ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 26-4-25 22:21:48
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Tổng Bí thư Tô Lâm: Nếu Báo cáo Chính trị là ngọn đuốc soi đường thì Báo cáo Kinh tế - xã hội phải là cẩm nang hành động

Báo Cà Mau Nếu Báo cáo Chính trị là ngọn đuốc soi đường thì Báo cáo Kinh tế - xã hội là cẩm nang hành động để chúng ta thực hiện được các mục tiêu đề ra, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh. Vấn đề kinh tế - xã hội là vấn đề rất rộng, rất khó, chuyên môn sâu, thay đổi rất nhanh, cần cập nhật, bổ sung thường xuyên.

Tổng Bí thư Tô Lâm đến làm việc với Tiểu ban Kinh tế - xã hội Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sáng 17/3, tại trụ sở Chính phủ, Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Tiểu ban Kinh tế - xã hội Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Đây là buổi làm việc quan trọng để hoàn thiện dự thảo Báo cáo Đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026-2030, trước khi trình Hội nghị Trung ương 11.

Cùng dự cuộc làm việc có: Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Tiểu ban Kinh tế - xã hội; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, thành viên Tiểu ban Kinh tế - xã hội.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Mục tiêu cao nhất của Đại hội XIV là quyết định những vấn đề chiến lược để bảo đảm ổn định, phát triển và nâng cao đời sống nhân dân

Phát biểu mở đầu cuộc làm việc, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ Đảng đã xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm. Nền kinh tế không phát triển thì khó thực hiện các mục tiêu khác. Vì vậy, Báo cáo Kinh tế - xã hội là báo cáo chuyên đề rất quan trọng, quyết định việc hiện thực hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng sẽ được Đại hội XIV thông qua.

"Tôi được biết đồng chí Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí thường trực Tiểu ban Kinh tế - xã hội rất trách nhiệm, tích cực, khẩn trương bổ sung, hoàn thiện Báo cáo quan trọng này", Tổng Bí thư Tô Lâm nói và đánh giá cao dự thảo Báo cáo lần này đã bám sát các yêu cầu, cô đọng, súc tích nhưng vẫn bảo đảm đầy đủ các nội dung; đã bổ sung, nhấn mạnh nhiều chủ trương, giải pháp mạnh mẽ để tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tới, kèm theo là 3 phụ lục về những mục tiêu cần phấn đấu, danh mục các công trình, dự án sẽ được triển khai và danh mục các văn bản pháp luật cần phải sửa đổi.

Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ Đảng đã xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Định hướng thảo luận tại cuộc làm việc, Tổng Bí thư Tô Lâm định hướng, gợi mở 4 vấn đề. Thứ nhất, về tổng thể chung, mục tiêu cao nhất của Đại hội XIV là quyết định những vấn đề chiến lược để bảo đảm ổn định, phát triển và nâng cao đời sống cho nhân dân. Đây là mục tiêu bao trùm, cần phải được quán triệt. Sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong các nội dung văn kiện là hướng đến 3 mục tiêu này.

Cần nhận thức đầy đủ mối quan hệ biện chứng giữa ổn định để phát triển và phát triển để ổn định, bền vững lâu dài. Đồng thời mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống nhân dân, thỏa mãn ngày càng tốt hơn nhu cầu ngày càng tăng của nhân dân.

Thứ hai, chúng ta thống nhất về nhận thức và phải quyết tâm phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới, chứ không phải phát triển bình thường, không thể đủng đỉnh, để khắc phục nguy cơ tụt hậu, tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Vì vậy, phải có tư duy mới, cách làm mới mang tính cải cách, đột phá, vượt lên chính mình thì mới đạt được một cách hiệu quả.

Vì vậy, Báo cáo Kinh tế - xã hội phải làm rõ các giải pháp, nhiệm vụ khả thi để nước ta trở thành nước đang phát triển công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển thu nhập cao vào năm 2045.

Tổng Bí thư đề nghị các đồng chí thành viên Tiểu ban Kinh tế - xã hội xem các giải pháp nêu ra trong Báo cáo đã đủ thuyết phục chưa. Những chủ trương, giải pháp như vậy có đến được với mục tiêu không, cần phải bổ sung những gì, cần phải làm gì.

