(CMO) Chiều 9/7, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử tiếp, làm việc với đoàn công tác của UBND tỉnh Quảng Trị do Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng làm trưởng đoàn.
Đoàn công tác của UBND tỉnh Quảng Trị mong muốn tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm về xây dựng, phát triển kinh tế nông nghiệp vùng nông thôn, đặc biệt là thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thuỷ sản công nghệ cao.
Chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển nghề nuôi tôm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho rằng, điều kiện tự nhiên, khí hậu của Quảng Trị không giống Cà Mau thì có thể nghiên cứu nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh, tuy nhiên cần đồng bộ nghiên cứu trên lĩnh vực chế biến và công nghệ cao. Quảng Trị cũng cần hiểu rõ sẽ đối mặt với nhiều khó khăn như việc thu hút đầu tư và phải áp dụng, theo kịp công nghệ liên tục phát triển nhanh.
Ông Hà Sỹ Đồng cám ơn sự hỗ trợ nhiệt thành của các ban, ngành tỉnh Cà Mau; đồng thời mong muốn mời Công ty Cổ phần Camimex Cà Mau về đầu tư lĩnh vực tôm tại Quảng Trị, nhất là những kinh nghiệm, mô hình hay đã áp dụng thành công tại Cà Mau.
Đáp từ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử mong rằng với sự cố gắng của tỉnh Quảng Trị và sự quyết tâm của Công ty Cổ phần Camimex Cà Mau sẽ mang đến nhiều sự thành công trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thuỷ sản, thắt chặt thêm mối liên hệ giữa 2 tỉnh tốt đẹp hơn.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử (bên phải) tặng quà lưu niệm cho Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng. |
“Cà Mau - mảnh đất sâu nặng ân tình với cố Tổng bí thư Lê Duẩn - người con ưu tú của quê hương Quảng Trị. Hiện Cà Mau đã và đang phục dựng các điểm di tích thuộc Xứ uỷ Nam Bộ (trong đó có các nơi cố Tổng bí thư Lê Duẩn bám trụ hoạt động và chấp bút khởi thảo “Đường lối cách mạng miền Nam”) thành khu vực tập trung để gìn giữ và phát huy, giáo dục truyền thống, đồng thời là nơi phát triển các hoạt động trải nghiệm cho thế hệ trẻ gắn với phát triển dịch vụ du lịch ở địa phương”, ông Lê Văn Sử thông tin thêm. Cũng chính vì vậy, ông mong rằng Cà Mau và Quảng Trị ngày càng thắt chặt hơn tình cảm, mối quan hệ hợp tác trong thời gian tới.
Tại buổi làm việc, ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, thông tin, với diện tích nuôi trồng hơn 302.600 ha, riêng nuôi tôm đạt hơn 278.700 ha, diện tích nuôi tôm của Cà Mau chiếm 45% diện tích nuôi tôm của khu vực ĐBSCL và chiếm 40% diện tích nuôi tôm cả nước; sản lượng tôm mỗi năm chiếm 29% sản lượng tôm ĐBSCL và chiếm 22% sản lượng tôm của cả nước.
Thời gian qua, tỉnh thay đổi nhanh về cơ cấu sản xuất, ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm thẻ chân trắng như: ao trải bạt theo quy trình Biofloc, Semi-Biofloc, quy trình công nghệ nuôi 2 giai đoạn, 3 giai đoạn, quy trình nuôi tuần hoàn nước khép kín,... góp phần tăng năng suất và sản lượng, cải thiện đời sống của người dân.
Toàn tỉnh có 45 nhà máy chế biến xuất khẩu tôm, trong đó có 32 nhà máy được đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại so với khu vực và thế giới, công suất trên 250.000 tấn (tôm nguyên liệu)/năm.
"Chế biến nông, lâm, thuỷ sản chiếm tỷ trọng lớn, có nhiều đóng góp quan trọng trong sự phát triển của ngành công nghiệp Cà Mau. Sản lượng thuỷ sản cung ứng mỗi ngày khoảng 1.500-1.700 tấn thuỷ sản các loại, trong đó có khoảng 500-600 tấn tôm, chủ yếu phục vụ chế biến xuất khẩu; giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm mỗi năm khoảng 1 tỷ USD, chiếm khoảng 30% giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước. Tôm Cà Mau được nhiều tổ chức quốc tế cấp chứng nhận”, ông Châu Công Bằng thông tin thêm./.
Băng Thanh