(CMO) Những năm qua, bằng sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và Nhân dân, hệ thống trường lớp trên địa bàn huyện U Minh phát triển khá đồng bộ, từ giáo dục mầm non đến cấp học phổ thông.
Hiện nay, toàn huyện có 22 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 47,8%. Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên ngày càng được chuẩn hoá, tất cả đều đạt chuẩn và trên chuẩn (giáo viên ngành học mầm non có 91 người, tiểu học 494 người, THCS có 250 người).
Hiện ngành giáo dục U Minh quản lý 46 trường với 109 điểm. Trong đó, giáo dục mầm non 10 trường, 18 điểm lẻ; tiểu học 26 trường, 42 điểm lẻ; THCS 10 trường, 3 điểm lẻ.
Học sinh trường Tiểu học Thái Văn Lung giờ tan trường. Ảnh: Trần Thể |
Thầy Lâm Bửu Lâm, Hiệu trưởng trường Tiểu học Trịnh Minh Hưởng, xã Nguyễn Phích, cho biết, điểm lẻ Kinh 93 có 2 lớp, tổng số 23 học sinh, do đó, trong năm học 2017-2018 ghép về trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, xã Khánh Lâm. Điểm lẻ Kinh 31 có 2 lớp với 21 học sinh chuyển đến trường Tiểu học Huỳnh Quảng, xã Nguyễn Phích.
Tuy nhiên, bước đầu sắp xếp ghép các điểm lẻ lại điểm chính gặp rất nhiều khó khăn, bởi từ các điểm lẻ đến các điểm ghép cách khoảng 4-5 km. Qua sự tuyên truyền vận động của chính quyền và ngành chuyên môn, phụ huynh cũng đồng tình ủng hộ.
Tại trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố, xã Nguyễn Phích, thầy Hồ Hoàng Giang, Phó Hiệu trưởng nhà trường, thông tin: Năm học này trường xoá 1 điểm tại vàm kinh Xóm Mới. Điểm trường này có 2 lớp với 24 học sinh (lớp 3, lớp 4) được ghép về trường Tiểu học Vương Nhị Chi, xã Nguyễn Phích. Việc xoá điểm lẻ này rất phù hợp với điều kiện giáo dục hiện nay.
Thầy Nguyễn Hữu Luân, Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện U Minh, cho biết: Theo phương án sắp xếp trường lớp học và đội ngũ giáo viên trên địa bàn huyện giai đoạn 2017-2021, điểm trường nào có điều kiện thì sắp xếp trước. Theo kế hoạch, đến 2020, huyện U Minh sẽ ghép 2 trường, xoá 12 điểm lẻ, chuyển cán bộ quản lý và giáo viên, nhân viên từ trường thừa sang nơi thiếu.
Thực tế đã qua, hệ thống trường lớp trên địa bàn huyện phân tán nhỏ lẻ, số lượng học sinh mỗi lớp ngày càng giảm, đội ngũ giáo viên dàn trải, nguồn đầu tư trang thiết bị dạy học, sửa chữa hằng năm không đáp ứng yêu cầu, kinh phí sự nghiệp GD&ĐT chi trả lương chiếm tỷ trọng lớn.
Ngoài ra, hiện nay hệ thống giao thông phát triển tốt, việc sắp xếp lại trường lớp học và đội ngũ giáo viên trên địa bàn huyện U Minh là nhu cầu tất yếu nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống trường lớp theo hướng tinh gọn, tập trung xoá dần các điểm lẻ, gom học sinh về học ở các điểm trường chính để thụ hưởng các điều kiện học tập được tốt hơn.
Trọng Nguyễn