Cổ phần xây dựng Hồng Lâm; bến vật liệu xây dựng của ông Nguyễn Trần Minh Hải; 2 bến xếp dỡ gỗ của các ông Trương Trường Giang và Lưu Tấn Phúc.
Nhiều sà lan trọng tải lớn của bến vật liệu xây dựng Hồng Lâm neo đậu sát chân cầu Khánh An, làm mất an toàn cho cây cầu này. |
Đây đều là các bến không phép, đã bị Đội Thanh tra - An toàn số 8 và Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh lập biên bản vi phạm hành chính, đồng thời đình chỉ hoạt động. 2 bến xếp dỡ gỗ của ông Trương Trường Giang bị lập biên bản vi phạm hành chính, bị phạt tiền mỗi bến 7,5 triệu đồng.
Đối với bến vật liệu xây dựng Hồng Lâm, đoàn kiểm tra liên ngành cùng Đội Thanh tra - An toàn số 8 đã lập biên bản xử phạt hành chính và đình chỉ hoạt động đến 4 lần, có quyết định xử phạt đến 20 triệu đồng. Tuy nhiên, các bến này vẫn ngang nhiên hoạt động.
Ông Phan Văn Út, Đội trưởng Đội Thanh tra - An toàn số 8, cho biết: “Hầu như năm nào các cơ quan chức năng đều ra quân xử phạt hành chính đối với các bến này. Các chủ bến vẫn biết nằm trong khu vực phạm vi an toàn cầu, không được cấp phép hoạt động nhưng vẫn cứ làm. Khi có lực lượng chuyên ngành nhắc nhở, xử phạt thì chủ bến chấp hành, đồng ý xử phạt, nhưng khi qua đợt ra quân kiểm tra thì mọi việc cũng đâu vào đấy”.
Làm thế nào để xử lý triệt để các bến thuỷ nội địa này, vấn đề không phải cứ xử phạt để rồi doanh nghiệp tái phạm. Thiết nghĩ, ngành chức năng cần có hoạch định hợp lý, căn cơ, tìm hướng xử lý vừa thoả đáng, vừa tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp hoạt động ổn định, lâu dài./.
Song Khuê