“Về liền đi, tía mầy nhập viện vì trượt chân té từ giàn giáo xuống kìa!”. Cô Út hét vào điện thoại trong hơi thở gấp gáp. Tôi nghe đau, đau gấp ngàn lần so với lúc bị cây roi bình bát của tía quất vào mông trong những lần phạm lỗi...
“Về liền đi, tía mầy nhập viện vì trượt chân té từ giàn giáo xuống kìa!”. Cô Út hét vào điện thoại trong hơi thở gấp gáp. Tôi nghe đau, đau gấp ngàn lần so với lúc bị cây roi bình bát của tía quất vào mông trong những lần phạm lỗi...
Lớp 12, thứ roi ấy vẫn đi theo tôi trong nỗi nhục của một đứa con gái khi phải cúi dài trên giường, đưa mông lên cho tía răn đe trước bao con mắt thương xót của đám thợ hồ trai tráng. Cứng đầu, lì đòn, tôi cắn răng để tiếng khóc không bật ra; nước mắt, nước mũi dính kèm nhèm ướt cả chiếu. Tôi không bao giờ xin lỗi hay tỏ ra hối lỗi dù bản thân biết rõ mình đã làm sai. Mấy chục năm đi qua, mái đầu đã bạc nhưng người đàn ông ấy chưa một lần nghe đứa con gái tên Hiếu là tôi nói tiếng “Tía ơi… con xin lỗi!”. Tôi cũng chẳng bao giờ chịu thua tía dù chỉ một câu; hay lý sự, trả treo, cho nên cơn giận của ông cứ sôi ùng ục.
Minh hoạ: HOÀNG VŨ |
Và rồi, tôi cũng vào đại học… Lạ thay, xa tía tôi mới bắt đầu biết nhẫn nhịn. Nội trú trong ký túc xá của trường, chung đụng với 7 bạn nữ nên thường xuyên xảy ra cãi cọ, mất đồ đạc nhưng tôi cũng phải im lặng vì không còn sự lựa chọn nào khác cho nơi ăn chốn ở. Vì nghe đâu chân tía ngày càng yếu, mắt cũng mờ dần, đôi tay khéo léo của người thợ hồ ngày nào giờ phản chủ. Không đủ tiền trang trải, tôi lén tía đi làm thêm.
Công việc phục vụ quán cà phê buộc tôi phải thường xuyên nghe những lời gạ ghẹo khiếm nhã của khách, cái nhìn chòng chọc, xúc phạm của chủ mà tôi cũng chỉ biết im miệng, vào toilet khóc ấm ức vì lúc đó nhận ra tại sao mình lại yếu hèn trước người ngoài nhưng lại rất bản lĩnh, cao ngạo với người thân. Tôi rất muốn gọi điện về nhà để được nghe giọng nói khàn đặc của tía, nghe những lời quan tâm được tía diễn đạt khô khan, cộc lốc, rất muốn nói câu mà bao năm qua ông mong mỏi được nghe nhưng cái ngang bướng cố hữu không để tôi làm như thế.
Tía vẫn tỉ mẫn ngày này qua tháng nọ, như một người nghệ sĩ có cái tâm, ông dẹp đi nỗi sợ rủi ro trong nghề nghiệp để xây cất những căn nhà khang trang, hiện đại cho người để mong đủ tiền trang trải chuyện học hành cho tôi hằng tháng.
Thoắt cái 4 năm, tôi ra trường, đi làm, ăn diện bóng mướt, thường xuyên được phân công đi đây đi đó. Ở quê, tía vẫn duy trì việc làm thợ xây để trả lần hồi số tiền đã mượn gởi cho tôi những khi thiếu hụt. Những lần đi công tác, tôi gọi điện về hỏi thăm những người mình có ân có nghĩa mà ít gọi về cho tía. Sau mỗi chuyến đi, tôi thường lủ khủ với bao thứ quà cho đồng nghiệp, bạn bè, nhưng hình như ít có phần quà nào cho tía.
Giờ đây, trước mắt tôi là một thân thể hom hem đang nằm bất động với những nhịp thở khó nhọc dưới lớp da cháy nắng dính vào người. Bác sĩ nói, tía bị ung thư xương cẳng chân cần phải cưa đi… Câu nói nghe rất nhẹ nhưng tôi có cảm giác hàng tấn đá đang đè nặng lên người, nghẹt thở. Tôi hốt hoảng, mấy chục năm làm thợ hồ, xây biết bao căn nhà cho người khác nhưng tía tôi chẳng xây được cái nào cho riêng mình. Bởi có bao nhiêu vốn liếng, tía đã đầu tư vào việc xây cho tôi nên vóc nên hình, nên công danh, sự nghiệp.
Như bao lần bị cây roi bình bát quất vào mông, nước mắt nước mũi tôi lại giàn giụa. Tôi bập bẹ những lời xin lỗi muộn màng…
Trần Như Ý