(CMO) Chung tay thực hiện tiết kiệm nguồn năng lượng, nguồn nước, bảo vệ môi trường, thời gian qua, Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo các phòng giáo dục, trường học trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch thực hành tiết kiệm, chống lãng phí điện và nước, sửa chữa và nâng cấp các thiết bị điện, nước đạt tiêu chuẩn an toàn và thân thiện với môi trường, ưu tiên cho các nguồn năng lượng sạch.
Hiệu trưởng Trường THCS Võ Thị Sáu Tạ Đức Hùng cho biết: “Sau đợt sửa chữa và nâng cấp cơ sở hạ tầng, nhà trường đã cho thay thế các bóng đèn điện tiết kiệm điện năng trong lớp học, phòng chức năng. Đây là một trong những cách làm theo đề án của Bộ GD&ĐT về việc sử dụng nguồn năng lượng tiết kiệm”.
Thầy Tạ Đức Hùng, Hiệu trưởng Trường THCS Võ Thị Sáu nhắc nhở học sinh bảo quản và sử dụng các thiết bị điện tại trường học hiệu quả, an toàn và tiết kiệm. |
Hành động thay bóng đèn ít tốn điện năng trong lớp học vừa giúp các trường giảm bớt nguồn kinh phí sử dụng điện, vừa là cách giáo dục học sinh tiết kiệm nguồn điện năng khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Ngay từ đầu năm học, Ban Giám hiệu Trường THPT Đầm Dơi đã bàn giao các thiết bị điện cho mỗi lớp học quản lý.
Theo đó, giáo viên sẽ phân công nhiệm vụ trực nhật cho các em học sinh của mình, tắt, mở các thiết bị khi cần thiết. Cụ thể như quạt điện được sử dụng xuyên suốt các tiết học, mỗi lớp học được lắp đến 4 quạt đảo, nhưng sẽ được sử dụng luân phiên mỗi khi chạy nhiều giờ, như vậy tuổi thọ quạt sẽ cao hơn và lượng điện tiêu thụ của quạt cũng sẽ ít hơn. Bên cạnh, nhà trường nhắc nhở các em học sinh sử dụng nguồn nước một cách tiết kiệm, dù là nguồn nước khoan nhưng không vì điều đó mà lãng phí.
Cô Mã Thị Xuân Thu, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đầm Dơi, cho biết: “Bằng cách tiết kiệm trong sử dụng và bảo quản các thiết bị điện, nhà trường trực tiếp giáo dục các em bằng những bài giảng ngắn gọn, đúng thực tế. Chúng tôi đã thành công trong việc sử dụng các thiết bị điện một cách an toàn, tiết kiệm chi phí tiền điện mỗi tháng từ 4-5 triệu đồng".
Tiết kiệm nguồn năng lượng điện và nguồn nước là một trong những việc cần thực hiện ngay từ lúc này, việc tuyên truyền để khơi dậy nhận thức của mọi người là rất quan trọng. Đặc biệt tuyên truyền trong trường học, bởi các em học sinh sẽ là những tuyên truyền viên tích cực nhất.
Em Huỳnh Thiện Nhân, lớp 12A6, Trường THPT Đầm Dơi, là học sinh giỏi môn Địa lý. Nhân có vốn kiến thức khá sâu và sự quan tâm đối với biến đổi khí hậu. Thiện Nhân cho biết: “Do cách sử dụng nguồn nước ngọt tự nhiên của mọi người chưa hiệu quả, nhất là việc khai thác các mạch nước ngầm quá mức, làm cho bề mặt đất bị phễu lún. Ngoài ra, việc chặt phá, khai thác cây rừng quá mức... là những tác nhân ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống”.
Cùng cách nghĩ với Thiện Nhân, em Nguyễn Ái Phương Minh, lớp 12A1, Trường THPT Hồ Thị Kỷ, chia sẻ: “Việc tiết kiệm điện, nước hiệu quả phụ thuộc vào ý thức của mỗi người, tiết kiệm cần ưu tiên thực hiện ở mỗi gia đình. Mỗi cá nhân phải góp một ít, nhiều gia đình cùng thực hiện sẽ trở thành phong trào lớn”.
Đây chỉ là những nhìn nhận khách quan của các em học sinh, tuy chưa thể nói hết toàn bộ ý nghĩa tiết kiệm năng lượng, song đây là hiệu ứng lan toả mạnh mẽ trong cộng đồng.
Bài và ảnh: KHÁNH PHƯƠNG