(CMO) LTS: Xuất phát từ nhu cầu cần tiền để trang trải cuộc sống; chênh lệch lợi nhuận bán nông sản; nhu cầu việc làm, xuất khẩu lao động lương cao; lòng tham với lợi nhuận từ các hình thức “mua hàng không tốn tiền”; chơi hụi…nhiều người dân vùng nông thôn đến thành thị, cả cán bộ, giáo viên... đã ngậm trái đắng khi bị lừa với số tiền lớn. Thậm chí có trường hợp đánh đổi cả mạng sống, để lại tổn thất, nỗi đau lớn cho người thân, gia đình và xã hội. Cách thức hoạt động của bọn lừa đảo ngày càng tinh vi, xem thường pháp luật. Dù cơ quan chức năng tích cực vào cuộc, song cuộc chiến chống loại tội phạm này vẫn chưa đến hồi kết.
Bài 2: Đánh đổi vì lòng tham
Bài cuối: Gắn mác xuất khẩu lao động để buôn người
Bài 1: Tràm rớt giá còn dính... quả lừa
Câu chuyện về giá tràm thương phẩm giảm mạnh, khó khăn đầu ra, đến những cú lừa từ thương lái mua tràm đã để lại thiệt hại nặng nề về kinh tế của người dân hiền lành, chân chất ở xứ rừng tràm U Minh.
Câu chuyện bị lừa đảo này người dân đành ngậm bồ hòn làm ngọt, vì đa phần không ai trình báo cơ quan chức năng. Trong chuyến công tác thực hiện đề tài tìm hiểu về đời sống của người dân dưới tán rừng, chúng tôi mới "lần" ra sự việc này.
Lái tràm xin nợ rồi quỵt tiền
Hơn 2 năm qua, bà con sống dưới tán rừng U Minh Hạ trong tâm thế đứng ngồi không yên, do tràm đến lứa thu hoạch không bán thì trễ vụ trồng tràm mới, còn bán thì cầm đường lỗ vốn. Chưa dừng lại ở đó, một số bà con còn ngậm đắng khi có bộ phận thương lái lợi dụng tâm lý cần bán tràm, nâng giá cao hơn để cạnh tranh, nhưng trong quá trình thu mua họ kiếm cớ "bẻ kèo", hoặc xin thiếu tiền rồi...biệt tăm.
Người trồng tràm có thêm thu nhập từ nghề gác kèo ong.
Ông Nguyễn Minh Đức, Chi hội trưởng Cựu chiến binh Ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời và nhiều hộ dân nơi đây từng là nạn nhân của thương lái quỵt nợ. Ông Đức, cho biết: Mấy năm nay, bà con nơi đây vướng nhiều cái khổ: Bà con quyết tâm duy trì diện tích trồng tràm truyền thống để giữ ong mật, giữ nguồn đặc sản quý của quê hương. Tuy nhiên, với giá tràm truyền thống hiện nay quá thấp, thương lái không thèm mua, mua thì có 20-30 triệu đồng/ha tràm trồng lan; 40-60 triệu đồng/ha tràm kê liếp; ngần ấy tiền cho 5-7 năm trời ra công chăm sóc thì quá hẹp cho người dân. Đã khổ, khó khăn bà con nơi đây còn bị mắc lừa khi bán tràm cho thương lái xong, chúng hứa 1 đến 2 tháng sẽ trả tiền, rồi biến mất. Vậy là bà con mất cả chì lẫn chài. Trên địa bàn ấp có đến 3 trường hợp bị lừa như thế”.
Ông Lý Khánh Hiệp, Ấp Vồ Dơi, một trong những nạn nhân, chia sẻ: Gia đình tôi có 1,4 ha tràm và tầm 3 công đất trồng hoa màu. Trong thời gian chờ tràm đủ tuổi khai thác, tôi cũng như bà con nơi đây trồng hoa màu, chuối, cá để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống hằng ngày, nhưng những năm gần đây do phải đắp đập giữ nước bảo vệ rừng thì nhiều vụ hoa màu, cây ăn trái bà con bị ngập thất trắng. Vì thế 80% hộ dân nơi đây đã phải bỏ mô hình trồng màu. Thời gian qua, tràm có dấu hiệu rớt giá, thấy lái đến ngã giá 100 triệu/ha, cao hơn so với các thương lái khác nên tôi quyết định bán, nhưng không ngờ xảy ra chuyện.
