Thư viện là nơi mang lại cho lớp trẻ nhiều lợi ích. Ngoài mục đích đọc sách, thư viện còn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho trẻ phát triển tài năng một cách toàn diện. Nhận thức rõ tầm quan trọng của sách, huyện Ngọc Hiển đã đầu tư 100% trường học đều có thư viện theo hướng đạt chuẩn.
Thư viện là nơi mang lại cho lớp trẻ nhiều lợi ích. Ngoài mục đích đọc sách, thư viện còn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho trẻ phát triển tài năng một cách toàn diện. Nhận thức rõ tầm quan trọng của sách, huyện Ngọc Hiển đã đầu tư 100% trường học đều có thư viện theo hướng đạt chuẩn.
Trên địa bàn huyện Ngọc Hiển hiện có 30 cơ sở giáo dục, trong đó có 7 cơ sở giáo dục mầm non, 23 cơ sở trung học và tiểu học. Hiện 23 cơ sở giáo dục từ bậc tiểu học đến THCS đều có thư viện trường học, cơ bản đáp ứng nhu cầu đọc của khoảng 10.500 học sinh.
Nhiều trường học trên địa bàn huyện Ngọc Hiển duy trì tốt việc đọc sách hằng tuần cho học sinh vào các giờ giải lao. Ảnh: CHÍ HIỂU |
Hằng năm, Phòng GD&ÐT huyện Ngọc Hiển đều đầu tư cho các trường nhiều đầu sách, chủ yếu là sách phục vụ học tập, giảng dạy, sách hướng dẫn giáo viên, sách hướng dẫn bài soạn giáo khoa theo từng khối lớp, sách truyện thiếu niên, nhi đồng. Ðể giúp học sinh có thói quen đọc sách, Trường Tiểu học 1 Tam Giang Tây xây dựng thư viện thân thiện gắn với không gian thư viện xanh. Do diện tích phòng còn hạn chế, số lượng bàn ghế chỉ có thể chứa khoảng 20 học sinh trong khi số lượng học sinh trường là 532 em của 17 lớp. Vì thế, trường đã cho xây dựng thư viện xanh để các em có khoảng không gian rộng lớn để đọc sách. Ở đây các em có thể đọc những cuốn sách hay với không khí tự nhiên và thoáng mát. Chính hình thức thư viện này đã gắn kết các em học sinh tìm đến với sách nhiều hơn.
Với việc tận dụng các ống tre, ống nhựa cho sách, truyện tranh vào ống rồi bịt kín 2 đầu. Mỗi khi vào giờ giải lao, học sinh ra chơi ngồi dưới gốc cây vừa đọc được sách, vừa vui chơi. "Khi đọc sách xong, các em bỏ sách lại ống. Việc làm này phát huy được tinh thần tự giác đọc sách trong học sinh, qua đó còn tăng khả năng tư duy cho các em", thầy Nguyễn Văn Hoàng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học 1 Tam Giang Tây, cho biết.
Trường Tiểu học 1 Tam Giang Tây được tách ra từ năm 2003, điều kiện trường còn nhiều thiếu thốn, thư viện và phòng làm việc chung một phòng. Cơ sở vật chất không đáp ứng đủ nhu cầu, số lượng đầu sách còn hạn chế. Nhờ nỗ lực, phấn đấu của thầy cô, học sinh, của nhiều nguồn hỗ trợ, năm 2011, Trường Tiểu học 1 Tam Giang Tây đạt chuẩn quốc gia.
Hiện nay, thư viện của trường được tách ra riêng biệt, cơ sở vật chất cơ bản đảm bảo, bàn ghế, tủ kệ đựng sách được trang bị.
Cô Huỳnh Trúc Giang, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học 1, xã Tân Ân Tây, chia sẻ: "Trường hiện được đầu tư xây dựng 1 phòng thư viện, trang bị các đầu sách cho học sinh để các em được tiếp cận đọc sách báo, phát huy văn hoá đọc. Tuy nhiên, do kinh phí và đầu tư còn hạn hẹp nên thư viện chưa đáp ứng đủ chỗ cho học sinh ngồi đọc, trường phải bố trí cho từng lớp thay phiên nhau đọc mỗi ngày, nhưng do học sinh quá đông nên mỗi lớp chỉ được đọc mỗi tháng 2 lần". |
Cô Hà Thị Yến, giáo viên Thư viện Trường Tiểu học 1 Tam Giang Tây, cho biết: “Hiện nay thư viện có hơn 2.000 đầu sách, bao gồm các đầu sách về sách giáo khoa, sách nghiệp vụ, sách tham khảo, sách thiếu nhi, truyện tranh, sách truyền thống, lịch sử... Trong đó, sách thiếu nhi chiếm phần nhiều đầu sách nơi đây. Ðây là điều kiện giúp các em rèn luyện kỹ năng đọc và áp dụng kiến thức trên sách, báo vào học tập".
Thầy Nguyễn Văn Hoàng cho biết: “Thông qua việc đọc sách giúp các em nắm được những kiến thức về lịch sử địa phương. Và thông qua các hội thi như hội thi kể chuyện theo sách, giúp các em tìm hiểu về Bác, về truyền thống quê hương, về các vị lãnh đạo để các em học tốt môn Lịch sử, Ðịa lý”.
Ông Bùi Thanh Minh, Phó trưởng Phòng GD&ÐT huyện Ngọc Hiển, cho biết: “Học sinh ngoài lĩnh hội kiến thức do thầy cô cung cấp, các em thường xuyên đến thư viện tìm hiểu, đọc thêm các tài liệu tham khảo để phục vụ cho vấn đề học tập của các em. Qua việc tìm hiểu đọc sách trong thư viện giúp các em hình thành nhân cách, phẩm chất đạo đức, rèn luyện kỹ năng trong học tập”.
Toàn huyện Ngọc Hiển hiện có 23 trường được đầu tư xây dựng thư viện, mỗi trường có từ 1.500-2.000 đầu sách các loại, phục vụ tốt nhu cầu đọc, tham khảo cho học sinh. Dù vậy, hiện nay khó khăn mà huyện Ngọc Hiển gặp phải trong việc xây dựng thư viện trường học là đội ngũ làm công tác thư viện còn hạn chế, số lượng được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ chưa cao. Trong tổng số 23 giáo viên thư viện trường học chỉ có 1 giáo viên làm công tác thư viện được đào tạo bài bản, còn hầu hết giáo viên đều trong quá trình sắp xếp dôi dư theo đề án bố trí bục giảng, được các trường chủ động sắp xếp theo hướng chọn giáo viên có năng khiếu thẩm mỹ về trưng bày sách./.
Minh Văn - Thanh Ngân