Thứ ba, bản chất của việc xây dựng Báo cáo này là hoạch định các chính sách phát triển kinh tế xã hội cho tương lai, cụ thể là giai đoạn 2026 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Báo cáo Kinh tế - xã hội là báo cáo chuyên đề rất quan trọng, quyết định việc hiện thực hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng sẽ được Đại hội XIV thông qua - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tuy nhiên, cũng cần nhận thức rõ chính sách là liên tục, không cắt khúc, có những việc phải làm ngay từ bây giờ để chuẩn bị cho giai đoạn tới, tránh lãng phí.

Tổng Bí thư lấy ví dụ về thể chế, cần phải tháo gỡ ngay được các vướng mắc về đấu thầu, về đất đai, về ngân sách, đầu tư công, quy hoạch, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo. Làm thế nào để giải ngay bài toán "có tiền nhưng không tiêu được". Làm thế nào để giải ngân vốn đầu tư công thực hiện được ngay từ đầu năm, đi vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm. Làm thế nào để kinh tế tư nhân sớm phát huy hơn nữa, tạo luồng sinh khí mới trong toàn xã hội, người lao động sản xuất kinh doanh, tạo ra của cải vật chất.

Thứ tư, yêu cầu cao nhất của giai đoạn tới là phát triển chất lượng cao. "Vậy phát triển bền vững, chất lượng cao là như thế nào, nội hàm là những gì, vấn đề gì? Các mục tiêu, chỉ số cần đặt ra ở mức độ nào, phải rất cụ thể, Tổng Bí thư đặt vấn đề.

Phải chủ động và tự chủ trong phát triển. Khó khăn, thách thức mà chúng ta phải đối mặt thì rất nhiều như thị trường thế giới, xung đột, chiến tranh trên thế giới, thiên tai… Đòi hỏi chúng ta phải chủ động như thế nào trong các tình huống đó, từng kịch bản xử lý và xử lý một cách chủ động.

Tại cuộc làm việc, các đại biểu cơ bản nhất trí với dự thảo Báo cáo và đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ giúp Tiểu ban tiếp tục hoàn thiện dự thảo trình Đại hội XIV.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Nếu Báo cáo Chính trị là ngọn đuốc soi đường thì Báo cáo Kinh tế - xã hội phải là cẩm nang hành động - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chúng ta phải biến thể chế từ điểm nghẽn trở thành lợi thế cạnh tranh

Kết luận cuộc làm việc, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ, vấn đề kinh tế - xã hội là vấn đề rất rộng, rất khó, chuyên môn sâu, thay đổi rất nhanh, cần cập nhật, bổ sung thường xuyên.

Nếu Báo cáo Chính trị là ngọn đuốc soi đường thì Báo cáo Kinh tế - xã hội là cẩm nang hành động để chúng ta thực hiện được các mục tiêu đề ra, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Về nội dung cụ thể, dự thảo Báo cáo Kinh tế - xã hội lần này đã có nhiều điểm mới, bám sát yêu cầu thực tiễn, có tính hành động và tính khả thi cao. Một số nội dung đã được làm rõ song vẫn còn có những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu để bổ sung, hoàn thiện trên tinh thần mạnh dạn đổi mới, tất cả vì ích quốc gia, dân tộc, tiếp tục nghiên cứu, cập nhật, bổ sung, hoàn thiện và làm sâu sắc thêm nhiệm vụ.

Tổng Bí thư đề nghị tiếp tục nghiên cứu các vấn đề mới để thực hiện những chủ trương tiếp tục tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, sáp nhập số tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập số xã. Đây không chỉ đơn thuần là vấn đề điều chỉnh địa giới hành chính mà còn là vấn đề điều chỉnh không gian kinh tế, điều chỉnh về sự phân công, phân cấp, điều chỉnh về phân bổ, kết hợp các nguồn lực kinh tế cho phát triển. Đồng thời, cần phải đánh giá lại quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch và định hướng phát triển các tỉnh, thành phố.

