Phát triển và hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn (GTNT) theo tiêu chí xây dựng nông mới không chỉ rút ngắn khoảng cách thành thị với nông thôn mà còn tạo đà phát triển vùng nông thôn. Song, khi có lộ làng rộng thoáng, phương tiện cơ giới đường bộ ngày càng tăng nhanh thì vấn đề đặt ra cho các ngành chức năng là đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) khu vực nông thôn.
Phát triển và hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn (GTNT) theo tiêu chí xây dựng nông mới không chỉ rút ngắn khoảng cách thành thị với nông thôn mà còn tạo đà phát triển vùng nông thôn. Song, khi có lộ làng rộng thoáng, phương tiện cơ giới đường bộ ngày càng tăng nhanh thì vấn đề đặt ra cho các ngành chức năng là đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) khu vực nông thôn.
Trong năm 2014, tai nạn giao thông (TNGT) và va chạm giao thông ở địa bàn nông thôn đều tăng so với cùng kỳ. Nguyên nhân theo đánh giá của ngành chức năng là do lái xe bất cẩn, không tuân thủ các quy định về đảm bảo ATGT. Tuy nhiên, đó chỉ là một phần về vấn đề ý thức. Sâu xa hơn là công tác đảm bảo ATGT chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) chỉ tham gia tuần tra, kiểm soát (TTKS) hỗ trợ địa phương vài ngày trong đợt cao điểm, còn việc thực thi nhiệm vụ của công an địa phương cũng chưa thường xuyên vì thiếu những điều kiện cần thiết.
Hành lang lộ giới trên tuyến Quốc lộ 63 (địa bàn xã Tân Lộc, huyện Thới Bình) thường xuyên bị lấn chiếm, gây khó khăn cho các phương tiện khi lưu thông. |
Có thể thấy, nhiệm vụ của công an xã là rất nặng nề. Bởi, không chỉ đảm bảo trật tự ATGT mà còn giữ gìn an ninh trật tự, giải quyết các thủ tục hành chính về trật tự xã hội… trong khi nhân sự theo biên chế lại không đảm đương hết công việc, mà việc hợp đồng nhân viên thì cũng giới hạn số lượng theo ngân sách địa phương. Nhìn chung là vậy, nhưng riêng về công tác đảm bảo trật tự ATGT thì không ít xã lại thiếu phương tiện và kinh phí để tổ chức TTKS.
Ông Lữ Trường Ðảm, Phó trưởng Công an xã Nguyễn Phích (huyện U Minh), cho biết, toàn xã có 20 ấp, khoảng 16 km tuyến lộ chính (giáp với xã Khánh An và thị trấn U Minh) song song tuyến sông Cái Tàu và hơn 19 km lộ liên ấp. Bên kia là tuyến tỉnh lộ nên có lực lượng CSGT huyện TTKS, còn bên bờ Ðông do Công an xã TTKS. Tuy nhiên, mỗi tháng chi phí cho công tác tuần tra đảm bảo an ninh trật tự, ATGT… chỉ 1,2 triệu đồng. Mặt khác, Công an xã được cấp 2 chiếc xe gắn máy (loại xe Wave), sử dụng đã lâu nên xuống cấp.
“Trong năm 2014, Công an xã đã tổ chức TTKS được 56 lượt, phát hiện xử phạt gần 50 triệu đồng. Trước đây tiền xử phạt xã được giữ lại 70% để làm kinh phí, nhưng bây giờ chỉ còn được giữ 30%. Kinh phí hạn hẹp nên lực lượng làm nhiệm vụ chỉ tuần tra trên trục chính, còn các nhánh rẽ thì nhờ các ban Nhân dân, các tổ tự quản hỗ trợ bằng công tác tuyên truyền, giáo dục con em gia đình và theo phân cấp hội viên nào thì hội đó quản lý”, ông Trường Ðảm trần tình.
Ông Nguyễn Thanh Bằng, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Cà Mau, cho biết: Không chỉ có tỉnh ta mà nhiều tỉnh khác cũng đang gặp khó khăn về vấn đề này vì cho đến thời điểm này, Trung ương chưa có văn bản nào hướng dẫn kinh phí hoạt động đảm bảo ATGT cho công an cấp xã. Thế nên, một mặt Ban ATGT tỉnh đang kiến nghị Bộ Tài chính xem xét sớm có hướng dẫn cụ thể để tỉnh thực hiện. Mặt khác, tỉnh cũng đang vận dụng các nguồn kinh phí tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ cho địa phương thực thi nhiệm vụ. |
Xã Tân Lộc (huyện Thới Bình) có tuyến Quốc lộ 63 đi ngang qua với chiều dài trên 3 km và hơn 54 km lộ giao thông nông thôn, trong đó có trên 36 km đã được bê-tông hoá. Bởi thế, trật tự ATGT ở Tân Lộc thời gian qua rất phức tạp, nhất là khu vực chợ.
Ông Trần Thanh Trường, Trưởng Công xã Tân Lộc, cho biết: Từ khi cầu Tân Lộc được xây mới, có hành lang 2 bên, trật tự ATGT khu vực chợ đã ổn định hơn trước rất nhiều. Bên cạnh đó, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền (có sự hỗ trợ của lực lượng CSGT huyện) đến tận các ấp, nên trật tự ATGT trên địa bàn xã có chuyển biến tích cực. “Chủ yếu là nhờ có sự hỗ trợ, chứ lực lượng Công an xã không đủ kinh phí để TTKS, năm 2006, Công an xã được huyện cấp 1 xe gắn máy, đến nay đã xuống cấp rồi. Thật tình hiện nay chúng tôi cần được hỗ trợ phương tiện và kinh phí hoạt động để thực thi tốt hơn nhiệm vụ của mình”, ông Trường bộc bạch.
Ðẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, GTNT đang phát triển nhanh, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân nông thôn. Song, hạ tầng giao thông chưa thật sự hoàn chỉnh, ý thức người tham gia giao thông chưa cao nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất trật tự ATGT dẫn đến gia tăng TNGT. Vì vậy, đầu tư trang thiết bị và hỗ trợ kinh phí cho lực lượng làm nhiệm vụ tại chỗ là rất cần thiết./.
Bài và ảnh: Mỹ Pha