Sở GD&ÐT chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính và UBND các huyện, TP Cà Mau khẩn trương tổng rà soát mạng lưới trường lớp, tình hình, số lượng học sinh, giáo viên, kinh phí sự nghiệp giáo dục của từng địa phương và đề xuất phương án ổn định giai đoạn 2017-2021.
Thời gian qua, nhiều huyện, thành phố của tỉnh Cà Mau nợ đọng chế độ chính sách đối với giáo viên đã gây nên những hệ luỵ không tốt. Như thông tin Báo Cà Mau đã đưa, UBND tỉnh đã kiên quyết đưa ra những giải pháp nhằm ổn định tình hình, giải quyết triệt để vấn đề, đảm bảo tuyệt đối quyền lợi của đội ngũ giáo viên. Ngoài những nguyên nhân chủ quan, một trong những nguyên nhân khách quan là việc rà soát, sắp xếp đội ngũ giáo viên trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập, hạn chế.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân cho biết: “Việc thừa, thiếu giáo viên cục bộ đã ảnh hưởng đến nguồn kinh phí sự nghiệp giáo dục của các huyện, TP Cà Mau. Ðể có cơ sở phân bổ kinh phí sự nghiệp giáo dục phù hợp với tình hình thực tế của các địa phương trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục tổng rà soát toàn diện, thực tế trong lĩnh vực giáo dục, từ đó đề xuất phương án ổn định giai đoạn 2017-2021”.
Việc thừa, thiếu giáo viên cục bộ, hệ thống điểm trường lẻ lớn ở các vùng nông thôn cần được nhìn nhận toàn diện và có cách sắp xếp, điều chỉnh hợp lý để giáo dục Cà Mau phát triển ổn định. Ảnh: M.TẤN |
Theo đó, Sở GD&ÐT chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính và UBND các huyện, TP Cà Mau khẩn trương tổng rà soát mạng lưới trường lớp, tình hình, số lượng học sinh, giáo viên, kinh phí sự nghiệp giáo dục của từng địa phương và đề xuất phương án ổn định giai đoạn 2017-2021.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân cho biết thêm: “Cụ thể, về mạng lưới trường lớp, phải xác định số lượng trường học mỗi cấp; số điểm trường lẻ của từng địa phương. Số lượng lớp học ở mỗi trường, điểm trường. Số điểm trường lẻ dự kiến giảm mỗi năm và dự báo số trường, lớp tăng thêm trong thời gian tới”.
Ðối với đội ngũ giáo viên, học sinh, phải xác định được số lượng học sinh, giáo viên của từng bộ môn, từng cấp học của từng trường. Căn cứ quy định về định mức biên chế giáo viên, xác định số lượng giáo viên theo yêu cầu, từ đó đối chiếu với thực tế, xác định số lượng giáo viên thừa, thiếu đối với từng bộ môn, từng cấp học, từng trường.
Ðồng thời, Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý: “Xác định số lượng giáo viên trong độ tuổi 50-54 đối với nữ và 55-59 đối với nam”. Tính toán được số lượng dự kiến của học sinh trong độ tuổi đến trường và số lượng học sinh mỗi cấp học trong giai đoạn 2017-2021, chi tiết từng năm.
Vấn đề kinh phí sự nghiệp giáo dục, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: “Xác định kinh phí chi lương và các chế độ chính sách cho đội ngũ giáo viên và kinh phí hoạt động của các trường đối với từng địa phương, hệ số bình quân lương giáo viên của từng đơn vị”. Việc tổng rà soát lĩnh vực giáo dục là cơ sở khoa học và thực tiễn để tỉnh Cà Mau đề xuất phương án ổn định giai đoạn 2017-2021.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh thông tin: “Phương án ổn định giai đoạn 2017-2021 căn cứ các quy định của Bộ GD&ÐT về tiêu chuẩn, định mức biên chế viên chức trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, các cơ sở giáo dục mầm non và phương án sắp xếp thừa, thiếu giáo viên của từng địa phương, xác định nhu cầu giáo viên đối với từng bộ môn, từng trường của từng địa phương, trong từng năm”.
Bên cạnh đó là sắp xếp lại mạng lưới trường học, tăng cường đầu tư, kết nối các tuyến giao thông để giảm các điểm trường lẻ…
Ðồng thời, xác định tiêu chí, cơ chế phân bổ kinh phí sự nghiệp giáo dục cho các địa phương. Ðối với những địa phương có hệ số lương giáo viên cao, có nhiều điểm trường lẻ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Trên cơ sở đó, định mức kinh phí bổ sung sau khi đã phân bổ theo quy định, các địa phương xây dựng lộ trình và cam kết chịu trách nhiệm giảm phát sinh kinh phí theo từng năm. Xây dựng phương án phân bổ kinh phí sự nghiệp giáo dục cho các địa phương”.
Tiếp tục xây dựng các giải pháp thúc đẩy xã hội hoá giáo dục, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển mạng lưới giáo dục của tỉnh nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đồng thời giảm gánh nặng trong điều kiện tình hình ngân sách khó khăn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân nhấn mạnh: “Ðể đảm bảo công tác tổng rà soát đạt hiệu quả, yêu cầu các sở, ngành liên quan tổ chức tập huấn cho các huyện, TP Cà Mau trước khi thực hiện. Thành lập các tổ thẩm định kết quả rà soát, báo cáo của từng địa phương. Chủ tịch UBND các huyện, TP Cà Mau chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về tính chính xác của số liệu báo cáo và phương án thực hiện”./.
Phạm Nguyên