(CMO) Trong khi nhiều tỉnh, thành khác dồn lực để phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19, thì Cà Mau lại tập trung nguồn lực này cho công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai. Tỉnh cần có cơ chế chính sách đặc thù để có điều kiện, cơ hội phát triển kinh tế.
Không chỉ dừng lại ở vài chục, vài trăm hay thậm chí là hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm, thiệt hại do thiên tai gây ra trên thực tế còn lớn hơn con số này rất nhiều. Có những thiệt hại không nằm trong chương trình khắc phục hậu quả của thiên tai, lại nằm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Một ví dụ dễ thấy nhất và rõ ràng nhất là triều cường và hạn hán. Những đợt triều cường đã qua hầu như các tuyến lộ trên địa bàn tỉnh đều bị ngập và hệ luỵ của thực trạng này là lộ sẽ bị hư hỏng. Tuy nhiên, tình trạng lộ hư hỏng, xuống cấp do triều cường, hạn hán diễn ra dần dần nên tỉnh phải tiêu tốn một nguồn ngân sách lớn cho việc duy tu, sửa chữa.
Bằng nguồn ngân sách Trung ương và tỉnh, thời gian qua đã có nhiều công trình hộ đê khẩn cấp nhằm giữ từng mét đất ven biển. (Trong ảnh: Hộ đê biển Tây khẩn cấp khu vực xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời). |
Theo thống kê riêng trên địa bàn huyện Trần Văn Thời, sau những đợt hạn hán, nguồn ngân sách phải chi để sửa chữa lộ nông thôn cho những tuyến, đoạn hư hỏng nặng (không sửa là không thể đi được) đã mất vài chục tỷ đồng, chưa tính đến tình trạng rạn nứt hay xuống cấp khác.
Trong khi ở nhiều tỉnh, thành khác, địa phương sẵn sàng bỏ hàng trăm tỷ đồng để đổi lấy vài trăm héc-ta đất từ việc lấn biển phục vụ phát triển kinh tế, còn riêng Cà Mau mỗi năm cứ mất đi vài trăm héc-ta và mất liên tục. Có thể khác nhau về loại đất, nhưng rõ ràng nếu so về diện tích thì ngày một mất đi. Ðặc biệt, nguồn đầu tư của Chính phủ trong chương trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, nhiều tỉnh, thành khác triển khai các dự án để phục hồi phát triển kinh tế, còn riêng Cà Mau lại đầu tư xây dựng kè biển. Bởi nếu không kè thì lại bị sạt lở mất đất, mất rừng, từ đó cơ hội phát triển kinh tế không đầy đủ, không được như nhiều địa phương khác, đây là một thiệt thòi lớn của tỉnh.
Trong chuyến kiểm tra khảo sát công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Cà Mau mới đây, ông Trần Quang Hoài, Phó ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, cũng đã nhận định: “Lâu nay Cà Mau đã chịu nhiều thiệt thòi”.
Ðể khắc phục thiệt hại thiên tai, nhất là đối với tình trạng sạt lở ven biển, tỉnh đã có Tờ trình số 114/TTr-UBND về việc hỗ trợ cho tỉnh kinh phí 413 tỷ đồng đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ an toàn tuyến đê biển Tây. Trong đó, có khoảng 37 tỷ đồng để khắc phục khẩn cấp 2,7 km kè khu vực Ðá Bạc, nơi đã được Chủ tịch UBND tỉnh ban bố tình huống khẩn cấp.
Ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh, trần tình: "Chủ tịch UBND tỉnh đã ban bố tình huống khẩn cấp và cũng đã huy động nhà thầu làm, nhưng giờ chưa biết tiền ở đâu, nguồn ngân sách dự phòng của tỉnh đã phục vụ hết cho công tác phòng, chống dịch bệnh".
Nếu tính về nguồn lực đầu tư các công trình kè chống sạt lở bờ biển, đối với khu vực biển Tây, theo tính toán cần khoảng 1,5 triệu USD cho 1 km và đối với bờ biển Ðông khoảng 2 triệu USD. Như vậy, nếu tiến hành kè hết 254 km bờ biển của tỉnh thì cần hơn 400 triệu USD. Ðây là khoản kinh phí không nhỏ. Tuy nhiên, nếu bỏ ra khoản kinh phí này để đổi lại không phải mất mỗi năm từ 300-400 ha đất và rừng phòng hộ thì hoàn toàn xứng đáng. Bởi, nếu để tình trạng sạt lở như hiện nay kéo dài sau vài năm nữa, có bỏ ra 400 triệu USD, thậm chí nhiều hơn để lấy lại diện tích đã mất cũng không được.
Ðể đầu tư hoàn thành tuyến đê và kè chống sạt lở dọc theo bờ biển trên địa bàn, Cà Mau cần nguồn vốn trên 400 triệu USD, vượt khả năng ngân sách của tỉnh. |
Nhiều năm qua tỉnh Cà Mau đã liên tục kiến nghị Trung ương cho tỉnh xin cơ chế xã hội hoá trong xây dựng kè biển. Ông Lê Văn Sử cho biết, tỉnh đã đề xuất xin cơ chế này từ năm 2016 đến nay và hầu như đều được các bộ, ngành Trung ương ủng hộ. Tuy nhiên, nhiều quy định hiện hành không cho phép, Luật Ðất đai cũng vướng, Luật Lâm nghiệp cũng không cho phép.
Thực tiễn thời gian qua cho thấy, khi doanh nghiệp tham gia vào công cuộc chống sạt lở sẽ mang lại hiệu quả cao. Cụ thể vào năm 2005, tỉnh giao cho Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý khu vực du lịch Khai Long và công ty đã tiến hành kè. Từ đó đến nay phần diện tích này ổn định, trong khi hầu hết các khu vực khác đều bị sạt lở. Thực tế này khơi dậy một ao ước, nếu như toàn bộ bờ biển của tỉnh được giao như vậy thì đã không sạt lở sâu vào đất liền như hiện nay.
Hiện nay, Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị giao cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nghiên cứu cơ chế đặc thù để phát triển kinh tế vùng. Tuy nhiên, từ việc nghiên cứu, xây dựng… cho đến trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để cho ra cơ chế đặc thù cần rất nhiều thời gian. Trong khi tình trạng sạt lở bờ biển của tỉnh đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Do đó, ông Lê Văn Sử thiết tha Trung ương cho phép địa phương thực hiện một số dự án có thí điểm lồng ghép các cơ chế chính sách.
"Những năm qua, tỉnh đã mời gọi rất nhiều doanh nghiệp tham gia khắc phục sạt lở bờ biển. Tiêu biểu hiện nay, tại khu vực Ðá Bạc có mô hình thí điểm năng lượng mặt trời từ công nghệ của Nhật Bản sau kè biển. Sau hơn 1 năm triển khai, chủ đầu tư khẳng định mô hình này đang mang lại hiệu quả. Theo đó, họ sẵn sàng đầu tư cho tỉnh tuyến kè biển cách bờ khoảng 150 m và xin được sử dụng một nửa diện tích bên ngoài để xây dựng năng lượng mặt trời, phần còn lại khôi phục rừng phòng hộ. Nếu tính ra, rõ ràng đề xuất này mang lại rất nhiều lợi ích, vừa không tốn ngân sách để xây dựng kè, vừa có được dự án điện năng lượng mặt trời và đặc biệt là khôi phục được rừng phòng hộ", Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử thiết tha mong được Trung ương cho tỉnh áp dụng cơ chế thí điểm./.
Nguyễn Phú