Sáng 26/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt và đối thoại với thanh niên nhân dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng Ban Bí thư Trung ương Đoàn.
Thanh niên - lực lượng giương cao ngọn cờ chuyển đổi số, vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng và phát triển
Phát biểu khai mạc chương trình, đồng chí Bùi Quang Huy, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn bày tỏ: Chương trình Thủ tướng gặp mặt và đối thoại với thanh niên với chủ đề "Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia" được tổ chức đúng vào dịp Tháng Thanh niên và kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thể hiện sự quan tâm, chăm lo, tin tưởng của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đối với sự nghiệp giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ Việt Nam nói chung và phát huy vai trò, tinh thần tiên phong, xung kích của thanh niên trong tham gia vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia nói riêng.
Đồng chí Bùi Quang Huy cho biết: Chương trình Thủ tướng gặp mặt và đối thoại với thanh niên năm 2024 là chương trình đối thoại được tổ chức lần thứ 2 sau khi có Luật Thanh niên năm 2020. Ngay sau đối thoại năm 2023 với chủ đề "Xây dựng nguồn nhân lực trẻ, chất lượng cao, đáp ứng kỷ nguyên 4.0".
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy phát biểu khai mạc chương trình.
Thủ tướng Chính phủ đã kết luận về việc giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương sau chương trình đối thoại. Các vấn đề được thanh niên quan tâm, kiến nghị cơ bản đã được giải quyết và thông báo rộng rãi theo quy định.
Mỗi một năm, Thủ tướng quyết định chương trình đối thoại với những chủ đề khác nhau. Năm nay, chủ đề được xác định: "Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong chuyển đổi số quốc gia".
Với hai lý do cơ bản, một là Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn dành cho thanh niên sự quan tâm đặc biệt, mong muốn xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam phát triển toàn diện.
Đồng thời kỳ vọng thanh niên Việt Nam phát huy cao tinh thần năm sẵn sàng như như thông điệp của Thủ tướng đã gửi gắm đến thanh niên tại chương trình đối thoại năm 2023.
Các đại biểu dự chương trình đối thoại.
Đó là, sẵn sàng bảo vệ mục tiêu lý tưởng của Đảng, là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, sẵn sàng giữ vững bản lĩnh ý chí, khát vọng vươn lên, sẵn sàng thích ứng và làm chủ trong cuộc cách mạng 4.0, sẵn sàng tiên phong chuyển đổi số, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu làm bất kỳ việc gì, xông pha vào việc khó, việc mới khi Tổ quốc cần.
Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, Đảng và Nhà nước ta xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm và phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần phát huy sức mạnh dân tộc và thời đại, nguồn lực bên trong và bên ngoài giúp giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt và đối thoại với thanh niên nhân dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Với sứ mệnh là chủ nhân tương lai, là giường cột của nước nhà, thanh niên chính là lực lượng giương cao ngọn cờ chuyển đổi số Việt Nam, vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng và phát triển.
Chính vì vậy, trong chương trình hôm nay, Ban Tổ chức mong muốn các bạn thanh niên tham gia đối thoại với tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn, cởi mở, trí tuệ, tập trung vào việc tìm hiểu cũng như đề xuất, hiến kế các vấn đề liên quan đến Chính phủ số, kinh tế số, chuyển đổi số, góp phần thực hiện thành công chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 của Chính phủ.
Thủ tướng chúc mừng các gương mặt trẻ tiêu biểu.
An toàn an ninh mạng là chiếc phanh để chiếc xe chuyển đổi số đi nhanh và an toàn hơn
Bạn Nguyễn Thành Trung, Học sinh Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm đặt câu hỏi: Vấn đề bảo vệ dữ liệu và an ninh mạng hiện vẫn là thách thức lớn mà Việt Nam phải đối mặt. Theo thống kê, ước tính có đến 35% người dùng internet của Việt Nam có nguy cơ đối diện với các nguy cơ mất an ninh mạng, cao thứ 6 trên thế giới. Trong thời gian tới, Chính phủ có giải pháp như thế nào về vấn đề này để đảm bảo an toàn không gian mạng?
Bạn Nguyễn Thành Trung, Học sinh Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm đặt câu hỏi.
Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông (TTTT) Nguyễn Huy Dũng: Tôi là cựu học sinh lớp 12 Toán 1 của Trường THPT Chuyên Đại học Sư Phạm, cựu sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội.
