Vừa qua, Bảo tàng tỉnh tổ chức hoạt động ngoại khoá trưng bày “Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Ðầm Dơi - Cái Nước - Chà Là” tại khuôn viên Trường THPT Tân Ðức, huyện Ðầm Dơi. Hơn 400 giáo viên, học sinh trong trường đến tham quan, học tập, trải nghiệm thực tế để bổ sung kiến thức, phục vụ việc giảng dạy và học tập.
Không gian trưng bày tại khuôn viên trường, học sinh chăm chú lắng nghe nhân viên của Bảo tàng tỉnh thuyết minh về sự kiện kỷ niệm 60 năm chiến thắng Ðầm Dơi - Cái Nước - Chà Là. Ðặc biệt, các em rất thích thú khi được tham quan những mảnh vỡ chiếc máy bay do Mỹ chế tạo và sử dụng trong chiến tranh, những khẩu súng trong trận đánh Ðầm Dơi - Cái Nước - Chà Là. Ðây là chiến lợi phẩm của quân, dân ta thu được trong một trận đánh lớn cách đây 60 năm.
Quá trình tham quan, học tập, các em ghi chép rất cẩn thận, tích cực tham gia trả lời nhanh những câu hỏi liên quan đến sự kiện, do thuyết minh viên đặt ra.
Thuyết minh viên của Bảo tàng tỉnh thuyết minh hình ảnh về trận đánh Ðầm Dơi - Cái Nước - Chà Là tại Trường THPT Tân Ðức.
Em Lê Ngọc Hân, lớp 12C2, chia sẻ: “Bảo tàng tỉnh đã trưng bày hình ảnh đất nước và con người Việt Nam hào hùng, về các trận đánh của quân, dân Cà Mau nói chung và trận đánh Ðầm Dơi - Cái Nước - Chà Là nói riêng. Qua đó, chúng em được hiểu thêm trang sử vẻ vang của dân tộc. Những hiểu biết này góp phần bổ sung kiến thức học tập môn Lịch sử của chúng em”.
Em Tạ Phúc Nguyên Chương, lớp 12C1, chia sẻ: “Qua 12 năm học tập, em biết ít nhiều về chiến thắng Ðầm Dơi - Cái Nước - Chà Là, nhưng nay thông qua hoạt động ngoại khoá bổ ích, em hiểu rõ hơn rất nhiều tình tiết hay trong sự kiện lịch sử này”.
Bảo tàng tỉnh Cà Mau trưng bày hiện vật thu được trong trận đánh Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là tại Trường THPT Tân Đức.
Ghi nhận từ giáo viên và học sinh, mọi người đều ủng hộ việc dạy học trực quan thông qua hoạt động ngoại khoá của Bảo tàng tỉnh. Ðây là hình thức học tập, trải nghiệm rất thú vị, khơi gợi được niềm đam mê, tạo động lực để các em học tập và sáng tạo, phát triển kỹ năng, tự ghi chép kiến thức, phát triển trí tuệ và nhân cách. Bên cạnh đó, việc dạy học bằng hình thức trực quan sinh động còn góp phần phát triển một số kỹ năng mềm như: giao tiếp, lắng nghe, trình bày suy nghĩ ý tưởng độc lập sáng tạo, hợp tác, đảm nhận trách nhiệm, đặt mục tiêu, quản lý thời gian, tìm kiếm và xử lý thông tin...
Ông Cao Hồng Lĩnh, Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết thêm: “Trước khi chúng tôi đến để trưng bày hình ảnh, hiện vật, đa số học sinh chưa hiểu về trận đánh này như thế nào. Sau đó, qua phim tư liệu của Bảo tàng tỉnh và qua hướng dẫn, thuyết minh, các em rất phấn khởi, hiểu sâu về lịch sử trận đánh Ðầm Dơi - Cái Nước - Chà Là. Tôi cũng rất mong huyện Ðầm Dơi sẽ tổ chức thêm nhiều buổi ngoại khoá trưng bày, để các em, các trường hiểu được sâu rộng về sự kiện này”.
Nhiều học sinh mong muốn nhà trường tạo điều kiện tham gia nhiều buổi trưng bày trải nghiệm, học tập thực tế nhiều hơn, giúp các em có thêm kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm để góp phần bảo vệ hiện vật, di sản văn hoá, di tích lịch sử kỷ niệm 60 năm chiến thắng Ðầm Dơi - Cái Nước - Chà Là trên địa bàn huyện./.
Trần Danh