Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Minh Hải chuyên ngành Ngữ văn - Sử năm 1996, thầy Lê Tấn Hải về nhận nhiệm vụ công tác tại Trường THCS Tân Hưng, huyện Cái Nước. Gần 20 năm gắn bó với ngôi trường, trong đó có 9 năm làm công tác quản lý, thầy Lê Tấn Hải đã cống hiến cả tâm huyết của mình để xây dựng Trường THCS Tân Hưng trở thành điểm sáng của ngành giáo dục huyện Cái Nước.
Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Minh Hải chuyên ngành Ngữ văn - Sử năm 1996, thầy Lê Tấn Hải về nhận nhiệm vụ công tác tại Trường THCS Tân Hưng, huyện Cái Nước. Gần 20 năm gắn bó với ngôi trường, trong đó có 9 năm làm công tác quản lý, thầy Lê Tấn Hải đã cống hiến cả tâm huyết của mình để xây dựng Trường THCS Tân Hưng trở thành điểm sáng của ngành giáo dục huyện Cái Nước.
Tôi hẹn gặp thầy Hải khi thầy vừa đi điều trị bệnh ở TP Hồ Chí Minh về. “Toa này là toa thứ 10, còn 2 toa nữa là kết thúc đợt hoá trị. Các bác sĩ đánh giá cơ thể tôi tiếp nhận thuốc rất tốt”, thầy nói mà ánh mắt ánh lên vẻ lạc quan.
Mặc dù đang trong thời gian điều trị bệnh, nhưng thầy Lê Tấn Hải vẫn miệt mài với công việc. |
Ít nói về bản thân, đó là tính cách của thầy Lê Tấn Hải, biết vậy nên tôi chỉ hỏi thăm tình hình sức khoẻ của thầy. Thầy nhỏ nhẹ bộc bạch: “Lúc đầu mình cũng làm đơn xin nghỉ để điều trị bệnh. Nhưng được nửa tháng nhớ trường, nhớ công việc quá nên chịu không nổi, mình đi làm trở lại. Có công việc vậy mà khuây khoả, ít suy nghĩ tiêu cực do bệnh tật. Bây giờ mình phải thu xếp thời gian làm việc thật hợp lý, khoa học. Vả lại, các anh em trong Ban Giám hiệu cũng gánh vác đỡ một phần công việc điều hành hoạt động nên mình cũng yên tâm”.
Gặp gỡ các đồng nghiệp của thầy, tôi được nghe nhiều câu chuyện thú vị và cảm động về thầy.
Câu chuyện thứ nhất xảy ra cách đây gần 10 năm, lúc đó thầy Hải còn là phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn của trường. Trong lần dự giờ thầy Cao Anh Tú, giáo viên dạy môn Lịch sử vừa tốt nghiệp về công tác tại trường, lúc nhận xét đánh giá tiết dạy, hai bên có một số bất đồng quan điểm về phương pháp giảng dạy. Thầy Tú lúc đó còn trẻ, nóng nảy và hiếu thắng nên tranh cãi quyết liệt, có những lời lẽ không đúng mực, xúc phạm đến thầy Hải. Thế nhưng, thầy Hải không tỏ thái độ gì. Sau đó 1 năm (năm học 2007-2008), dù được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng, nhưng thầy Hải chẳng những không chấp nhặt chuyện cũ mà còn động viên thầy Tú đi thi giáo viên giỏi và tạo mọi điều kiện để thầy Tú yên tâm đi thi. Trong kỳ thi giáo viên giỏi năm ấy, thầy Tú đã đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp huyện và cấp tỉnh.
Tiếp đó, thầy Hải tiếp tục tin tưởng giao nhiệm vụ cho thầy Tú phụ trách công tác bồi dưỡng học sinh giỏi môn Lịch sử của trường. Ðược Ban Giám hiệu tin tưởng, thầy Tú đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, suốt 8 năm liền (từ năm học 2007-2008 đến nay), năm nào trường cũng có học sinh giỏi môn Lịch sử (riêng năm học 2013-2014, trường có 1 học sinh đoạt giải Nhất kỳ thi học sinh giỏi môn Lịch sử cấp tỉnh). Nhắc lại chuyện cũ, thầy Tú cười bẽn lẽn: “Tại hồi đó còn trẻ, hiếu thắng. Bây giờ hiểu được cái tâm của thầy Hải rồi, tôi tâm phục khẩu phục”.
Không chỉ có thầy Tú, dưới sự quan tâm dìu dắt của thầy Hải, nhiều giáo viên trong trường đã trưởng thành, vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ. “25 giáo viên giỏi cấp huyện, 6 giáo viên được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và gần 100 học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh. Ðó quả là hành trình không hề đơn giản nếu như không có sự tận tâm, chèo lái vững vàng của người thuyền trưởng Lê Tấn Hải”, thầy Lê Văn Liệt, Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn của trường, chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Thanh, giáo viên dạy môn Ngữ văn của trường, bộc bạch: “Ðối với chúng tôi, thầy Hải không chỉ là Hiệu trưởng mà còn là một người anh cả. Lúc tôi mới lập gia đình, khó khăn về chỗ ở, thầy đã chạy đôn chạy đáo xin UBND xã Tân Hưng cho mượn đất để giáo viên cất nhà. Nhờ đó mà tôi cùng với các thầy cô khác ổn định chỗ ở, an tâm công tác”.
Gần đây nhất, khi biết thầy mắc bệnh nan y, công đoàn nhà trường đề nghị thầy làm đơn xin hỗ trợ của Công đoàn ngành giáo dục huyện Cái Nước, nhưng thầy từ chối, bởi “Mình còn khả năng điều trị, để phần đó lại cho những anh chị em giáo viên có hoàn cảnh khó khăn hơn mình”.
Hiền lành, chân thật và tâm huyết với công việc, đó là nhận xét chung của đồng nghiệp khi nói về thầy Lê Tấn Hải. Gần 10 năm làm cán bộ quản lý, thầy Hải đã xây dựng được 1 tập thể gắn kết, yêu thương, cùng nhau phấn đấu vì mục tiêu chung: xây dựng Trường THCS Tân Hưng đạt chuẩn quốc gia và trở thành một trong những lá cờ đầu của ngành giáo dục huyện Cái Nước trên các mặt công tác. Suốt 3 năm học vừa qua, Trường THCS Tân Hưng đều nằm trong tốp đầu của ngành giáo dục huyện trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi.
Là người đứng đầu đơn vị, thầy Lê Tấn Hải luôn chắt chiu, dành dụm từng cơ hội, từng sự giúp đỡ quý báu của cấp uỷ, chính quyền địa phương, của Phòng Giáo dục và Hội Cha mẹ học sinh, khơi gợi và nhóm lên trong từng giáo viên của trường ngọn lửa nhiệt huyết, sáng tạo, niềm đam mê với nghề để nâng cao chất lượng giáo dục. Thầy Hải quan niệm: “Người thầy giáo như con ong làm mật”, chăm chỉ, miệt mài để dâng cho đời những giọt mật ngọt, thơm./.
Bài và ảnh: Nguyễn Anh Tuấn