An toàn an ninh mạng được coi là chiếc phanh của chiếc xe chuyển đổi số, không phải dừng chiếc xe này lại mà để chúng ta yên tâm đi nhanh và an toàn hơn.
Con số thống kê và bạn nêu ra là con số từ năm 2017, trong 3 năm vừa qua Việt Nam đã có những thay đổi và bước chuyển biến trong công tác đảm bảo an toàn an ninh mạng. Cụ thể, Liên Hợp Quốc đã xếp chúng ta vào 25 nước dẫn đầu trong số 193 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Thủ tướng Chính phủ gặp mặt, đối thoại với thanh niên năm 2024.
Tuy nhiên việc phải làm rất nhiều, các giải pháp Thủ tướng đã chỉ ra rất rõ trong Chiến lược về an toàn an ninh mạng quốc gia.
Trong đó có 2 điểm nổi bật, thứ nhất là 3 lực lượng chủ chốt để đảm bảo an toàn anh ninh mạng là Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ TTTT. Ba nhóm mục tiêu bảo vệ an ninh mạng là các hệ thống thông tin trọng yếu của các cơ quan Đảng, Nhà nước; các hệ thống thông tin của các cơ quan doanh nghiệp và người dân.
Trong khuôn khổ hôm nay tôi xin chia sẻ về những giải pháp bảo vệ thông tin cho người dân trước những nguy cơ trên mạng mà Chiến lược an toàn an ninh mạng quốc gia đã chỉ ra.
Đối với người dân, chiến lược đã chỉ ra 2 giải pháp quan trọng là: Chúng ta bảo vệ từ sớm, từ xa, từ lớp mạng, tức là ở đây là trách nhiệm của nhà mạng và các đơn vị cung cấp viễn thông, internet phải có trách nhiệm bảo vệ cơ bản cho người dùng.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng: An toàn an ninh mạng được coi là chiếc phanh của chiếc xe chuyển đổi số, không phải dừng chiếc xe này lại mà để chúng ta yên tâm đi nhanh và an toàn hơn.
Lớp thứ hai là bảo vệ thiết bị đầu cuối ở thiết bị, mỗi người chúng ta ngồi đây sử dụng cùng lúc sử dụng nhiều thiết bị khác nhau từ máy tính, ipad, điện thoại. Trên mỗi thiết bị như vậy sẽ có những công cụ bảo vệ trực tiếp chi thiết bị, chúng tôi gọi đó là bảo vệ lớp 2, lớp cơ bản.
Bộ TTTT đã cung cấp những tri thức thông tin về lớp bảo vệ này để người dân tự bảo vệ mình, chúng ta có thể truy cập vào địa chỉ www.khonggianmang.vn, tại đây chúng tôi tiếp nhận và giải đáp mọi thắc mắc của người dân về an ninh mạng, đồng thời chúng tôi cũng cung cấp các công cụ miễn phí để người dân tự bảo vệ mình.
Đây là hai nhóm giải pháp chính, chúng tôi cũng hy vọng thanh niên sẽ là lực lượng xung kích trên không gian mạng. Trước hết là chúng ta tự bảo vệ mình, sau đó là hướng dẫn bạn bè, người thân cùng được an toàn trên không gian mạng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phong trào thanh niên muốn "sống" được thì phải gắn lợi ích giữa cá nhân với lợi ích tập thể và lợi ích của đất nước.
Phong trào thanh niên muốn "sống" được thì phải gắn lợi ích giữa cá nhân với lợi ích tập thể và lợi ích của đất nước
Tiếp phần trả lời của Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, bình luận thêm về tư duy và phương pháp luận giải quyết vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng: Cái gì cũng có hai mặt, tích cực và hạn chế, một tiến bộ có thể đi đôi với những cản trở.
"Trong cuộc sống và tư duy, tôi mong các bạn trẻ luôn giữ được thăng bằng trong bất cứ trường hợp nào, dù thắng lợi hay thất bại, thắng không kiêu, bại không nản", Thủ tướng bày tỏ và nhấn mạnh: Chúng ta phải luôn đặt con người và sự vật trong sự vận động và phát triển; phải xem là việc bình thường khi có thuận lợi này thì sẽ kèm theo khó khăn khác, quan trọng nhất là phải vững tâm để xử lý các vấn đề đặt ra một cách có hiệu quả, trong cuộc sống cũng như công việc.