Tổ chức bộ máy là một vấn đề lớn, tác động nhiều khía cạnh, cần đầu tư thời gian, công sức nghiên cứu kỹ lưỡng để có những điều chỉnh, cập nhật, bổ sung trong Báo cáo Kinh tế - xã hội cho phù hợp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Trong thời gian qua, Tiểu ban Kinh tế - xã hội đã dành nhiều thời gian, công sức, trí tuệ để nghiên cứu, cập nhật và khẩn trương hoàn thiện dự thảo Báo cáo - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Về mô hình tăng trưởng, Tổng Bí thư đề nghị cập nhật tư duy mới đã được đề cập trong Báo cáo Chính trị. Theo đó, chúng ta chuyển từ "đổi mới mô hình tăng trưởng" sang khẳng định mạnh mẽ hơn là xác định mô hình tăng trưởng mới.

Từ đó cần phải bổ sung, làm rõ hơn các nội hàm của mô hình tăng trưởng mới của Việt Nam là gì, nhất là những vấn đề căn cơ để phát triển nhanh và bền vững, phát triển chất lượng cao, chủ động, tự chủ trong phát triển. Tổng Bí thư gợi mở các nội hàm như tạo ra cách thức sản xuất mới, những phương thức, lĩnh vực sản xuất kinh doanh mới, chất lượng mới, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao… Trong mô hình tăng trưởng mới này, cần xác định rõ, đúng vai trò của các thành phần kinh tế.

Phải hình thành các vùng, cực tăng trưởng cùng với mục tiêu cụ thể đóng góp cho tăng trưởng GDP cả nước.

Về thể chế, Tổng Bí thư chỉ rõ, đây là điểm nghẽn; đang từng bước tháo gỡ những rào cản, khó khăn, vướng mắc của thể chế để tạo nền tảng phát triển. Việc xây dựng, ban hành pháp luật phải theo tình hình thực tiễn, không để tình trạng chờ luật, chờ cơ chế dẫn đến chậm trễ, mất cơ hội.

Phải nghiên cứu để cải cách mạnh mẽ hơn nữa quy trình ra chính sách thì mới đáp ứng được yêu cầu phát triển, phải xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi, môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, an toàn, chi phí thấp, phải thực hiện cuộc cách mạng trong lĩnh vực này. Phải đưa Việt Nam trở thành quốc gia đi đầu trong cải cách hành chính, khởi nghiệp sáng tạo và có môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng.

Thủ tướng nêu rõ, việc xây dựng, hoàn thiện Báo cáo Kinh tế - xã hội cần phải thường xuyên rà soát, cập nhật, bổ sung - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Một cái khía cạnh khác về thể chế là phải hết sức quan tâm việc thực thi chính sách của đội ngũ cán bộ. Cần nghiên cứu các giải pháp thực thi chính sách đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến cơ sở. Xây dựng đội ngũ cán bộ có tinh thần chủ động phục vụ người dân và doanh nghiệp. Sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính các cấp là cơ hội để chúng ta sẵn sàng sàng lọc lại đội ngũ cán bộ, xây dựng đội ngũ thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn tới. Chúng ta phải biến thể chế từ điểm nghẽn trở thành lợi thế cạnh tranh.

Phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa trong phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Tiềm năng con người Việt Nam không thua kém bất cứ một dân tộc nào trên thế giới, cần nghiên cứu để có giải pháp mạnh mẽ hơn nữa, đột phá hơn nữa.

Về huy động nguồn lực để phát triển, Tổng Bí thư đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu làm sâu sắc hơn các giải pháp cụ thể để huy động nguồn lực; nghiên cứu kỹ chiến lược thu hút vốn FDI cũng như vốn đầu tư gián tiếp trong giai đoạn phát triển mới của đất nước; huy động nguồn vốn trong dân tham gia kinh doanh, đưa dòng vốn luân chuyển trong nền kinh tế. Phát triển kinh tế địa phương tự chủ, phân cấp, phân quyền phải bảo đảm công bằng, nuôi dưỡng nguồn phát triển.

