Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân, có 4 anh chị em, thầy Huỳnh Chí Lập, 38 tuổi, là con thứ tư trong gia đình. Mặc dù gia đình đủ ăn, cuộc sống tạm ổn, nhưng nhìn cảnh vất vả một nắng hai sương của bậc sinh thành, thầy Lập luôn tự dặn mình phải học thật tốt để có tương lai tươi sáng hơn, có điều kiện đỡ đần cha mẹ lúc tuổi già. Và, giảng đường đại học đã mở rộng cửa đón cậu học trò nông thôn với những ước mơ cháy bỏng ấy.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân, có 4 anh chị em, thầy Huỳnh Chí Lập, 38 tuổi, là con thứ tư trong gia đình. Mặc dù gia đình đủ ăn, cuộc sống tạm ổn, nhưng nhìn cảnh vất vả một nắng hai sương của bậc sinh thành, thầy Lập luôn tự dặn mình phải học thật tốt để có tương lai tươi sáng hơn, có điều kiện đỡ đần cha mẹ lúc tuổi già. Và, giảng đường đại học đã mở rộng cửa đón cậu học trò nông thôn với những ước mơ cháy bỏng ấy.
Thầy Lập tâm sự, thời gian học phổ thông, luôn thần tượng thầy, cô giáo của mình, những người thầy vừa dạy giỏi, vừa hết lòng thương yêu, dạy bảo học sinh, hướng học sinh đến với những điều tốt đẹp nên anh quyết tâm theo đuổi ngành sư phạm để được tiếp bước thầy, cô kính yêu truyền đạt học sinh những kiến thức bổ ích, ngọn lửa nhiệt huyết của mình. Những năm học lớp 10, 11, may mắn được học nhiều thầy, cô giáo dạy giỏi môn Địa lý nên đã truyền cho anh niềm đam mê môn học này. Thế là anh chọn thi vào sư phạm, chuyên ngành Địa lý.
Thầy Lập đang giảng bài trên lớp. |
Năm 2006, tốt nghiệp đại học và được Trường THPT Cái Nước nhận về công tác, từ năm 2008-2010, thầy Lập đều được Ban Giám hiệu phân công chủ nhiệm theo lớp. Trong công tác chủ nhiệm, thầy Lập luôn gần gũi, quan tâm, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của từng học sinh để tạo điều kiện giúp các em học tốt hơn và rèn luyện ý thức chấp hành nội quy, ý thức vươn lên trong học tập cho các em. Khi trong lớp có học sinh xin nghỉ phép do bệnh, thầy Lập tranh thủ tới tận nhà thăm hỏi. Điều này vừa thể hiện rõ sự quan tâm của thầy đối với học sinh, mặt khác, với những học sinh “giả bệnh” sẽ sợ mà không dám tái phạm.
Đặc biệt, với học sinh cá biệt, thầy Lập luôn quan tâm giúp đỡ, điển hình là trường hợp của em Võ Hồng Trân. Vào học lớp 10, học lực của Trân trung bình, em sống biệt lập, không giao tiếp với bạn bè. Thầy Lập tìm hiểu mới biết gia đình Trân rất khó khăn. Năm lớp 11, cha mẹ Trân mất cách nhau chỉ khoảng 1 tháng, thầy vận động học sinh trong lớp quyên góp, giúp đỡ, phân công học sinh gần gũi, an ủi, động viên Trân tham gia các phong trào. Từ đó giúp Trân vượt qua khó khăn, tiếp tục học hết lớp 12 và thi đậu vào đại học. Hiện nay Trân đã ra trường và có việc làm ổn định.
4 năm liên tục, thầy được ban giám hiệu và tổ chuyên môn tín nhiệm phân công bồi dưỡng học sinh giỏi môn Địa lý. Từ ngày tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi đến nay, năm nào ,học sinh Trường THPT Cái Nước dự thi học sinh giỏi môn Địa lý đều đoạt giải học sinh giỏi vòng tỉnh.
Thầy Lập cho biết, để có học sinh giỏi vòng tỉnh, bản thân người thầy phải quyết tâm, phải khát khao thể hiện mình, phải có sự cống hiến nhất định. Ngoài số tiết quy định của Nhà nước, thầy dành thêm thời gian để hướng dẫn những vấn đề cần thiết cho học sinh mà không cần đến thù lao. Có những ngày Chủ nhật, hoặc nhiều buổi tối thầy trò cặm cụi bên trang sách đến tận khuya. Từ đó, tình nghĩa thầy trò càng thêm gắn bó, chính lòng nhiệt huyết của thầy đã tiếp thêm sức mạnh để những cô, cậu học trò vững tin trước những thách thức trong từng câu hỏi của bài thi để mang về cho trường những mùa quả ngọt./.
Bài và ảnh: Huỳnh Châu