Cụ thể hơn về câu hỏi của bạn thanh niên, Thủ tướng cho biết: Thứ nhất, Chính phủ phải hoàn thiện thể chế để bảo đảm an ninh mạng; thứ hai là phân công các bộ ngành xử lý các vấn đề nếu có sự cố, như hôm qua có sự cố liên quan tới chứng khoán.
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc trực tiếp chỉ đạo việc triển khai Đề án 06 (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030), trong đó có phần liên quan tới an ninh mạng.
Thứ ba là phải nâng cao năng lực xử lý các vấn đề an ninh mạng bằng nhiều biện pháp khác nhau. Thứ tư là đẩy mạnh tuyên truyền cho nhân dân để nâng cao cảnh giác và có các biện pháp phòng ngừa, trong đó các bạn trẻ phải làm nòng cốt, đi đầu về vấn đề này.
Thủ tướng bày tỏ: "Tôi đã từng chia sẻ rằng phong trào thanh niên muốn "sống" được thì phải gắn lợi ích giữa cá nhân với lợi ích tập thể và lợi ích của đất nước. Tại sao phong trào "Ba sẵn sàng" ngày xưa lại có sức sống như thế? Vì phong trào này mang lại lợi ích hòa bình, thống nhất cho mỗi cá nhân và cho cả nước.
Tôi đã đề nghị Trung ương Đoàn tập trung triển khai 3 phong trào thanh niên: Phong trào học tập công nghệ thông tin; phong trào học tập ngoại ngữ (để vừa là công dân Việt Nam, vừa trở thành công dân toàn cầu); phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường.
Ba phong trào này vừa gắn bó với lợi ích của mỗi người, vừa gắn bó với lợi ích của cả quốc gia, tất nhiên chúng ta đặt lợi ích chung lên trên hết, trước hết và trong lợi ích chung thì có lợi ích riêng".
Đột phá của kết nối, chia sẻ dữ liệu là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
Doanh nhân trẻ Lê Thị Hồng, Giám đốc Công ty TNHH In Nhật Hàn: Vừa qua, Chính phủ đã phê duyệt Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia nhằm hình thành kho dữ liệu về con người và kho dữ liệu tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu quốc gia. Vậy trong thời gian tới, Chính phủ có giải pháp gì để kết nối liên thông các dịch vụ từ dữ liệu này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trẻ khai thác, sử dụng trong quá trình vận hành doanh nghiệp?
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng: Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ người dân và doanh nghiệp nói chung đã là việc được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai rất quyết liệt trong 3 năm qua, chứ không phải việc thời gian tới định làm gì nữa.
Ở đây chúng ta có điểm đột phá là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là một trong sáu cơ sở dữ liệu quốc gia ưu tiên triển khai cho giai đoạn vừa rồi.
Nhờ kết nối, chia sẻ dữ liệu thời gian vừa qua, người dân nói chung và các bạn trẻ nói riêng đã được thụ hưởng rất nhiều lợi ích, ví dụ số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ với Ủy ban quốc gia là trong mùa tuyển sinh vừa rồi có hơn 97% thực hiện đăng ký tuyển sinh trực tuyến thay vì trực tiếp bằng bản giấy. Có được như vậy là nhờ kết nối, chia sẻ dữ liệu, là nhờ xác thực Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Mỗi bạn trẻ ngồi đây đều có một tài khoản ngân hàng, có được tài khoản ngân hàng bây giờ rất dễ dàng, hơn hồi xưa rất nhiều. Thời xưa, có được tài khoản ngân hàng, thủ tục rất nhiều, phải ra tận nơi, có khi mất nửa buổi sáng, nhưng hiện nay, gần nhất tôi mở tài khoản ngân hàng chỉ mất 3 phút bằng điện thoại di động, không phải hiện diện. Đây là thành của nỗ lực mà chúng ta đã kết nối, chia sẻ dữ liệu trong thời gian vừa qua.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thiết lập và vận hành nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia. Hiện nay có khoảng hơn 200 tổ chức nhà nước và doanh nghiệp đã kết nối chia sẻ dữ liệu với nền tảng này, trung bình, nền tảng này có 3 triệu giao dịch một ngày.
