(CMO) Với tinh thần lắng nghe, tích cực đối thoại, khuyến khích sự đóng góp sáng kiến của người dân, từ đó chủ động xây dựng các mô hình giúp dân sát với tình hình đơn vị, địa bàn…, công tác "Dân vận khéo" của Bộ đội biên phòng (BÐBP) Cà Mau nhờ đó nhận được sự đồng thuận ngày một lớn của người dân 6 huyện ven biển.
Ðại tá Lương Hoàng Ðông, Chỉ huy trưởng BÐBP Cà Mau trao học bổng cho học sinh nghèo huyện Ngọc Hiển. |
Từ những khóm, ấp bình yên…
Vừa đưa tôi vượt sông sang với ấp Dinh Hạn, xã Tân Ân (huyện Ngọc Hiển), Ðại uý Phạm Nam Sơn, Ðội phó Ðội Vận động quần chúng, Ðồn Biên phòng (BP) Rạch Gốc vừa kể chuyện về ấp Dinh Hạn với rất nhiều tình cảm trìu mến.
Theo Ðại uý Phạm Nam Sơn, từ năm 2010, Ðồn BP Rạch Gốc đã chủ động tham mưu cho UBND xã Tân Ân tổ chức mô hình “Ấp không có tội phạm và tệ nạn xã hội (TNXH)”. Kết quả thực hiện gần 10 năm qua cho thấy, so với các ấp trong xã, an ninh trật tự của Dinh Hạn tốt hơn rất nhiều, TNXH đến nay không còn.
Ðón chúng tôi tại ấp Dinh Hạn có đủ mặt trưởng ấp, bí thư ấp và các công an viên của ấp. Chứng kiến tình cảm, sự cởi mở mà các chú, các anh dành cho Ðại uý Phạm Nam Sơn, thêm hiểu về sự quan tâm, gần gũi mà CBCS Ðồn BP Rạch Gốc đã dành cho ấp ven biển này. “Có vấn đề gì liên quan đến an ninh trật tự, ấp cần sự trợ giúp, cán bộ, Ðồn BP Rạch Gốc luôn xuất hiện đầu tiên, không nề hà sáng sớm hay đêm khuya. Từ giúp dân tránh bão, dựng nhà, đến khuyến cáo người dân không tham gia vào các TNXH. BÐBP như anh em trong nhà vậy….”, Trưởng ấp Mai Thanh Lâm cởi mở.
Ðược biết, Dinh Hạn là 1 trong 20 ấp, khóm được BÐBP tỉnh Cà Mau triển khai mô hình “Khóm, ấp không có tội phạm và TNXH”. Với sự hỗ trợ của BÐBP, bà con trong các khóm, ấp yên tâm làm ăn, kịp thời phát hiện, tham gia đấu tranh với các loại tội phạm, giữ gìn trật tự cho ấp, cho xã. Số liệu từ Bộ Chỉ huy BÐBP Cà Mau mới đây cho thấy, riêng năm 2020, các mô hình “Khóm, ấp không có tội phạm, TNXH” đã cung cấp thông tin, giúp đỡ BÐBP phát hiện 69/154 vụ án, liên quan đến nhiều đối tượng trên các lĩnh vực.
… Ðến những đội tàu an toàn, hiệu quả
Theo Trung tá Nguyễn Chí Nguyện, Phó chủ nhiệm Chính trị, BÐBP tỉnh Cà Mau: Ðịa bàn BÐBP Cà Mau quản lý gồm 23 xã, thị trấn thuộc 6 huyện, trải dài trên 254 km ven biển, nên công tác dân vận được cán bộ, chiến sĩ BÐBP Cà Mau đặc biệt chú trọng và triển khai ở rất nhiều lĩnh vực: từ đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn các loại tội phạm, TNXH, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới biển, đảo… đến tham gia phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng hệ thống chính trị.
Về các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, Trung tá Nguyễn Chí Nguyện cho biết, sau khi hướng dẫn tổ chức xây dựng mô hình, BÐBP Cà Mau thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, nắm tình hình, kết quả hoạt động của các mô hình, từ đó có sự điều chỉnh cho phù hợp, thiết thực. Cùng với mô hình “Khóm, ấp không có tội phạm, TNXH”, mô hình "Ðội tàu an toàn" của Cà Mau cũng đang được nhân rộng không chỉ trong tỉnh mà ở cả một số địa phương trong cả nước. Nhờ công tác tập huấn của BÐBP, các thành viên trong Ðội tàu an toàn đã nắm được những kiến thức nghiệp vụ cơ bản như: cách nhận biết tình hình bất thường trên biển; cách sử dụng máy thông tin liên lạc; cách ứng phó khi có thời tiết xấu trên biển cũng như những kỹ năng tham gia cứu hộ, cứu nạn....
