Cà Mau bắt đầu triển khai thực hiện mô hình Trường học mới Việt Nam (VNEN) ở cấp tiểu học từ năm học 2012-2013 và đối với lớp 6 từ năm học 2015-2016.
Cà Mau bắt đầu triển khai thực hiện mô hình Trường học mới Việt Nam (VNEN) ở cấp tiểu học từ năm học 2012-2013 và đối với lớp 6 từ năm học 2015-2016.
Đánh giá kết quả triển khai thực hiện tại địa phương trong thời gian qua, Giám đốc Sở GD&ÐT Cà Mau Nguyễn Minh Luân cho biết, mô hình VNEN đã tạo điều kiện, thúc đẩy việc đổi mới phương pháp dạy học chuyển cơ bản từ hoạt động dạy của giáo viên sang hoạt động của học sinh, giúp học sinh phát huy tính tự học, sáng tạo, tính tự giác, tự quản, sự tự tin và hứng thú trong học tập. Tuy nhiên, do nhận thức của một số cán bộ, giáo viên về mô hình chưa đầy đủ, chưa đúng nên còn e ngại và chưa phối hợp tốt trong việc giáo dục học sinh theo mô hình VNEN. Bên cạnh, một số phụ huynh ngại cho con đi học trên 6 buổi/tuần vì nhà xa trường, một số giáo viên chậm đổi mới phương pháp dạy học nên ngại việc giảng dạy theo mô hình trường học mới.
Tiết học sôi nổi theo mô hình Trường học mới của học sinh Trường THCS Phan Bội Châu, TP Cà Mau. |
Theo ông Nguyễn Minh Luân, trước những ý kiến trái chiều về việc áp dụng mô hình VNEN chưa phù hợp ở các bậc học, nhất là ở bậc THCS tại nhiều địa phương trong cả nước. Sở GD&ÐT tỉnh Cà Mau đã tổ chức hội nghị nắm bắt tình hình về việc thực hiện mô hình VNEN ở các trường; kết quả, đã nhận được sự đồng thuận cao, bởi đây là mô hình mang nhiều tính ưu việt. Ðối với các trường còn gặp khó khăn, đã gửi đề xuất, kiến nghị, Sở GD&ÐT cũng có ý kiến chỉ đạo khắc phục kịp thời. Theo đó, sở được UBND tỉnh thống nhất chủ trương tiếp tục triển khai mô hình VNEN từ năm học 2016-2017 trong tỉnh trên cơ sở tự nguyện, đảm bảo đạt hiệu quả thiết thực và duy trì trong suốt cấp học vì quyền lợi của học sinh.
“Ðối với việc Bộ GD&ÐT sửa đổi Thông tư 30, khắc phục những hạn chế, bất cập, sở đã và đang tiến hành lấy ý kiến góp ý từ phía giáo viên, phụ huynh, học sinh. Bên cạnh, nhằm tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29, rút kinh nghiệm quá trình triển khai thực hiện vừa qua, Sở GD&ÐT Cà Mau tiếp tục chủ động nghiên cứu, áp dụng các phương thức giáo dục tiên tiến phù hợp với điều kiện thực tiễn để đảm bảo thực hiện mục tiêu đổi mới giáo dục”, ông Nguyễn Minh Luân cho biết thêm.
Là 1 trong số 17 trường THCS đăng ký triển khai mô hình Trường học mới đối với lớp 6 từ năm học 2015-2016 và năm 2016-2017 này tiếp tục triển khai mô hình đối với lớp 7 cho 224 học sinh. Cô Tạ Thị Huế, Hiệu trưởng Trường THCS Phan Bội Châu, TP Cà Mau, cho rằng, sau 1 năm triển khai đồng bộ toàn khối 6, với tỷ lệ hoàn thành chương trình lớp 6 đạt 98,2% (222/226 học sinh), cho thấy mô hình Trường học mới phát huy hiệu quả tích cực, nâng cao kết quả học tập của học sinh, tạo sự tự tin trong giao tiếp. Ðặc biệt là thay đổi cách dạy, cách học truyền thống cho cả giáo viên và học sinh, phù hợp với xu thế phát triển của giáo dục hiện đại.
Cô Tạ Thị Huế cho hay, thực hiện theo mô hình mới còn giúp hạn chế được tình trạng học thêm, dạy thêm tràn lan. Bởi việc đánh giá học sinh phải hướng tới phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, coi trọng đánh giá sự tiến bộ của mỗi học sinh chứ không phải qua điểm số như cách dạy truyền thống.
“Qua các cuộc hội nghị, hội thảo, nhiều trường “kêu khó” vì một bộ phận giáo viên ngại đổi mới; cơ sở vật chất không đảm bảo, hay có ý kiến cho rằng dạy theo mô hình mới khá tốn kém. Theo tôi, cách tổ chức lớp theo mô hình VNEN không nhất thiết phải cầu kỳ, hoa mỹ, hãy để học sinh phát huy tính sáng tạo, tự trang trí lớp để có không gian đẹp, thân thiện, hỗ trợ tích cực cho nhu cầu học tập và hoạt động của học sinh. Chúng tôi khuyến khích các em trang trí lớp bằng các vật liệu đã qua sử dụng, đối với các phòng học được xây mới, chúng tôi không xây dựng bục giảng để tận dụng tối đa không gian học tập cho các em”, cô Tạ Thị Huế nhận định.
Phó Trưởng Phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD&ÐT Cà Mau Thái Thị Ngọc Bích nhận định, xã hội ngày càng phát triển, giáo dục cần phải đổi mới để phù hợp xu thế, trước hết, đòi hỏi những “đầu tàu” là cán bộ quản lý và cả giáo viên phải đổi mới tư duy và hành động. Ngay từ đầu năm học 2016-2017, Sở GD&ÐT đã có hướng dẫn việc đánh giá, xếp loại giờ dạy của giáo viên trung học thực hiện đồng bộ, thống nhất chung toàn tỉnh. Theo đó, đánh giá trên 3 phương diện: kế hoạch giáo dục học sinh và tài liệu dạy học; tổ chức hoạt động học cho học sinh; hoạt động học của học sinh.
Cũng từ năm học mới này, Sở GD&ÐT đã có hướng dẫn xây dựng kế hoạch dạy học (giáo án) và quy định về hồ sơ, sổ sách trong nhà trường cho các cấp học theo hướng đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá. Như vậy, có thể thấy học sinh là tấm gương phản ánh năng lực nghề nghiệp của giáo viên. Nếu giáo viên không từng bước đổi mới phương pháp dạy học, hoặc áp dụng một cách máy móc sẽ tự đào thải mình. Do đó, đối với các đơn vị trường chưa có điều kiện áp dụng mô hình Trường học mới, có thể lựa chọn một số thành tố tích cực của mô hình để bổ sung vào đổi mới phương thức giáo dục đang thực hiện, đảm bảo nguyên tắc lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm./.
Dự án VNEN được triển khai thí điểm từ năm học 2012-2013 trên địa bàn toàn tỉnh, với 14 trường tiểu học tham gia. Năm học 2015-2016 được triển khai nhân rộng thêm 16 trường. Năm nay, có thêm 8 trường đăng ký triển khai, nâng tổng số 38 trường tiểu học tham gia. Ðối với cấp THCS, Cà Mau hiện có 18 trường tham gia đối với lớp 6, 7. |
Bài và ảnh: Băng Thanh