Giờ thực hành của thầy, trò Trường THPT Hồ Thị Kỷ.
“Giai đoạn 2010-2015 là thời điểm mà ngành giáo dục cả nước tiến hành quyết liệt các chủ trương, biện pháp để đổi mới theo hướng hiện đại, tích cực, toàn diện. Giáo dục Cà Mau ngoài những thuận lợi cũng “loay hoay” với không ít vấn đề. Tuy nhiên, yếu tố con người, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên chính là sự quyết định thành công hay thất bại cho nền giáo dục tỉnh nhà”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân khẳng định.
Những tín hiệu tích cực
Giáo dục Cà Mau đã đi vào quỹ đạo phát triển theo chiều sâu. Hệ thống hạ tầng giáo dục, quy mô giáo dục đã ổn định, liên tục được nâng cấp, đầu tư, chất lượng giáo dục đang thay đổi tích cực. Tính ổn định đã được khẳng định khi Cà Mau đang dần trở thành lá cờ đầu của giáo dục khu vực trong thời gian gần đây. Phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt” là một trong những điểm nhấn đặc biệt. Bởi đây là phong trào gắn với 2 hoạt động cơ bản, thường xuyên nhất, nhưng cũng thực chất và cấp thiết nhất của giáo dục. Trong 5 năm qua, hơn 520 giáo viên đạt danh hiệu dạy giỏi cấp tỉnh; học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 9 và 12 đã tiệm cận con số 4.000. Tiêu biểu hơn, có 57 học sinh đạt giải cấp quốc gia, con số không phải nơi đâu cũng có được.
Giờ thực hành của thầy, trò Trường THPT Hồ Thị Kỷ. Ảnh: KIỀU LOAN |
Tín hiệu đáng mừng nhất có lẽ là việc hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất của Cà Mau không ngừng phát triển. Phó Giám đốc Sở GD&ÐT Cà Mau Cao Minh Hồng cho biết: “Số phòng học 3 ca, phòng học tạm đã được xoá. Trong hơn 7.300 phòng học, có 59% phòng kiên cố”. Giữa năm 2011, Cà Mau có 65 trường đạt chuẩn quốc gia, hết năm 2014, Cà Mau cán mốc 200 trường.
Từ việc ổn định về cơ sở vật chất, các phong trào thi đua có dịp nở rộ, lan toả trong toàn hệ thống, tạo sinh khí phấn chấn, hăng hái thi đua lập thành tích. Các tổ chức, đoàn thể trong nhà trường với những phong trào thi đua mà tên gọi, nội dung đều hết sức thiết thực đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên. Các phong trào “Dân chủ, kỷ cương - tình thương - trách nhiệm”; “Dân chủ hoá nhà trường”, “Xã hội hoá giáo dục”, “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”… đã đem lại niềm tin to lớn cho sự đi lên của giáo dục tỉnh nhà.
Vị trí của người phụ nữ trong giáo dục Cà Mau được khẳng định chắc chắn qua phong trào “Giỏi việc trường - đảm việc nhà”. Chưa bao giờ không khí thi đua, sự cống hiến của những nữ cán bộ, giáo viên ngành giáo dục Cà Mau lại hăng hái đến thế. Ông Cao Minh Hồng thông tin: “Trên 95% chị em đều đạt được danh hiệu này”. Chị em là lực lượng chiếm xấp xỉ 50% nguồn nhân lực của giáo dục, cống hiến của chị em, sự phấn đấu của chị em cũng mang lại 50% thành quả chung.
Chú trọng thực chất
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân gởi gắm: “Mong muốn của địa phương là ngày càng có nhiều thầy cô giỏi nghề, tâm huyết, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự phát triển của Cà Mau”. Trong đó, vai trò của các phong trào thi đua yêu nước được nhấn mạnh là không thể thay thế, là khâu đột phá để có được những kết quả nhanh, quyết liệt và bền bỉ. Mỗi một cá nhân phục vụ trong ngành giáo dục cần nêu cao tính tiên phong, gương mẫu, coi sự nghiệp trồng người là niềm vinh dự và trách nhiệm lớn lao trước xã hội.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học A Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời Huỳnh Văn Mến cho biết: “Qua 5 năm, chúng tôi đã rút ra được một số giải pháp về công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên”. Dù điều kiện còn tương đối hạn chế, 29 cán bộ giáo viên của trường đã làm việc chăm chỉ để hoàn thành trách nhiệm giáo dục khoảng 600 học sinh hằng năm.
Kinh nghiệm của Trường Tiểu học A Khánh Bình Tây cũng là gợi ý tốt đối với các nhà trường ở vùng nông thôn sâu của Cà Mau. Ðó là đội ngũ giáo viên cần phân loại, sắp xếp, bố trí theo đúng sở trường, trình độ năng lực, chuyên môn. Mỗi người cần nhận thức hơn ai hết thế mạnh và nhược điểm của bản thân để phấn đấu hoàn thiện. Một vấn đề nữa là mỗi nhà trường cần xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ. Mỗi cán bộ, giáo viên phải thật sự vững vàng, tự tin ở lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ mình đảm trách. Thầy Mến chia sẻ thêm: “Bên cạnh đó, kiểm tra đánh giá thường xuyên, dân chủ và việc chăm lo đời sống cho anh em cũng là những điều mà mỗi trường học cũng phải hết sức lưu tâm”.
Riêng Hiệu trưởng Trường THPT Ðầm Dơi Châu Văn Tuy bộc bạch: “Truyền thống của nhà trường là nền tảng để thầy và trò tiếp tục phấn đấu. Chúng tôi luôn nêu cao tính chất của thành tích thi đua nhưng phải đảm bảo chất lượng thực”. Một sự khác biệt của THPT Ðầm Dơi đó là việc vận dụng các sáng kiến kinh nghiệm vào thực tiễn và vận dụng một cách linh hoạt, có kết quả. Nhà trường đã tạo dựng được sức mạnh đoàn kết, 1 cơ sở giáo dục nhận được sự quan tâm, liên kết, hỗ trợ của toàn xã hội; do đó, học sinh có được môi trường giáo dục thuận lợi.
Cũng trong giai đoạn này, 1 đơn vị giáo dục trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh là Trường Cao đẳng Y tế đã được đánh giá là chủ động vượt khó, đạt được những thành tích khích lệ. Ông Nguyễn Hữu Hạnh, Hiệu trưởng nhà trường, bày tỏ: “Trường thiếu người, cắt giảm nhân sự theo cơ chế của tỉnh, thay đổi đơn vị chủ quản, luân chuyển nhân sự. Và trong khó khăn như thế, nhà trường đã vực dậy được không khí thi đua từ việc xây dựng và ổn định tổ chức Ðảng, chính quyền, đoàn thể. Kinh nghiệm quý báu này đã giúp trường tiếp tục lộ trình đổi mới, mở rộng quy mô đào tạo để cung cấp đội ngũ ngành y thực sự có tay nghề”.
Năm 2015, hàng loạt thay đổi và dự định thay đổi đã được Bộ GD&ÐT công bố. Giáo dục đang đứng trước thời điểm chuyển biến mau lẹ, người làm giáo dục vì thế cần liên tục nỗ lực để không bị lạc lõng, đào thải. Cà Mau đang có nguồn nhân lực mà theo đánh giá là hoàn toàn có đủ khả năng đạt được những thành tựu lớn hơn./.
Phạm Nguyên