Tổng Bí thư lưu ý, tiếp tục rà soát các nội dung Báo cáo để bảo đảm cân đối giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Mục tiêu cuối cùng là nâng cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của người dân; phải nghiên cứu những chính sách tăng trưởng, để mức sống của người dân tương ứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế và người dân được thụ hưởng những thành tựu phát triển kinh tế mang lại; phải lượng hóa được các chủ trương cụ thể để người dân có thể nhìn thấy được, đánh giá được…

Tổng Bí thư nhấn mạnh, các thành viên Tiểu ban Kinh tế - Xã hội tiếp tục bám sát tình hình, tổ chức nghiên cứu, thảo luận kỹ, tiếp thu ý kiến của các cấp, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện dự thảo Báo cáo Kinh tế - xã hội, Đại hội XIV của Đảng, bảo đảm phải thực sự là cẩm nang hành động để hiện thực hóa các mục tiêu năm 2030, năm 2045, đưa đất nước phát triển giàu mạnh, thịnh vượng, nâng cao đời sống của người dân.

Đây là buổi làm việc quan trọng để hoàn thiện dự thảo Báo cáo KTXH trước khi trình Hội nghị Trung ương 11 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bảo đảm tính hành động, chiến đấu cao, tính đổi mới, tính khả thi, tính hiệu quả

Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh thời gian qua, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Tổng Bí thư Tô Lâm rất quan tâm, theo dõi sát sao, thường xuyên chỉ đạo việc xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng, trong đó có Báo cáo Kinh tế - xã hội.

Trong thời gian qua, Tiểu ban Kinh tế - xã hội đã dành nhiều thời gian, công sức, trí tuệ để nghiên cứu, cập nhật và khẩn trương hoàn thiện dự thảo Báo cáo trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường và ở trong nước chúng ta thực hiện nhiều quyết sách quan trọng mang tính cách mạng và dấu ấn lịch sử.

Thủ tướng nêu rõ, việc xây dựng, hoàn thiện Báo cáo Kinh tế - xã hội cần phải thường xuyên rà soát, cập nhật, bổ sung theo tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, những chủ trương, đường lối, cơ chế, chính sách mới của Đảng, Nhà nước, Chính phủ cho đến khi được Đại hội XIV thông qua. Dự thảo Báo cáo bảo đảm tính văn kiện, tính liên thông với các văn kiện khác trình Đại hội XIV, nhất là Báo cáo Chính trị, đồng thời cụ thể hóa các nội dung về kinh tế, xã hội; bảo đảm tính hành động, chiến đấu cao, tính đổi mới, tính khả thi, tính hiệu quả.

Tiểu ban Kinh tế - xã hội nghiêm túc tiếp thu đầy đủ, cụ thể hóa các chỉ đạo, định hướng của đồng chí Tổng Bí thư và các ý kiến phát biểu của các đại biểu tại cuộc làm việc để khẩn trương cập nhật, bổ sung, hoàn thiện dự thảo Báo cáo Kinh tế - xã hội để kịp thời báo cáo Bộ Chính trị, trình Hội nghị Trung ương theo đúng tiến độ và kế hoạch đề ra, bảo đảm chất lượng cao nhất./.

 

Theo baochinhphu.vn

Về nơi con tàu đầu tiên cập bến

Những ngày tháng Tư lịch sử này, giữa niềm vui chung hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, lòng người dân Rạch Gốc - Tân Ân lại rộn ràng hơn, bởi cái tin bến Vàm Lũng chuẩn bị đón nhận bằng Di tích Quốc gia đặc biệt. Với họ, những con người của vùng đất đã góp phần cùng Phan Ngọc Hiển làm nên Khởi nghĩa Hòn Khoai lịch sử năm 1940 này, ký ức một thời từng gắn bó ruột rà, máu thịt với Ðoàn 962 như sống dậy, đằm thắm yêu thương, chen lẫn tự hào.