Vì vậy các doanh nghiệp trẻ muốn tìm hiểu về kết nối, chia sẻ dữ liệu để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh có thể liên hệ trực tiếp với Cục Chuyển đổi số quốc gia hoặc lên trang Thông tin điện tử của Cục Chuyển đổi số quốc gia để tìm hiểu quy định, quy trình thủ tục để thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu.
Để kết nối, chia sẻ dữ liệu, các bạn phải đáp ứng một số tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện nhất định ví dụ về bảo đảm an toàn an ninh mạng khi kết nối, hay câu chuyện bảo đảm dữ liệu cá nhân, bảo vệ quyền riêng tư của người sử dụng.
Khi chưa tìm hiểu quy định, quy trình mà các bạn vẫn muốn kết nối dữ liệu thì Bộ Thông tin và Truyền thông thời gian vừa rồi đã cùng các bộ, ngành, địa phương thúc đẩy dữ liệu mở. Hiện nay rất nhiều hộ tịch đã cung cấp dữ liệu mở trên trang dữ liệu mở của địa phương mình, trong đó hai địa phương làm đặc biệt tốt là Đà Nẵng và TPHCM.
Các doanh nghiệp trẻ trước hết có thể lên khai thác ngay dữ liệu mở được các bộ, ngành, địa phương cung cấp mà không cần đáp ứng điều kiện gì.
Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an: Cho phép tôi lược qua quá trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đối với công cuộc chuyển đổi số, trong đó việc rất trung tâm là Đề án 06 về phát triển dữ liệu dân cư phục vụ xác thực định danh và chuyển đổi số tầm nhìn 2025 đến 2030.
Trên thế giới, ở các nước chúng tôi được cho đi nghiên cứu cho thấy kinh nghiệm như chúng ta đã làm trong giai đoạn vừa qua. Trong đó có 6 bước phải rất lưu ý trong quá trình chuyển đổi số cũng như thực hiện Đề án 06.
Thứ nhất, phải có quyết tâm chính trị và nền pháp lý phù hợp, đầy đủ với công cuộc chuyển đổi số. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quan tâm trực tiếp chỉ đạo khi chúng ta xong Dự án Dữ liệu dân cư quốc gia, Dự án Xây dựng, quản lý cấp Căn cước công dân gắn chip điện tử.
Ngày 6/1/2021, Thủ tướng đã có Đề án 06 như tôi đã nêu. Đến ngày 21/12/2023, Thủ tướng đã chủ trì, sơ kết 2 năm thực hiện Đề án 06 và ngày 11/2/2024, Thủ tướng đã ký Chỉ thị số 04/CT-TTg về thực hiện Đề án 06 cho năm 2024 và nhiệm vụ đến năm 2025 với 23 nhiệm vụ rất cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương.
Từ quyết tâm chính trị của người đứng đầu Chính phủ tới các yếu tố pháp lý là chúng ta đã có Luật Giao dịch điện tử, Luật Căn cước, các nghị định về bảo vệ dữ liệu, thông tư về kết nối và chia sẻ dữ liệu. Tiến tới chúng ta tiếp tục xây dựng luật dữ liệu và nâng thông tư bảo vệ dữ liệu lên thành Luật Bảo vệ dữ liệu, chúng ta sẽ từng bước hoàn thành.
Thứ hai, là phải có hạ tầng công nghệ, tức là các thiết bị phần cứng và phải có bộ phần mềm để thực hiện.
Thứ ba, chúng ta phải có dữ liệu vì tất cả mà không có dữ liệu thì sẽ không tạo nên được kết nối, chia sẻ. Ở đây tôi đề nghị các bạn thanh niên lưu ý dữ liệu chia hai nhóm, nhóm thứ nhất là dữ liệu phát sinh hằng ngày của các cơ quan, các địa phương thì được số hóa ngay và nhóm thứ hai là dữ liệu phải số hóa của những hồ sơ giấy trước đây đang lưu trữ. Trong nhóm dữ liệu hồ sơ giấy chia làm hai loại, loại sạch, đủ, chính xác thì sẽ số hóa luôn, loại còn có nhiều vấn đề phải xác minh, bổ sung, sửa đổi thì sẽ làm dần từng bước.
Thứ tư, chúng ta phải có một giải pháp bảo mật. Bảo mật là giải pháp chung, quan trọng nhất là bảo mật chính ở mỗi người, nếu mỗi người không bảo vệ được chính mình thì sẽ không bảo vệ được hệ thống.