Ông Lý Khánh Hiệp, Ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời một trong những nạn nhân bị thương lái quỵt tiền mua tràm trên 50 triệu đồng.
"Tin tưởng thương lái làm ăn lâu dài, chắc không dám làm bậy nên tôi cho thiếu 50% số tiền và hẹn trả 15 ngày sau, nhưng không ngờ chúng biệt tâm đến nay. Xem như công sức hàng chục năm trời công cốc, còn lỗ tiền công cải tạo, cây giống. Chúng tôi đã trồng dặm lại cây tràm hơn 2 năm tuổi, nhưng tình hình giá tràm thương phẩm hiện nay còn tệ hơn rất nhiều so với trước". Ông Hiệp cho biết thêm.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Giới, 71 tuổi, tại ấp 4, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời cũng từng là nạn nhân. Ông Giới, cho biết: Tháng 7/2021 thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, tràm đến lứa thu hoạch, thương lái đến thương lượng mua giá 45 triệu/ha, tương đương 180 triệu/4 ha, tuy nhiên lái đốn khoảng 2/3 diện tích và chỉ trả 80 triệu rồi bỏ ngang, không khai thác nữa. Quy ra số tiền lái tràm còn nợ lại hơn 30 triệu đồng, mất liên lạc đến nay. 30 triệu đối với chúng tôi tính ra bằng 10 công tràm, sau 5 -7 năm chăm sóc.
Kiếm cớ "bẻ kèo"
Đầu năm 2023, bà Huỳnh Hồng Diệu, Ấp Tân Phú, xã Tạ An Khương, huyện Đầm Dơi gọi điện thông tin và dẫn chúng tôi đến phần đất rừng tại Ấp 14, xã Khánh Thuận, huyện U Minh để xác minh vụ việc: Bà bị thương lái tràm kiện, gán cho tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong khi chính họ có hành vi lừa đảo.
Được biết, diện tích đất của bà Diệu thể hiện trên sổ đỏ gần 11 ha, thương lái tự khảo sát, đo đạc, rồi thống nhất ký hợp đồng mua 7 ha tràm thương phẩm, với giá 150 triệu/ha, thời gian khai thác 18 tháng, đến tháng 5/2021 âm lịch thì trả đất. Tuy nhiên, đến hạn nhưng thương lái vẫn chưa hoàn thành khai thác, kiếm cớ nói rằng đất bà Diệu thiếu diện tích 1 ha, đòi phía bà Diệu thoả thuận bồi thường ngược lại cho lái trên 290 triệu đồng.
Đất rừng của bà Diệu còn 4 công thương lái bỏ lại, trong khi diện tích đã khai thác chị trồng tràm mới đến nay hơn 1 năm tuổi.
Bà Diệu không đồng ý nên phía thương lái bỏ phần diện tích tràm còn lại, không khai thác nữa. Đợi đến hết hạn hợp đồng, thậm chí lố qua hơn 3 tháng, bà Diệu hối thúc việc khai thác nhưng thương lái vẫn lặng im, đành gọi lái khác bán diện tích tràm còn lại để trồng tràm mới thì phía thương lái cũ gửi đơn kiện, quy cho bà Diệu tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bà Diệu, cho biết: Về mặt pháp lý, tôi đã làm đúng quy trình, hợp đồng nên tôi quyết “cương” đến cùng. Trong quá trình thụ án, điều tra, có bộ phận đo đạc đến thẩm định lại diện tích rừng tràm của tôi, khi biết diện tích thực không thiếu, thậm chí dư nên phía thương lái âm thầm huỷ đơn tố cáo, Toà án có quyết định đình chỉ án và phía thương lái cũng lặng thinh đến nay.
Chị Nguyễn Hồng Thắm, Ấp 4, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời cho biết: Khoảng cuối năm 2021, thời điểm ảnh hưởng dịch Covid-19 đến nay, bà con trồng tràm đối mặt nhiều khó khăn. Tràm đến lứa thu hoạch, giá cao - thấp thế nào bà con cũng phải bán để kịp trồng vụ mới. Thời điểm đó, tôi có 4 ha tràm đến lứa thu hoạch, nhưng thương lái đo đạc, ép xuống còn 1,7 ha, với giá 40 triệu/ha, công cán 5 năm trời chỉ thu về hơn 70 triệu đồng, trừ tiền thiết kế trên 20 triệu, cây giống trên 20 triệu, tiền thuê nhân công trồng tràm nữa thì gần như trắng tay.