Chuyện sau ngày đất nước thống nhất ở tỉnh Minh Hải

Khoảng tháng 5/1975, sau ngày thống nhất đất nước, ba tôi nắm tay dắt tôi đi xuống huyện Vĩnh Châu, thuộc tỉnh Sóc Trăng, để gửi tôi cho anh Tám Dử, anh cô cậu ruột của tôi đang làm Phó chủ nhiệm Hậu cần Huyện đội, để tôi thoát ly làm cách mạng. Năm đó tôi mới 15 tuổi.

Ðời người chỉ sống một lần

Ông Ba Lành (Trần Ngọc Lành, sinh năm 1942, ngụ ấp Rạch Lăng, xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời), thương binh 4/4, tâm tình rằng: “Tôi may mắn còn sống, đó là hạnh phúc lớn lao vì còn được tận hưởng thành quả hoà bình, thống nhất, những điều mà nhiều đồng chí, đồng đội khác không có được”...

Tri ân miền Ðất thép

Mỗi “địa chỉ đỏ” trên mảnh đất hình chữ S đều gắn liền với sự kiện, mốc son lịch sử trong quá trình đấu tranh của quân và dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đây không chỉ là nơi giáo dục truyền thống cách mạng dân tộc, khơi dậy tinh thần yêu nước cho lớp lớp thế hệ mai sau, mà còn thể hiện trách nhiệm, lòng biết ơn của thế hệ hôm nay với những hy sinh to lớn của cha ông cho nền độc lập, tự do của dân tộc.

Tuổi trẻ Cà Mau đoàn kết, xung kích tình nguyện, lao động sáng tạo

Tiếp nối truyền thống vẻ vang của lớp thanh niên đi trước, tuổi trẻ và Ðoàn bộ tỉnh Cà Mau không ngừng nỗ lực học tập và làm theo Bác, cố gắng thực hiện tốt sứ mệnh, dẫn dắt đoàn viên, thanh niên (ÐVTN) đoàn kết, xung kích tình nguyện, lao động sáng tạo, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển quê hương, đất nước.

Rà soát công trình, tài sản công đảm bảo sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí sau sắp xếp tinh gọn bộ máy 

“Rà soát, xử lý công trình, nhà đất là tài sản công khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đơn vị hành chính đảm bảo sử dụng, khai thác có hiệu quả, tránh lãng phí; rà soát các dự án, công trình, trụ sở đang xây dựng hoặc đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng chịu tác động bởi việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đơn vị hành chính theo chủ trương của Bộ Chính trị để tiếp tục thực hiện hoặc điều chỉnh dự án phù hợp với mục đích sử dụng, đảm bảo tiết kiệm, tránh thất thoát, lãng phí”, đây là những nhiệm vụ trọng tâm Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tỉnh đề ra trong phiên họp thường kỳ quý I vào chiều 15/4/2025.

Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị mới về đại hội đảng bộ các cấp

Ngày 14/4/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW (Chỉ thị số 45) của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Trang sử Cà Mau thời kháng chiến năm 1973

Sau Hiệp định Paris năm 1973, về mặt đấu tranh công khai, Ban Liên hợp quân sự 4 bên khu vực 4 (Quân khu 9), do đồng chí Hoàng Hà làm Trưởng ban, đồng chí Phạm Văn Liêm làm Phó ban, Tổ liên hợp Cà Mau do đồng chí Tống Kỳ Hiệp và đồng chí Trịnh Thành Kế phụ trách đã đấu tranh chống lại sự vi phạm Hiệp định của địch trong khu vực. Ta buộc địch công nhận vùng tự do của ta ở Cà Mau và đã thực hiện việc trao trả tù binh ở Kinh Ba, xã Quách Phẩm, huyện Ngọc Hiển (Tư Kháng), Ðầm Dơi ngày nay.

Phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng 11 khoá XIII

Chiều 12/4, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng 11 khoá XIII đã bế mạc. Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu bế mạc Hội nghị. Báo Cà Mau trân trọng giới thiệu phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Thông cáo báo chí về ngày làm việc thứ hai Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 11 khóa XIII

Sáng 11/4, Trung ương làm việc tại hội trường. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Bộ Chính trị điều hành phiên họp.