Việc sử dụng căn cước công dân (CCCD) gắn chíp để khám chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) cho người dân đem đến nhiều lợi ích đối với cả cơ quan quản lý, các cơ sở y tế và người dân. Cơ sở y tế cũng như người bệnh giảm thời gian làm thủ tục đăng ký KCB, bên cạnh đó tránh tình trạng sử dụng thẻ BHYT của người khác, thất thoát thẻ BHYT của người bệnh.
Để triển khai thực hiện KCB BHYT bằng CCCD gắn chip đạt hiệu quả cao, Sở Y tế vừa có công văn đề nghị các cơ sở KCB BHYT trên địa bàn tỉnh thông báo công khai cho người dân biết và triển khai tiếp đón người bệnh đi KCB BHYT theo hình thức này.
Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh, đến nay tỉnh đã hoàn thiện dữ liệu, số hoá để quản lý quá trình tham gia, hưởng các chế độ BHXH, BHYT của 991.115 người đang tham gia BHYT, 85.985 người đang tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, đạt 100%. Số người tham gia bảo hiểm đã được xác thực định danh cá nhân đồng bộ với dữ liệu dân cư là 831.268 người (84,9%), Cà Mau xếp hạng thứ 15/63 tỉnh, thành và cao nhất khu vực phía Nam.
Người dân đăng ký KCB bằng CCCD tại Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau. |
Ông Dương Minh Tùng, Phó giám đốc BHXH tỉnh, cho biết: "Việc đồng bộ thông tin với cơ sở dữ liệu CCCD tạo thuận lợi cho người dân thực hiện KCB BHYT bằng CCCD. Ðây là chủ trương nhất quán của Chính phủ tại Ðề án 06, cũng là chủ trương của Ðảng và Nhà nước về cải cách hành chính, rất phù hợp với người dân, làm cho việc đi KCB nhanh hơn, giảm những vấn đề trục lợi BHYT, mượn thẻ BHYT đi KCB".
Viêc triển khai KCB bằng CCCD có gắn chip tạo điều kiện thuận lợi cho người dân cũng như cơ sở KCB. Tại Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau, việc đăng ký KCB bằng CCCD có gắn chip được bệnh viện triển khai từ khi Sở Y tế chỉ đạo, tuy nhiên cũng có một số khó khăn như khi quét thẻ CCCD gắn chip thì có một số thẻ chưa tích hợp thông tin BHYT vô thẻ, hoặc khi quét bị lỗi phông chữ không đọc được.
Bác sĩ CKII Nguyễn Việt Trí, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau, chia sẻ: “Khi triển khai phần mềm VssID cũng như CCCD có gắn chip, bệnh viện nhận thấy có cải thiện được thời gian nhận bệnh, đỡ mất thời gian cho người dân. Tuy nhiên, do một số lỗi chưa có thông tin, lỗi phông chữ nên gây chậm, nhiều khi người dân nghĩ xài phần mềm được hay CCCD nên không mang theo thẻ. Khi đó phát sinh, người dân phải lấy thẻ mới chấp nhận khám được”.
Hiện nay, phần lớn các trạm y tế trong tỉnh chưa được đầu tư máy quét thẻ QR, nhân viên y tế phải nhập bằng tay, cũng gây mất nhiều thời gian. Bác sĩ CKI Lâm Văn Phú, Trưởng trạm Y tế xã Tân Hưng, huyện Cái Nước, cho biết: "Trạm đã triển khai cho cán bộ khám bệnh về khám BHYT bằng CCCD. Thời gian qua, trạm triển khai tốt, anh em được tập huấn nhập CCCD như thẻ BHYT. Tuy nhiên, qua thời gian thực hiện cũng có một số vướng mắc, thẻ BHYT và CCCD chưa được đồng bộ, khi tra cứu chưa có thông tin. Thời gian tới, kiến nghị BHXH, công an phối hợp đồng bộ sớm thẻ BHYT với CCCD để người dân thuận tiện trong công tác KCB BHYT. Trạm y tế hiện chưa có máy quét mã vạch nên kiến nghị xin thêm máy quét mã vạch để quét nhanh hơn, thuận tiện trong công tác KCB cho người dân”.
Ðược triển khai từ tháng 9/2022, nhưng đến nay vẫn còn nhiều người dân chưa biết về việc sử dụng CCCD có gắn chip đi KCB BHYT mà vẫn dùng thẻ BHYT giấy. Bên cạnh đó, còn nhiều trường hợp chưa được đồng bộ CCCD gắn chip với thông tin thẻ BHYT. Hay nhiều CCCD không khớp với thông tin dữ liệu BHYT như sai về giới tính, ngày tháng năm sinh…
Do vậy, thời gian tới cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hiểu được lợi ích khi đi KCB bằng CCCD, đồng thời tuyên truyền cho người dân là sau khi nhận CCCD phải kiểm tra, rà soát thông tin có đúng hay chưa để khi KCB không gặp khó. Các cơ sở KCB cần trang bị đồ đọc đa năng để đọc được CCCD gắn chip. Ngành BHXH tỉnh tăng cường phối hợp với Công an tỉnh để hoàn thiện đồng bộ dữ liệu BHYT vào CCCD gắn chip để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người khi đi KCB./.
Phúc Duy