Thứ năm, là con người công nghệ, những chuyên gia về công nghệ theo từng lĩnh vực như lĩnh vực về phần mềm, bảo mật, thiết bị và công nghệ. Đấy là những chuyên gia sẽ nghiên cứu, đưa ra giải pháp, nhưng chúng ta đa phần ở đây là con người thụ hưởng công nghệ. Như vậy, chúng ta chia ra hai nhóm, nhóm chuyên gia để sáng tạo và nhóm thụ hưởng để thực hiện.
Thứ sáu, là ngân sách, ngân sách để đầu tư cho các phần như chúng ta nói là thiết bị công nghệ, xây dựng phần mềm, tạo lập, làm giàu dữ liệu.
Sau khi có dữ liệu, hiện nay Việt Nam đã có trên 105 triệu dân. Như vậy thông qua việc xây dựng dữ liệu dân cư với khẩu hiệu "Đúng – Đủ - Sạch – Sống" chúng ta đã có dữ liệu rất chính xác. Chúng ta cũng đã có 89 triệu người đã được định danh và định danh mức độ 2, có trên 75 triệu công dân được cấp Căn cước công dân gắn chip điện tử.
Theo Nghị quyết 175, ngày 30/10/2023, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng trung tâm dữ liệu dân cư quốc gia. Tại đó chúng ta sẽ có 8 luồng dữ liệu sẽ xây dựng đó là dữ liệu dân cư quốc gia, dữ liệu quốc gia về đất đai, đăng ký doanh nghiệp, tài chính, bảo hiểm, cán bộ công chức, thủ tục hành chính, tổng hợp quốc gia.
Trên những nguồn dữ liệu chính như vậy, cùng các dữ liệu chuyên ngành chúng ta phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia, chúng ta sẽ có kết nối, chia sẻ có hiệu quả, chúng ta sẽ tạo dần nên nền văn minh xã hội sau chuyển đổi số, người dân ít phải dùng giấy tờ, ít phải gặp cơ quan công quyền; đồng thời tạo nên nền kinh tế số, phòng chống tội phạm, cụ thể là phòng ngừa tham nhũng vặt, phòng ngừa tội phạm trên không gian mạng.
Chúng tôi đang phấn đấu theo chỉ tiêu Thủ tướng đề ra là đến năm 2025 đứng trong 70 nước là chính phủ điện tử trên thế giới và đến năm 2030 chúng ta sẽ là top 50 nước khai thác hiệu quả chính phủ điện tử.
Phải hoàn thiện, bổ sung những quy định về thủ tục hành chính và chuyển đổi số cho đồng bộ
Bạn Nguyễn Thị Quỳnh Thư, Công chức xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội: Cải cách thủ tục hành chính luôn gắn chặt chẽ với chuyển đổi số. Vậy, xin Thủ tướng Chính phủ cho biết, ngoài yếu tố con người thì Việt Nam có giải pháp như thế nào về thể chế, công nghệ để thực hiện đồng bộ cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số?
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường: Như chúng ta đã biết, Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2021-2030 được phê chuẩn tại Nghị quyết 76 của Chính phủ, trong đó cải cách thủ tục thành chính là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, cùng với đó là việc xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số quốc gia.
Để góp phần đẩy nhanh cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả phục vụ nhân dân, trên thực tế việc cải cách thủ tục hành chính chưa được như ý muốn, còn nhiều tồn tại, việc kết nối cải cách thủ tục hành chính với cơ sở dữ liệu từ chuyển đổi số chưa đồng bộ, do vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc khắc phục tồn tại này.
Song song với các giải pháp như trên, bên cạnh thái độ, tinh thần trách nhiệm của người tiếp nhận hồ sơ tại các cơ quan hành chính thì giải pháp về thể chế và đổi mới công nghệ cũng là giải pháp cực kỳ quan trọng.
Về nội dung bạn hỏi có 2 giải pháp, chúng tôi xin được nói ngắn gọn như sau:
Về thể chế, Chính phủ đã chỉ đạo rất sát việc rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính để làm sao đơn giản, phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp.
Kiên quyết không đưa vào các văn bản quy phạm pháp luật những thủ tục hành chính, nếu thực sự cần thiết đưa vào thì phải đơn giản, dể hiểu.
Thứ hai là đẩy mạnh, sửa đổi các quy định pháp luật về thủ tục hành chính, những cái nào lỗi thời phải lược bỏ.
