Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đã khó, giữ vững danh hiệu còn khó hơn nhiều lần. Huyện Ngọc Hiển có 18/31 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, ngành giáo dục của huyện đang từng ngày ra sức phát huy hiệu quả và giữ vững danh hiệu các trường đạt chuẩn ấy.
Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đã khó, giữ vững danh hiệu còn khó hơn nhiều lần. Huyện Ngọc Hiển có 18/31 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, ngành giáo dục của huyện đang từng ngày ra sức phát huy hiệu quả và giữ vững danh hiệu các trường đạt chuẩn ấy.
Nền đất tại huyện Ngọc Hiển rất yếu, các trường học được xây dựng bị sụp lún, xuống cấp nhanh hơn ở những địa phương khác. Bên cạnh, với điều kiện khí hậu vùng biển, cơ sở vật chất xuống cấp rất nhanh.
Trước tình trạng đó, ngành giáo dục huyện hằng năm đều làm báo cáo xin kinh phí hỗ trợ của UBND tỉnh và huyện.
Trưởng Phòng GD&ÐT huyện Ngọc Hiển Trần Văn Út cho biết: “Trong hè vừa rồi, được sự hỗ trợ từ UBND tỉnh và huyện, ngành giáo dục huyện đã tổ chức sửa chữa và nâng cấp 8 điểm trường, với tổng kinh phi hơn 9 tỷ đồng”.
Trường Tiểu học 2 Rạch Gốc được nâng cấp, sửa chữa khang trang, đảm bảo điều kiện học tập cho các em học sinh. |
Tuy nhiên, so với thực tế, nguồn kinh phí ấy không đủ khắc phục hết những khó khăn ở các điểm trường tại địa phương, thời gian các trường xuống cấp rất nhanh, nhưng vòng sửa chữa luân phiên thì chậm, nhất là nguồn kinh phí sửa chữa chỉ gói gọn trong những hạng mục nhất định.
Ông Trần Văn Út chia sẻ: “Thực sự việc nâng cấp và sửa chữa các điểm trường lớp luôn là trăn trở của ngành, bởi chỉ có thể ưu tiên chọn những điểm trường thực sự xuống cấp trầm trọng, còn những điểm vừa có dấu hiệu thì phải chờ năm sau. Các thầy cô cứ phải chạy tới lui báo cáo tình hình, thế nhưng phải cương quyết trong công tác chọn lọc, rồi động viên những nơi chưa được sửa... ráng chờ năm sau”.
Trường lớp, cơ sở vật chất như đứa con tinh thần của nhà giáo, trầy xước, sứt mẻ một chút thì ai cũng lo lắng “nhót cả ruột gan”. Ðặc biệt là những bậc phụ huynh học sinh, khi cho con em mình học trong những lớp học xuống cấp thì sao có thể an tâm.
Cô Phạm Thị Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Ân, xã Tân Ân, cho biết: “Trường vừa được sửa chữa và nâng cấp trong năm học 2015-2016 vừa qua, nhưng hiện nay đã có dấu hiệu xuống cấp nền móng, một vài lớp học sụp lún, nền lớp chông chênh, gây khó khăn cho học sinh khi ngồi học. Năm học trước, trường đã sửa chữa và nâng cấp một số hạng mục để mùa mưa các em không bị tạt ướt, vừa giải quyết xong lại phát sinh vấn đề khác”.
Cô Lê Thanh Thuỷ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học 2 Rạch Gốc, chia sẻ: “Nhìn các em ngồi học trong lớp học khang trang, không sợ nắng mưa thì niềm vui nào bằng. Năm học vừa qua, nhờ sự quan tâm hỗ trợ của ngành và lãnh đạo địa phương, nhà trường sửa chữa và nâng cấp nhiều hạng mục như lót gạch nền, cửa sổ… Tất cả các hạng mục nhà trường đề xuất đều được giải quyết, đó là nguồn động viên thầy cô giáo và các em học sinh dạy và học tốt hơn”.
"Những năm tới ngành giáo dục huyện sẽ sửa chữa tập trung ở các trường đã đạt chuẩn nhưng xuống cấp, nhằm mục đích giữ vững các tiêu chí đạt chuẩn của các trường, đồng thời chú trọng công tác nâng chuẩn", ông Trần Văn Út cho biết.
Thực hiện đề án kiên cố hoá trường lớp giai đoạn 3 năm học 2016-2017, tiếp tục lộ trình đến năm 2020, ngành giáo dục Ngọc Hiển đề xuất xây dựng các phòng học mới thay thế những phòng học bán kiên cố đã hư hỏng nặng. Bên cạnh đó, lồng ghép kinh phí các chương trình mục tiêu, dự án, ngân sách để thực hiện hiệu quả việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất. Phối hợp với các ban, ngành liên quan triển khai các chương trình chính sách phát triển giáo dục./.
Bài và ảnh: Khánh Phương