(CMO) Năm 2022, trên cơ sở dự báo tình hình, Huyện uỷ Thới Bình xác định 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tập trung thực hiện linh hoạt, hài hoà mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa phục hồi, phát triển kinh tế bền vững.
Ông Trần Văn Dũng, Phó bí thư Thường trực Huyện uỷ Thới Bình, cho biết, mục tiêu quan trọng trong năm 2022 được Ban Chấp hành Ðảng bộ huyện đặt ra là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và chăm sóc, bảo vệ tốt sức khoẻ, tính mạng của Nhân dân. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh (SXKD), hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển. Quan tâm phát triển văn hoá, giáo dục và đào tạo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và nâng cao đời sống Nhân dân về mọi mặt. Chú trọng bảo vệ tài nguyên, môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội. Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; phát huy dân chủ, đoàn kết và đồng thuận xã hội.
Trong 7 nhóm nhiệm vụ được đặt ra, tập trung thực hiện linh hoạt, hài hoà mục tiêu vừa phòng, chống dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế bền vững là nhóm nhiệm vụ quan trọng. Ông Trần Văn Dũng chia sẻ, đối với nhóm nhiệm vụ này, địa phương xác định các cấp, các ngành cần phải vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của ngành, cơ quan, đơn vị. Tranh thủ tối đa sự chỉ đạo của tỉnh, đồng thời tăng cường phát huy nội lực để tập trung nguồn lực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho SXKD và đời sống Nhân dân, thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế bền vững.
Phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ là hướng đi bền vững mà Thới Bình quyết tâm thực hiện. Ảnh: LIÊU HỎN |
Cùng với đó là chỉ đạo triển khai thực hiện tốt công tác quy hoạch tổng thể, quy hoạch vùng, quy hoạch lĩnh vực; thường xuyên rà soát, bổ sung, điều chỉnh để phù hợp với tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Từng bước điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch phát triển SXKD nhằm đảm bảo thích ứng khi dự án thuỷ lợi cống Cái Lớn, Cái Bé đi vào hoạt động.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Bố trí cơ cấu mùa vụ, giống cây trồng, vật nuôi, tổ chức sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế của từng xã, thị trấn, gắn với nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Năm 2022, huyện sẽ tiếp tục chú trọng phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ và phát triển các vùng sản xuất chuyên canh theo chuỗi giá trị gắn với phát triển du lịch cộng đồng, các làng nghề. Ðẩy mạnh phát triển ngành hàng tôm, lúa... gắn với thị trường tiêu thụ. Thực hiện tốt công tác khuyến ngư, khuyến nông, thú y, bảo vệ thực vật và phòng, chống thiên tai. Khai thác hiệu quả diện tích đất, mặt nước trong nuôi thuỷ sản; ổn định diện tích nuôi thuỷ sản 50.700 ha (trong đó nuôi tôm 50.370 ha), diện tích gieo trồng lúa 19.552 ha (lúa - tôm 18.552 ha, lúa hè thu 500 ha, lúa đông xuân 500 ha). Tận dụng triệt để diện tích đất vườn tạp, đất còn để trống, bờ vuông, bờ liếp… để trồng rau màu, cây ăn trái và chăn nuôi.
Bên cạnh đó, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động SXKD của các hợp tác xã, tổ hợp tác; quan tâm phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế hộ gia đình và các loại hình doanh nghiệp. Ðẩy mạnh liên kết, hợp tác với các cơ sở nghiên cứu khoa học, các địa phương, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, đồng thời tăng cường các hoạt động giao lưu, quảng bá để khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của huyện.
"Vận dụng linh hoạt, sáng tạo, đúng quy định các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước gắn với khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế và các nguồn nội lực khác để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và phục hồi, phát triển đồng bộ lĩnh vực thương mại, dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Qua đây, đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ sản xuất, đời sống và góp phần tăng trưởng kinh tế ổn định”, ông Dũng cho biết thêm.
Huyện Thới Bình đề ra một số chỉ tiêu quan trọng cho năm 2022: tổng giá trị sản xuất trong huyện (giá hiện hành) tăng 10%; thu nhập bình quân đầu người đạt 57 triệu đồng; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 61 tỷ đồng; chi ngân sách 501,981 tỷ đồng; sản lượng thuỷ sản 42.600 tấn (trong đó, tôm 17.450 tấn); tỷ lệ lao động xã hội qua đào tạo (không kể truyền nghề) đạt 30,6%; giải quyết việc làm 4.000 lao động; tỷ lệ hộ nghèo (không bao gồm hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội) giảm tối thiểu 0,8%; tỷ hộ cận nghèo giảm tối thiểu 0,8%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 93% dân số; xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới và 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao...
Văn Ðum