(CMO) Chiều ngày 22/3, ông Huỳnh Quốc Việt, Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, bày tỏ phấn khởi khi được tiếp đón Giáo sư Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Phó bí thư Tỉnh uỷ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, dẫn đầu đoàn công tác đến thăm và làm việc với tỉnh. Tại buổi làm việc, tỉnh Cà Mau đã trao đổi, đề xuất nhiều vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế, mời gọi đầu tư, chuyển giao khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực…
Nêu quyết tâm phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, an sinh xã hội… của địa phương trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt thông tin, Cà Mau có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển, với vị trí đặc biệt 3 mặt giáp biển, là điểm cực Nam của Tổ quốc, có Vườn Quốc gia U Minh Hạ và Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau được công nhận khu dự trữ sinh quyển thế giới... Song, tỉnh bị ảnh hưởng nhiều của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, kết cấu hạ tầng giao thông, văn hoá - xã hội còn yếu…
Từ thuận lợi, khó khăn, Cà Mau mong muốn đoàn tham gia hỗ trợ tỉnh biến nước biển dâng thành cơ hội trong nuôi trồng thuỷ sản, tận dụng lợi thế chiều dài bờ biển để phát triển năng lượng tái tạo.
Về ứng dụng khoa học công nghệ, tỉnh mong muốn được hỗ trợ nghiên cứu các đề tài khoa học trong phát triển kinh tế như nuôi tôm, phát triển rừng, cũng như công nghệ chuyển đổi số, thương mại điện tử, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực.
Ông Huỳnh Quốc Việt, Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, chia sẻ về những lĩnh vực Cà Mau gặp khó, mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ phía các nhà khoa học. |
Tiến sĩ Phạm Bảo Sơn, Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, thông tin, trường có 35 đơn vị trực thuộc, trên 5.000 cán bộ, nhà khoa học, giáo sư, tiến sĩ; được xếp trong 1.000 trường đại học hàng đầu thế giới. Với công nghệ số phát triển như hiện nay thì việc đào tạo nguồn nhân lực không còn trở ngại ở xa hay gần. Sứ mệnh phát triển của Đại học Quốc gia Hà Nội là đưa khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Tiến sĩ Phạm Bảo Sơn nhấn mạnh, đội ngũ khoa học công nghệ của trường đã và đang hỗ trợ nhiều địa phương thực hiện các đề tài ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, chế phẩm vi sinh, xử lý nước trong nuôi trồng thuỷ sản... Bên cạnh đó, các nhà khoa học của trường còn tham gia tư vấn, góp ý về chuyển đổi số quốc gia, các vấn đề liên quan đến kinh tế biển, chính quyền điện tử, đô thị thông minh… Trên cơ sở đó, trường hoàn toàn có thể chuyển giao và hỗ trợ tỉnh Cà Mau.
Giáo sư Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, đề nghị các thành viên trong đoàn, theo từng lĩnh vực phụ trách, hỗ trợ Cà Mau phát triển. |
Giáo sư Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết, trường đang ban hành chính sách học bổng, hy vọng các địa phương, trong đó có Cà Mau cử thí sinh tham gia đào tạo tiến sĩ. Liên quan đến phát triển kinh tế biển, kinh tế rừng, trường sẽ nghiên cứu, hợp tác giải quyết những vấn đề mấu chốt, làm sao để thu hút được nhà đầu tư, đồng thời nghiên cứu các dự án để vừa phát triển bền vững, vừa hợp lòng dân.
Giáo sư Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, tặng quà lưu niệm đến Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt nhân chuyến làm việc tại Cà Mau. |
Trong không khí gắn bó, thân tình, các thành viên đoàn công tác Đại học Quốc gia Hà Nội và lãnh đạo tỉnh Cà Mau đều kỳ vọng vào sự hợp tác sắp tới sẽ góp phần vực dậy kinh tế - xã hội Cà Mau. Theo đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử sẽ làm đầu mối trao đổi, xác định rõ nội dung, lĩnh vực hợp tác với các nhà khoa học, nhất là đối với các chương trình, dự án Cà Mau đang triển khai, để đưa kết quả nghiên cứu khoa học đi vào cuộc sống./.
Mộng Thường