(CMO) Chiều ngày 24/11, Sở LĐ-TB&XH tổ chức hội thảo “Giải pháp giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Cà Mau”. Tham dự có ông Nguyễn Minh Luân, Phó chủ tịch UBND tỉnh; ông Phạm Hồng Đào, Phó Chánh văn phòng Quốc gia giảm nghèo (Bộ LĐ-TB&XH); cùng các chuyên gia đến từ TP Hồ Chí Minh.
Dự hội thảo còn có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể cấp tỉnh; đại diện lãnh đạo cấp huyện, cấp xã.
Thời gian qua, công tác giảm nghèo luôn được cấp uỷ, chính quyền các cấp quan tâm, chỉ đạo xuyên suốt; các cấp, các ngành thực hiện chủ động, cụ thể hóa các dự án, chương trình, triển khai đồng bộ ở các địa phương.
Kết quả giai đoạn 2016-2020, tổng nguồn vốn bố trí thực hiện Chương trình giảm nghèo là 312,7 tỷ đồng, có hơn 14.263 hộ nghèo và cận nghèo được thụ hưởng và tiếp cận các chính sách nhằm thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 1,67%/năm (kế hoạch đề ra là 1,5%/năm). Nhiều công trình phúc lợi an sinh xã hội được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; nhiều dự án, mô hình giảm nghèo được phát huy làm thay đổi diện mạo xã hội, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện.
Đến nay, theo chuẩn nghèo mới, tỉnh Cà Mau có tỷ lệ hộ nghèo còn 3,14%; tỷ lệ hộ cận nghèo 2,27%.
Hội thảo cũng ghi nhận ý kiến chia sẻ trực tuyến từ các chuyên gia về giải pháp giảm nghèo.
Trước nhiều thách thức trong công tác giảm nghèo của tỉnh, chia sẻ trực tiếp tại hội nghị về giải pháp giảm nghèo, TS. Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Công tác xã hội, Đại học Lao động - Xã hội (TP Hồ Chí Minh) đặt ra yêu cầu: “Cần xác định đúng, trúng nguyên nhân giảm nghèo để “chữa bệnh” nghèo. Trong đó, đòi hỏi khâu thu thập thông tin phải chính xác, đúng tình hình. Từ đó có giải pháp hỗ trợ tập trung cho những đối tượng nghèo để đạt hiệu quả như mong đợi. Đồng thời, cần quan tâm hộ cận nghèo, vì “ranh giới” tái nghèo rất mong manh”.
Ngoài ra, theo TS. Nguyễn Minh Tuấn, muốn bền vững thì phải vận dụng nội lực để giải quyết vấn đề thoát nghèo, bằng nguồn lực của chính thành viên gia đình và nguồn lực của địa phương. Xác định kỹ năng, năng lực, thế mạnh của mỗi hộ gia đình, và theo đó địa phương kích thích, hỗ trợ phát triển kinh tế, tạo điều kiện sản xuất tại chỗ, giải quyết bài toán việc làm, tăng thu nhập, thoát nghèo cho người dân địa phương.
Đại diện huyện Đầm Dơi chia sẻ khó khăn về công tác giảm nghèo đối với nhóm hộ nghèo không đất sản xuất.
Tại hội thảo, nhiều địa phương nêu những hạn chế, tồn tại trong công tác giảm nghèo, như: nhiều hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo nhanh nhưng thiếu bền vững, cuộc sống vẫn còn khó khăn; giải pháp sinh kế để thoát nghèo chưa bền vững, khả năng tái nghèo còn cao; công tác phối hợp chỉ đạo có lúc còn hạn chế, thiếu đôn đốc, kiểm tra, chưa quyết liệt; khó khăn trong công tác thu hút đào tạo nghề, hỗ trợ các đối tượng yếu thế…
Giải đáp trực tuyến một số khó khăn của các địa phương tại hội nghị, PGS.TS Trần Tiến Khai, Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, đào tạo nghề chưa hiệu quả, nguyên nhân là do lựa chọn đối tượng chưa phù hợp; cơ sở đào tạo nghề chưa đúng với yêu cầu của doanh nghiệp. Cần tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất kinh doanh trực tiếp đào tạo nghề và lựa chọn lao động vào doanh nghiệp. Đối với hộ nghèo không đất sản xuất, cố gắng duy trì hoạt động phi nông nghiệp tại địa phương.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân phát biểu chỉ đạo.
Phát biểu tại hội thảo, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân chỉ đạo: “Để giải quyết việc làm, sinh kế cho người nghèo tại địa phương hiện nay, cần đánh giá sâu những hạn chế, nguyên nhân trong thời gian qua; đồng thời chia sẻ những cách làm hay, hiệu quả nhằm phát huy kết quả đạt được, tháo gỡ những tồn tại, hạn chế và khó khăn. Đề nghị Sở LĐ-TB&XH tổng hợp các ý kiến của đại biểu, chuyên gia tại hội thảo; nghiên cứu, chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan triển khai các giải pháp phù hợp trong thời gian tới”./.
Hồng Nhung