Với phạm vi hoạt động khá rộng trên khắp vùng biển Tây Nam, hơn 10 năm qua, các đội tàu an toàn đã trở thành chỗ dựa tin cậy của ngư dân trên vùng biển Cà Mau. Nhờ có kênh thông tin của các thành viên đội tàu an toàn, BÐBP Cà Mau luôn nắm bắt kịp thời tình hình trên biển, xử lý tốt các vụ việc có liên quan. Ðến nay, tình trạng trộm cắp trên các phương tiện, hoặc tranh chấp ngư trường không còn xảy ra thường xuyên như trước. Từ 1 vài mô hình Ðội tàu an toàn ban đầu, BÐBP Cà Mau đã nhân rộng ra 21 đội, 173 tàu với trên 748 thuyền viên…
“Nhờ sự hướng dẫn và chung sức của BÐBP, Ðội tàu an toàn do Ðồn BP Rạch Gốc xây dựng đã tham gia cứu hộ, cứu nạn thành công hàng chục phương tiện của các tỉnh bạn như: Kiên Giang, Bạc Liêu, Bình Thuận và hàng trăm ngư dân gặp nạn trên biển được đưa vào bờ an toàn. Giờ đây, được tham gia vào đội tàu an toàn là nguyện vọng của rất nhiều chủ tàu”, Phó chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển Ngô Minh Toại cho hay.
Còn nhớ, trong chuyến công tác ra với đảo Hòn Chuối (huyện Trần Văn Thời), chúng tôi đã đặc biệt ấn tượng bởi lớp học tình thương trên đảo Hòn Chuối. Trong gian lớp đơn sơ, tiếng ríu rít đọc bài của các em nhỏ đã khiến cho đảo Hòn Chuối tràn đầy sức sống. Chia sẻ cùng chúng tôi, Thiếu tá Trần Bình Phục, người thầy mang quân hàm xanh, cho hay: Mô hình lớp học tình thương (từ lớp 1 đến lớp 6) được BÐBP Cà Mau tổ chức gần 20 năm nay. Trước Thiếu tá Phục, cũng đã có nhiều thầy giáo biên phòng thay nhau đứng lớp. Từ lớp học nhỏ này, nhiều em nhỏ đã có cơ sở để vào đất liền học lên đại học, cao đẳng; nhen lên hy vọng về cuộc sống yên ổn, đủ đầy cho nhiều hộ dân ở Hòn Chuối…
Ði dọc các huyện ven biển ở Cà Mau hôm nay, quan sát cách BÐBP Cà Mau tuyên truyền, giải thích cho dân hiểu; ngắm nhìn các công trình nước sạch, nhà văn hoá, đường nông thôn có sự chung tay, góp sức của BÐBP; chứng kiến tình cảm trân quý mà người dân ven biển dành cho BÐBP, mới thấm thía lời Bác căn dặn hôm nào “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công". Với những mô hình hợp lòng dân, đóng góp tích cực cho cộng đồng, BÐBP Cà Mau đã và đang tiếp tục khẳng định vai trò đặc biệt của công tác “Dân vận khéo” - yếu tố quan trọng góp phần xây dựng thế trận lòng dân vững chắc trên dọc dài biên giới của Tổ quốc.
Năm 2020, thực hiện “Năm Dân vận khéo”, BÐBP Cà Mau đã phối hợp tuyên truyền được 634 buổi vận động ngư dân không đánh bắt và hợp đồng đánh bắt trái pháp luật sang vùng biển nước ngoài; không dùng chất nổ, kích điện đánh bắt thuỷ sản, giữ an toàn các công trình trên biển... Tổ chức 35 buổi vận động chủ phương tiện, thuyền trưởng tham gia lắp đặt 1.400 thiết bị giám sát hành trình. Ðặc biệt, trước diễn biến của dịch Covid-19, BÐBP Cà Mau đã thực hiện 197 buổi tuyên truyền về nguyên nhân cũng như cách phòng, chống dịch Covid-19 cho gần 18.000 lượt người. Cấp phát gần 20.000 khẩu trang cho 520 tàu cá và Nhân dân. Kết hợp với báo, đài phát thanh, truyền hình địa phương xây dựng 13 kỳ chuyên đề “Vì chủ quyền an ninh biên giới”, 176 tin, bài, ảnh phản ánh các hoạt động bảo vệ biên giới, tham gia phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và phong trào thi đua "Dân vận khéo". |
Hoàng Mai