(CMO) Thời gian qua, số người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện chưa nhiều, trong khi đó, từ đầu năm 2022, với những thay đổi về mức đóng tạo nên tâm lý đắn đo, băn khoăn đối với người tham gia loại hình bảo hiểm này. Để hoàn thành chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện năm 2022, ngành BHXH đã triển khai nhiều giải pháp, nhất là tăng cường công tác truyền thông giúp nhiều người dân nắm bắt được và nhiệt tình tham gia, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và đảm bảo an sinh xã hội.
Tuyên truyền trực tiếp tại hộ gia đình, tuyên truyền theo cụm dân cư là những giải pháp đang được ngành BHXH đẩy mạnh để thu hút người dân tham gia BHXH tự nguyện. |
Đầu năm 2021, vợ chồng bà Lê Thị Xuyên ở Ấp 19/5, xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời, mua BHXH tự nguyện, với mong muốn sẽ tham gia đủ năm để khi về già có thể nhận được lương hưu. Thế nhưng, sau 2 năm ảnh hưởng của dịch bệnh cộng với mức đóng tăng hơn gấp đôi từ đầu năm 2022 nên 6 tháng nay bà Xuyên phải tạm dừng đóng vì không có tiền.
Bà Xuyên chia sẻ: "Trước kia, mỗi tháng chỉ đóng hơn 280.000 đồng cho cả 2 vợ chồng, giờ tăng gần 600.000 đồng cộng với việc làm mướn bấp bênh nên việc đóng BHXH tự nguyện của vợ chồng tôi càng khó khăn hơn. Giờ thì tạm dừng nhưng chưa biết khi nào thì có tiền để đóng lại hay phải chốt sổ".
Bà Nguyễn Thị Tám ở Ấp 19/5, xã Khánh Bình, cũng tham gia BHXH tự nguyện với mức đóng 138.000 đồng/người/tháng, sau khi đã được ngân sách Nhà nước hỗ trợ. Nhưng 4 tháng nay bà Tám cũng phải tạm dừng đóng vì kinh tế khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Tám bày tỏ: "Được tuyên truyền, tôi hiểu và nhận thấy việc tham gia BHXH tự nguyện có nhiều lợi ích, có thể nhận được lương hưu nếu mình tham gia đủ thời gian quy định, rồi nhận được BHYT miễn phí. Biết là quyền lợi nhiều, nhưng sau trận dịch, mức đóng tăng, nên những người làm mướn như vợ chồng tôi sợ không khả năng đóng cho nên tạm dừng. Bây giờ BHXH vận động nên tháng sau tôi sẽ tham gia lại, mong mức tăng đừng quá cao để những người có mức thu nhập vẫn có thể tham gia được".
Bà Nguyễn Hồng Thắm, Trưởng Ấp 19/5, thông tin, năm 2021 có khoảng 25 người dân trên địa bàn ấp tham gia BHXH tự nguyện, do làm nông nghiệp nên đa số chọn mức đóng thấp nhất là 138.000 đồng/người/tháng. Tuy nhiên, khi mức đóng tăng hơn gấp đôi, cộng với thu nhập bấp bênh nên đa số các sổ BHXH tự nguyện tạm dừng đóng 6 tháng nay.
"Cách nay 1 tuần, khi BHXH huyện phối hợp cùng với địa phương đi đến các hộ dân tuyên truyền vận động những người tạm dừng đóng đã tham gia trở lại. Tuy nhiên, để người dân hiểu và tự nguyện tham gia BHXH nhiều hơn thì rất cần BHXH huyện tập huấn cho đại lý thu, khóm, ấp nắm bắt nhiều thông tin về BHXH tự nguyện để từ đó công tác truyền thông được thực hiện tốt hơn. Thực tế, trước đây khi triển khai bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân cũng gặp không ít khó khăn, nhưng khi dân hiểu thì họ tự nguyện tham gia, với BHXH tự nguyện cũng thế", bà Thắm cho biết.
BHXH huyện Trần Văn Thời phối hợp cùng đại lý thu đến tận hộ dân để tuyên truyền về những thay đổi mức đóng BHXH tự nguyện và vận động người dân tiếp tục duy trì. |
Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2022, Cà Mau cần phát triển mới khoảng 20.000 người mới đạt chỉ tiêu kế hoạch BHXH Việt Nam giao. Để đạt chỉ tiêu, BHXH tỉnh sẽ ký quy chế phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn để đẩy mạnh công tác tuyên truyền để thực hiện chính sách BHXH, BHYT và thực hiện các chỉ tiêu về phát triển BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền trực tiếp có chiều sâu tại các hộ gia đình, cụm dân cư.
Ông Trịnh Trung Kiên, Giám đốc BHXH tỉnh Cà Mau, cho biết, hiện nay mức hỗ trợ là 30% đối với người nghèo tham gia BHXH tự nguyện, người cận nghèo là 25%, các đối tượng còn lại là 10%. Để khuyến khích người dân tham gia BHXH tự nguyện nhiều hơn, BHXH tỉnh đang phối hợp cùng các sở, ngành có liên quan đưa ra các giải pháp đề nghị UBND tỉnh xem xét và trình HĐND tăng mức hỗ trợ cho các đối tượng tham gia BHXH tự nguyện./.
Phương Lài