Nhằm góp phần xoa dịu nỗi đau cho các nạn nhân, thời gian qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP Cà Mau tham mưu với cấp uỷ, chính quyền địa phương và tích cực phối hợp với các tổ chức xã hội vận động, hỗ trợ, giúp đỡ trên nhiều phương diện cho các nạn nhân trên địa bàn TP Cà Mau.
- Hơn 20 tỷ đồng chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân da cam
- Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam năm 2024
- Vận động, trao tặng 125 phần quà cho nạn nhân da cam trong tỉnh
- Trao 11 Kỷ niệm chương "Vì nạn nhân chất độc da cam"
Đến thăm gia đình anh Nguyễn Ngọc Hiền, 41 tuổi, Khóm 7, Phường 5, là con ông Nguyễn Văn Em và bà Trần Thị Na Rền (cả ông bà đều là thương binh, đã từ trần).
Tiếp chúng tôi khi vừa chăm sóc cho anh trai xong, chị Nguyễn Trúc Linh, em gái anh Hiền, buồn rười rượi: "Anh Hiền bị nhiễm chất độc da cam/dioxin từ lúc mới lọt lòng nên thường xuyên đau ốm, không kiểm soát được hành vi. Lúc cha mẹ còn sống thì chăm sóc anh Hiền, nay cha mẹ qua đời, phận làm em gái, tôi phải săn sóc, thuốc men cho anh. Nhiều năm nay, mỗi khi bệnh tình tái phát là anh Hiền la hét, chửi bới, quát nạt... mọi lúc, mọi nơi".
"Vào các dịp lễ, Tết, anh Hiền cũng như 154 nạn nhân da cam trên địa bàn Phường 5 thường xuyên được cấp uỷ, chính quyền, hội nạn nhân da cam các cấp đến thăm và tặng quà. Mới đây, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, thành phố và Phường 5 đến thăm, trao tặng suất quà là tiền mặt cho anh Hiền, với mong muốn cùng gia đình chăm lo cuộc sống cho anh, phần nào san sẻ gánh nặng với người thân trực tiếp chăm sóc anh", bà Nguyễn Thị Kim Loan, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Phường 5, cho biết.
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, TP Cà Mau, Phường 5 đến thăm, tặng quà nạn nhân Nguyễn Ngọc Hiền.
Mỗi nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn TP Cà Mau hoàn cảnh khác nhau nhưng có điểm chung là bệnh tật, sức khoẻ suy yếu, kinh tế khó khăn, có người còn ý thức nhưng không thể lao động, có người chỉ biết cười ngô nghê một cách vô thức.
Ông Châu Thanh Hùng, cha anh Châu Hà Thủ, Khóm 6, Phường 1, buồn bã cho biết: "Con trai tôi năm nay 40 tuổi mà cứ như đứa trẻ. Mọi sinh hoạt cá nhân đều phải do người thân hỗ trợ. Sau này vợ chồng tôi trăm tuổi già thì lấy ai chăm sóc".
Với ông Hùng, chứng kiến biểu hiện và nỗi đau mà con phải chịu đựng suốt mấy mươi năm, lòng ông đau đớn vô cùng, nhưng giữ con ở lại thế giới này được ngày nào là hạnh phúc ngày ấy.
May mắn hơn nhiều nạn nhân khác, chị Bùi Ngọc Phương, 37 tuổi, Khóm 5, Phường 9, di chứng chất độc da cam ảnh hưởng 2 chân nên chị Phương không thể đi lại như bao người khác. Bù lại, chị có diện mạo khá xinh, hiền hậu, giọng nói ấm áp. Hiện chị sống cùng 2 con và người chồng hết mực yêu thương.
Chị Phương chia sẻ: "Do không thể đi lại nên tôi chỉ làm được những việc lặt vặt, lau dọn trong nhà, còn việc kiếm tiền, giặt giũ, nuôi dạy, đưa rước con đi học mấy năm nay là một tay chồng (anh Ông Văn Tạo) đảm trách".
Hiện chồng chị Phương chạy grab, đưa rước và giao hàng cho khách, mỗi ngày thu nhập khoảng 200 ngàn đồng. Bản thân chị Phương cũng được nhận các khoản hỗ trợ dành cho nạn nhân da cam/dioxin đầy đủ theo quy định. Ðặc biệt, vào dịp lễ, Tết, chị Phương còn nhận được các suất quà do địa phương, hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp trao tặng.
Ông Nguyễn Minh Luân, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP Cà Mau, cho biết: "Trên địa bàn TP Cà Mau hiện có 896 nạn nhân da cam/dioxin, nhiều nhất là ở Phường 5. Có 637 hộ có 1 nạn nhân, 131 hộ có 2 nạn nhân, 30 hộ có 3 nạn nhân, 3 hộ có đến 4 nạn nhân, đặc biệt 1 hộ có đến 5 nạn nhân trong một gia đình".
Nỗi đau da cam là nỗi đau tột cùng của nhân loại. Di chứng của căn bệnh đã truyền sang thế hệ thứ 5. Ðể phần nào san sẻ gánh nặng nỗi đau da cam với nạn nhân và thân nhân, những năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp thành phố đã có nhiều hoạt động thiết thực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần.
Theo đó, các cấp hội đã chủ động tham mưu với cấp uỷ, chính quyền địa phương tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để giúp đỡ các nạn nhân hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh; quan tâm thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho hội viên. Cùng với đó, hội còn thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các nguồn lực để thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa giúp đỡ hội viên. Ðặc biệt, công tác chăm sóc sức khoẻ nạn nhân được các cấp hội xác định là nhiệm vụ trọng tâm.
6 tháng đầu năm 2024, Hội đã vận động quà và tiền mặt, vật chất khác quy thành tiền hơn 1,3 tỷ đồng, tặng quà, gạo, xe lăn, xe lắc, xây dựng nhà, hỗ trợ sửa chữa nhà ở; xây dựng giường ngủ, hệ thống thoát nước cho nạn nhân Phạm Kim Ngọc (Phường 8), xây dựng nhà bếp, nhà vệ sinh, nâng nền nhà, giường ngủ cho nạn nhân Lê Hữu Tuấn (xã Lý Văn Lâm), hỗ trợ vốn cho 6 nạn nhân mượn sản xuất chăn nuôi, mua bán nhỏ...
"Thời gian tới, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp TP Cà Mau sẽ tiếp tục làm tốt hơn công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân. Phối hợp cơ quan thẩm quyền, liên hiệp các tổ chức hữu nghị xây dựng dự án kêu gọi các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ nạn nhân, đề xuất chính quyền địa phương để nạn nhân được ưu tiên hưởng thụ các chương trình quốc gia, dự án triển khai trên địa bàn", ông Nguyễn Minh Luân cho biết thêm./.
Mỹ Lệ