(CMO) Đến cuối tháng 9, tổng nguồn vốn chính sách đạt 3.462 tỷ đồng, tăng 381 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, nguồn vốn Trung ương tăng 309 tỷ đồng; nguồn vốn địa phương tăng 25,1 tỷ đồng. Doanh số cho vay đạt 819 tỷ đồng, với hơn 28.600 lượt hộ vay vốn. Tổng dư nợ là 3.453 tỷ đồng, với hơn 126.300 hộ còn dư nợ, tăng 379 tỷ đồng so với đầu năm.
Thông tin trên được nêu tại cuộc họp Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh quý III/2022 vào chiều ngày 27/10 do Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân, Trưởng Ban đại diện, chủ trì.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh phát biểu tại cuộc họp. |
Bám sát chủ trương, sự lãnh đạo của tỉnh, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh đã thực hiện tốt các Nghị quyết của Hội đồng quản trị, đưa ra các giải pháp thích ứng linh hoạt để chỉ đạo Ngân hàng CSXH tỉnh, Ban đại diện các huyện, thành phố triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách; tập trung giải ngân các nguồn vốn theo kế hoạch tăng trưởng đã được trung ương giao, đặc biệt đối với các chương trình theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Chất lượng tín dụng được nâng cao, công tác đối chiếu, phân loại nợ được thực hiện tốt. Nguồn vốn cho vay của Ngân hàng CSXH đã góp phần tích cực, hiệu quả vào mục tiêu phát triển kinh tế, giảm nghèo, an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh biểu dương sự nỗ lực cùng những kết quả nổi bật đã đạt được thời gian qua trong bối cảnh tác động bởi dịch bệnh Covid-19.
Nguồn vốn cho vay của Ngân hàng CSXH đã góp phần tích cực, hiệu quả vào mục tiêu phát triển kinh tế, giảm nghèo. (ảnh minh hoạ) |
Phó chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Ngân hàng CSXH tỉnh đánh giá chất lượng của từng đoàn thể chính trị - xã hội trong quá trình phối hợp thực hiện nhận ủy thác cho vay vốn; kịp thời phân bổ vốn, điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch tín dụng đến cơ sở để thực hiện, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch giao; tiếp tục thực hiện kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai hoạt động.
Ngân hàng CSXH tỉnh và các ngành liên quan chủ động tuyên truyền, triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Riêng chương trình cho vay đối với các hộ đồng bào dân tộc trên địa bàn các huyện, thành phố, cần phải rà soát, thống kê, tạo điều kiện để những hộ này tiếp cận giải ngân nguồn vốn, nhất là việc cho vay để phát triển sản xuất.
Đối với các chương trình tín dụng chính sách khác, các huyện, thành phố, các ngành liên quan tiếp tục triển khai thực hiện bằng các giải pháp chặt chẽ, đồng bộ để có cơ sở đảm bảo kịp thời giải ngân nguồn vốn cho vay đến các đối tượng chính sách trên địa bàn trong thời gian tới./.
Hồng Phượng