“Thầy căng lắm, khó lắm", là lời truyền miệng của lớp đàn anh, đàn chị học thầy từ những năm trước. Tôi nghe mà ớn da gà.
“Thầy căng lắm, khó lắm", là lời truyền miệng của lớp đàn anh, đàn chị học thầy từ những năm trước. Tôi nghe mà ớn da gà.
Tiết giảng Văn của thầy tôi chán nản không thèm học nữa, chỉ lo quậy phá, chọc ghẹo bạn bè xung quanh. Ðến lúc thầy hắng giọng gọi: "Vĩnh, sao em không chịu viết bài", tôi mới giật mình loay hoay cầm viết.
- Dạ, viết của em hết mực rồi thầy ơi!
Nhưng thật sự có hết đâu. Thầy lấy từ trong túi áo ra một cây bút bi tặng tôi.
Minh hoạ: Hoàng Vũ |
Chưa hết, tôi cùng nhóm bạn trong lớp rủ nhau bày ra một kế gọi là độc chiêu, hái trái mắt mèo trây lên bàn, lên ghế của thầy. Thầy bước vào lớp, cả lớp đứng lên chào thầy. Tôi tỉnh bơ như không có chuyện gì xảy ra. Thế mà âm mưu bị bại lộ. Thầy không quát mắng một lời, đôi mắt thầy nhìn đăm đăm đầy lòng bao dung.
Hôm ấy, thầy đến lớp từ giã các em, hôm sau thầy về quê thu xếp việc gia đình gấp. "Thầy đi rồi sẽ có cô giáo Hạnh chủ nhiệm lớp, các em cố gắng học tốt, đừng để cô buồn", thầy bảo. Tiết học cuối cùng thầy không dạy trong sách giáo khoa nữa, thầy thủ thỉ tâm tình. Thầy bảo, sống giữa cuộc đời nên giữ sạch đôi bàn tay, giữ đạo làm người với hai chữ nghĩa ơn.
Buổi học cuối cùng sao bỗng thấy nao nao, tiếng thước bảng cũng nghe buồn sau những lần quậy phá. Sự hối hận muộn màng.
Tan trường, tôi lủi thủi từng bước chân trong cái nắng gay gắt giữa trưa. Bỗng nghe bên tai tiếng gọi thân quen:
- Vĩnh… Vĩnh… Vĩnh ơi…!
Tôi quay lưng lại, bàn tay hiền hoà của thầy vuốt nhẹ lên bờ vai:
- Lên xe, thầy cho quá giang về nhà!
Từ một thằng quậy phá ngày nào giờ tôi chỉ biết cúi đầu rụt rè: "Cho em xin lỗi thầy!", rồi nhẹ nhàng ngồi lên xe.
Cuối cấp ba năm ấy, chúng tôi mỗi đứa một nơi. Lòng tôi luôn day dứt mãi dẫu cuộc đời có lắm chuyện đổi thay. Dù ước mơ chưa đạt thành trọn vẹn, tôi vẫn giữ được đôi tay mình trong sạch. Thầm cảm ơn thầy về những gì tốt đẹp thầy đã dành cho tôi. Ðó là những lời dạy dỗ quý báu, cổ vũ tôi trong những tháng năm dài. Mỗi lần về thăm, mái tóc thầy bạc trắng nhiều hơn. Nhưng với tôi, thời gian có trôi qua bao nhiêu, tấm lòng thầy vẫn như thế, vẫn tận tuỵ và đầy yêu thương. Không sao quên được hình ảnh thầy với chiếc xe đạp cũ kỹ cứ kêu “cót két” theo từng vòng quay, lưng thầy ướt đẫm mồ hôi mà miệng vẫn vui cười. Ôi sao mà thương thầy đến thế!./.
Quách Thanh Toàn