(CMO) Nhằm tạo điều kiện cho lực lượng lao động tự do hiểu quyền lợi và tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, đã qua BHXH huyện Thới Bình phối hợp với UBND các xã, thị trấn tích cực tuyên truyền chính sách an sinh này.
Các tiểu thương thường không có đất sản xuất, thu nhập chính từ buôn bán kinh doanh. Nhằm giúp đối tượng này được thụ hưởng các chính sách khi về già không còn khả năng lao động, BHXH huyện phối hợp với ban quản lý các chợ tuyên truyền cho các tiểu thương về quyền lợi được hưởng từ chính sách BHXH tự nguyện, từ đó họ hiểu về chính sách và tích cực tham gia.
Hơn 20 năm bán thức ăn trong chợ thị trấn Thới Bình, mỗi ngày kiếm được gần 200 ngàn đồng, hai chị em bà Phan Thị Giang, Khóm 1, thị trấn Thới Bình, không có gia đình riêng nên thu nhập chỉ đủ trang trải cuộc sống hàng ngày. Ðể an tâm khi về già nên bà Giang đã tiết kiệm để mua BHXH tự nguyện cho hai chị em.
Bà Phan Thị Giang, bộc bạch: "Thu nhập chỉ trông vào việc bán hàng ở chợ, khi được tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện, tôi thấy có nhiều quyền lợi được hưởng. Mức đóng cũng nằm trong khả năng, chỉ gần 300 ngàn đồng mỗi người/tháng, tôi thấy số tiền này tiêu xài rồi cũng hết nên tôi quyết định tham gia để sau này đỡ gánh nặng cho con tôi".
Với mong muốn về già đỡ gánh nặng cho con cháu mà gần năm nay, mỗi ngày bà Huỳnh Thị Chiêm, Khóm 3, thị trấn Thới Bình, đều bỏ vô heo tiết kiệm 20 ngàn đồng để mỗi tháng đóng BHXH tự nguyện cho hai vợ chồng. Bà chia sẻ: "Trước đây tôi làm việc trong một cơ quan Nhà nước nhưng sau đó nghỉ việc đã nhận BHXH một lần, giờ ra chợ bán rau, mắm đủ sống qua ngày, các con đều đi lao động ngoài tỉnh nên ở nhà chỉ còn hai vợ chồng. Ðể không là gánh nặng cho con cháu khi trăm tuổi già, nên tôi tích góp mua BHXH tự nguyện cho hai vợ chồng".
Ðã từng làm việc tại cơ quan Nhà nước nên sau khi được tuyên truyền, bà Chiêm quyết định tham gia BHXH tự nguyện cho hai vợ chồng. |
Ông Trương Minh Vũ, Phó giám đốc BHXH huyện Thới Bình, cho biết: "Thời gian tới, BHXH huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động; phối hợp với UBND các xã, thị trấn để làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện cho bà con, đặc biệt là tiểu thương ở các cụm chợ trên địa bàn toàn huyện để họ hiểu được đây là quyền lợi khi về già, khi không có công cụ sản xuất, về già họ nhận được đồng lương hưu từ chính sách BHXH tự nguyện; từ đó các tiểu thương sẽ tham gia ngày càng nhiều".
Với mức tham gia chỉ vài trăm ngàn đồng mỗi tháng, khi đến tuổi nghỉ hưu, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được nhận lương hưu hàng tháng gấp nhiều lần so với mức đóng, góp phần ổn định cuộc sống khi về già.
Công dân Việt Nam đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc nhóm người tham gia BHXH bắt buộc thì có thể tham gia BHXH tự nguyện với mức đóng hàng tháng bằng 22% thu nhập hàng tháng. Theo đó, để đảm bảo mọi người dân đều có thể tham gia BHXH tự nguyện, Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm trên mức đóng BHXH hàng tháng bằng mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn. Ðối với người tham gia BHXH thuộc hộ nghèo, hỗ trợ 30%, 25% đối với người tham gia thuộc hộ cận nghèo. Ðối với người tham gia khác hỗ trợ 10%. Thời gian hỗ trợ tuỳ thuộc vào thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế của mỗi người nhưng không quá 10 năm.
Người dân tham gia BHXH tự nguyện có thể lựa chọn nhiều phương thức đóng khác nhau, như đóng hàng tháng, đóng 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng/lần hoặc đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm/lần; đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu. Người hưởng lương hưu khi tham gia BHXH bắt buộc và tham gia BHXH tự nguyện đều được điều chỉnh định kỳ theo chỉ số giá tiêu dùng. Vì vậy, lương hưu luôn được bảo toàn giá trị, không bị rủi ro khi đồng tiền mất giá./.
Phúc Duy