Ông Lê Văn Tràm, Trưởng ấp 4, xã Khánh Bình Tây Bắc, cho biết: Khoảng 2 năm trở lại đây, đời sống bà con dưới tán rừng trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, điều đáng nói là hộ gia đình có đất sản xuất tầm 3 ha/hộ vẫn không đảm bảo đời sống, mặc dù bà con đã rất cố gắng làm ăn. Tính nhẫm 3 ha thì có 1 ha trồng tràm, trồng trên 4 năm chỉ bán được trên 40 triệu đồng, phần còn lại bà con cải tạo trồng chuối, hoa màu, nay chuối cũng giảm sâu, giá chỉ còn 1.000-1.500 đồng/kg; trồng lúa gặp tình trạng ngập úng, nhiễm phèn, vụ hè thu rồi bà con thất trắng…Nắm bắt tâm lý cần tiền tran trải cuộc sống, nhiều hình thức lừa đảo xảy ra và cũng không ít bà con mắc bẫy, trong đó có việc thương lái lừa đảo mua tràm.
Bà Diệu có đầy đủ giấy tờ và bằng chứng trình bày với báo chí phản ánh trên phương tiện đại chúng, để bà con tránh tình trạng bị lừa đảo.
Ông Nguyễn Phương Nam, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ, cho biết: Thời gian qua, thông qua phản ánh người dân, trên địa bàn xuất hiện tình trạng một số công ty, thương lái mua tràm hoạt động có tính chất lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, người dân thiếu am hiểu về pháp luật, giao kết thiếu chặt chẽ, tạo kẽ hở cho thương lái lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
"Cụ thể: Khi thực hiện hợp đồng, thương lái cho người dân ứng trước một phần tiền,sau đó họ chọn khu vực rừng tốt nhất để khai thác trước. Khi thấy có nguy cơ rủi ro, lỗ lả thương lái rút, dẫn đến các trường hợp tranh chấp hợp đồng; hoặc xin thiếu một phần nợ rồi quỵt luôn số tiền còn lại, phần nhiều hộ dân thua thiệt. Trước tình hình trên, công ty đã tập trung hỗ trợ, tư vấn, khuyến cáo rộng rãi cho người dân trên đất lâm phần, nếu cần thiết công ty sẽ giới thiệu hoặc bà con uỷ quyền để công ty lựa chọn thương lái uy tín, cân nhắc những điều khoản trước khi ký hợp đồng, giúp bà con an tâm sản xuất, tránh rủi ro đáng tiếc xảy ra như trước đây”. Ông Nam cho biết thêm.
Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Cà Mau có trao đổi với ông Nguyễn Văn Sử, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện U Minh. Ông Sử cho biết: Huyện U Minh hiện có tổng diện tích đất lâm nghiệp trên 43.000 ha, với 580 hộ gia đình, cá nhân được giao đất, giao rừng theo Nghị định số 43/2014/NĐ-CP. Hiện nay, việc kết nối tiêu thụ sản phẩm như mua, bán cây gỗ còn gặp rất nhiều khó khăn, giá cây tràm hiện nay giảm do cung vượt cầu nên khó tiêu thụ được sản phẩm; việc vận chuyển hàng hoá đa phần bằng đường thuỷ (tàu nhỏ) nên dẫn đến tăng giá thành, giảm lợi nhuận. Từ đó gây rất nhiều khó khăn về kinh tế cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trồng rừng và sinh sống bằng nghề rừng. Đây có thể là cơ hội để một bộ phận thương lái ép giá, có hành vi lừa đảo, gây khó cho bà con xảy ra thời gian qua.
“Tuy nhiên, đa phần các vụ việc liên quan đến thương lái lừa đảo, gian lận trong mua bán rừng tràm bà con không trình báo nên đơn vị chưa có cơ sở lần ra manh mối để xử lý. Mong bà con mạnh dạn trình báo, nhờ sự can thiệp của ngành chức năng, chính quyền địa phương để xử lý kịp thời, có tính răn đe và thông tin phổ biến để mọi người cùng đề phòng, tránh thiệt hại đáng tiếc”. Ông Sử cho biết thêm./.
Loan Phương