Thứ ba là phải hoàn thiện, bổ sung những quy định về thủ tục hành chính và chuyển đổi số cho đồng bộ.
Về nội dung chuyển đổi số, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xây dựng cơ sở dữ liệu kết nối với việc triển khai thủ tục hành chính.
Về giải quyết điểm nghẽn trong Đề án 06 thì như vừa rồi đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc đã nói rất rõ. Tôi xin không đề cập đến nữa.
Điều quan trọng nữa là Chính phủ và các bộ, ngành địa phương phải quan tâm đến đầu tư cơ sở vật chất cho giải quyết thủ tục hành chính, đặc biệt là chuyển đổi số.
Có cơ sở dữ liệu lớn thì mới có trí tuệ nhân tạo
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tôi xin trả lời thêm 2 nội dung. Thứ nhất, cơ sở dữ liệu rất quan trọng với chuyển đổi số, có cơ sở dữ liệu lớn thì mới có trí tuệ nhân tạo.
Chính phủ đang thúc đẩy việc này rất tích cực, đã lấy năm 2023 là năm dữ liệu số quốc gia; đang xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia (về dân cư, đất đai, môi trường…) và chỉ đạo việc hoàn thành cơ sở dữ liệu các bộ ngành, địa phương, đồng thời phát động phong trào xây dựng cơ sở dữ liệu của các doanh nghiệp và các chủ thể khác trong xã hội. Các cơ sở dữ liệu này phải kết nối với nhau; tạo thuận lợi cho các chủ thể trong việc khai thác.
Vấn đề thứ hai, cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi, giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp. Để cải cách thủ tục thì có nhiều giải pháp, nhưng hai giải pháp rất cơ bản gồm: Một là cắt giảm tối đa thủ tục hành chính; hai là ứng dụng công nghệ thông tin để người dân và doanh nghiệp đỡ phải tiếp xúc trực tiếp với các cán bộ, cơ quan giải quyết thủ tục.
Giải pháp thứ ba là riêng với vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Những khu vực này bao giờ cũng có thiệt thòi, Đảng Nhà nước luôn quan tâm và khi có chính sách nào mới thì luôn có các chính sách riêng với các khu vực này.
Muốn chuyển đổi số thì phải có sóng và điện, nên Chính phủ tập trung lấp điểm lõm về sóng và điện, dù có tốn kém nhưng cũng phải làm với mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau. Có những cụm dân cư chỉ 3, 4 hộ dân cheo leo trên núi, thì Viettel, VNPT, EVN… và các cơ quan phải kéo điện và sóng. Cùng với đó, phải có ưu tiên về chính sách, đào tạo nhân lực… với vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.
Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia
Trước đó, Bộ Nội vụ đã ban hành kế hoạch tổ chức chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp mặt và đối thoại với thanh niên năm 2024 nhân dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024).
Đối thoại diễn ra vào ngày 26/3/2024 bằng hình thức trực tiếp, nhằm tuyên truyền, phổ biến rộng rãi tới thanh niên những chủ trương, chính sách của Nhà nước về chuyển đổi số quốc gia, phát huy vai trò, trách nhiệm của thanh niên trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Với chủ đề "Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia", cuộc đối thoại của Thủ tướng Phạm Minh Chính với thanh niên sẽ xoay quanh chủ trương, chính sách hiện hành của Nhà nước đối với công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Thủ tướng Chính phủ gặp mặt, biểu dương 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu
Cùng đó là cơ chế, chính sách, nguồn lực của nhà nước trong việc hỗ trợ, phát huy vai trò, trách nhiệm của thanh niên trong việc thực hiện các mục tiêu của Chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Biểu dương sự tham gia, cống hiến của thanh niên tiêu biểu trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ tổ quốc; đồng thời, lắng nghe những kiến nghị, đề xuất của thanh niên và định hướng giải quyết các kiến nghị, đề xuất.
Tham dự chương trình sẽ có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương và khoảng 300 đại biểu thanh niên đại diện cho các khối công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, doanh nhân trẻ, công nhân, học sinh, sinh viên, thanh niên nông thôn, thanh niên đô thị; thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên tín đồ tôn giáo và thanh niên khuyết tật.
Tại chương trình, Thủ tướng Chính phủ sẽ gặp mặt, biểu dương 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu và 10 gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2023./.
Theo baochinhphu.vn