Tốt nghiệp THPT, mang nhiệt huyết thanh niên, chàng trai quê Thanh Hoá Mai Giang Nam vào Nam và đến vùng đất mới Cà Mau lập nghiệp. Sau 2 năm học nghiệp vụ Cao đẳng Sư phạm Minh Hải, anh được phân công về Trường Phổ thông cơ sở Tân Thuận (xã Tân Thuận, huyện Ðầm Dơi) công tác. 2 năm dạy tại trường, thầy giáo trẻ đã phát huy năng lực của mình và ngày càng gắn bó với vùng đất khó.
Tốt nghiệp THPT, mang nhiệt huyết thanh niên, chàng trai quê Thanh Hoá Mai Giang Nam vào Nam và đến vùng đất mới Cà Mau lập nghiệp. Sau 2 năm học nghiệp vụ Cao đẳng Sư phạm Minh Hải, anh được phân công về Trường Phổ thông cơ sở Tân Thuận (xã Tân Thuận, huyện Ðầm Dơi) công tác. 2 năm dạy tại trường, thầy giáo trẻ đã phát huy năng lực của mình và ngày càng gắn bó với vùng đất khó.
Thầy Nam tâm sự: “Ðời sống người dân khi ấy khó khăn lắm, giáo viên thiếu thốn mọi bề nhưng bù lại chúng tôi nhận được sự quan tâm, đùm bọc, chở che của bà con nơi đây, nên dù có vất vả nhưng rất ấm lòng”.
Ðường đi lại khó khăn không chỉ khiến bản thân người thầy giáo trẻ gặp khó khi đứng lớp mà hành trình đi tìm con chữ của các em học sinh nơi đây cũng gian nan bội phần. Lo các em bỏ học, thầy Nam lặn lội đến những nơi hẻo lánh, đến tận nhà các em học sinh có nguy cơ bỏ học vì khó khăn để vận động. “Năm đó, lớp học chỉ 25 em học sinh nhưng toàn là con trai. Bởi không chịu nổi vất vả nên 2 em học sinh nữ trong lớp phải bỏ học”, thầy Nam xót xa.
Bằng những phương pháp dạy hay, thầy Mai Giang Nam, giáo viên Trường THCS Dương Thị Cẩm Vân đã góp phần vào sự phát triển giáo dục huyện Đầm Dơi. |
Với vai trò Tổng phụ trách Ðội, dù không có chỗ vui chơi cho các em học sinh, thầy mạnh dạn tổ chức những trò chơi dân gian cho các em ngay hành lang chật hẹp. Thầy Nam còn lồng ghép cả những trò chơi vào trong các buổi dạy nhằm thu hút niềm vui cho học sinh của mình để không em nào phải bỏ học.
Gắn bó với trường được 2 năm, thầy Nam được điều chuyển về Trường THCS Hiệp Bình (xã Tân Ðức). Ðiều kiện dạy và học ở đây có phần đỡ vất vả hơn. Với nền tảng sẵn có cộng với nhiệt huyết của tuổi trẻ, sau 1 năm, thầy Nam đạt danh hiệu Tổng phụ trách Ðội giỏi, rồi liên tiếp 4 năm liền là giáo viên giỏi cấp huyện.
Sau đó, thầy nhận nhiệm vụ và gắn bó với Trường THCS Dương Thị Cẩm Vân đến nay. 16 năm về trường, thầy đạt danh hiệu giáo viên giỏi Toán cấp tỉnh. Sau đó, thầy tham gia dạy bồi dưỡng học sinh giỏi và giáo viên giỏi của huyện. 200 em học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi vòng tỉnh và 9 em là học sinh giỏi vòng quốc gia là những “thành quả” mà thầy đã chăm bồi trong suốt những năm đứng trên bục giảng.
Với những kết quả đó, từ năm 2001 đến nay, 5 lần liên tiếp thầy vinh dự nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh” với 3 sáng kiến kinh nghiệm về: Phương pháp dạy Hình học lớp 7, Kiểu ôn tập hiệu quả và Phát triển tư duy học sinh bằng những bài toán cơ bản, được Hội đồng Thi đua cấp tỉnh công nhận.
Thầy Nam chia sẻ: “Tiếp lửa cho tôi chính là truyền thống hiếu học của các em học sinh, người dân vùng khó khăn này, dù vất vả nhưng họ vẫn kiên trì đưa con đến lớp và chính sự “bám trường, bám lớp” của các em đã khiến tôi phải cảm phục”.
Ngoài giảng dạy trên lớp, thầy còn tham gia viết bài dự cuộc thi viết “Cô giáo tôi, mẹ của tôi”. Thầy Nam có sở thích đọc sách thơ văn và làm thơ tặng cho các học trò nhằm khích lệ, động viên tinh thần các em. Tiết học của thầy trở nên sinh động hơn bởi những công thức toán học được thầy chuyển thành những câu thơ dễ thuộc, dễ nhớ cho các em học sinh.
Thầy Trần Ngọc Thể, Hiệu trưởng Trường THCS Dương Thị Cẩm Vân, chia sẻ: “Thầy Nam là một trong những nhân tố góp phần đẩy mạnh phong trào dạy và học không chỉ riêng Trường THCS Dương Thị Cẩm Vân mà cả các trường trong huyện Ðầm Dơi. Với phương pháp dạy hay, sinh động, thầy Nam đã đào tạo đội ngũ học sinh giỏi và cả giáo viên giỏi cho huyện, tỉnh, lực lượng nòng cốt của ngành, góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục của huyện nhà”./.
Bài và ảnh: Hồng Nhung