(CMO) Mạng xã hội có nhiều tiện ích, song chúng cũng là môi trường lý tưởng để các đối tượng tội phạm lợi dụng lừa đảo. Với nhiều chiêu trò tinh vi, biến hoá liên tục, khó lường, đánh vào lòng tham, nhu cầu thiết thực khiến cho nhiều nạn nhân "sập bẫy" nhanh chóng, để lại tổn thất nặng nề cả về vật chất, lẫn tinh thần.
Bài 1: Tràm rớt giá còn dính... quả lừa
Bài cuối: Gắn mác xuất khẩu lao động để buôn người
Người ngoại quốc ảo, lừa tiền thật
Dù sự việc đã trôi qua, nhưng tổn thất để lại rất lớn đối với gia đình chị TTN, 46 tuổi, xã Ngọc Chánh, huyện Đầm Dơi. Chỉ vì nhẹ dạ, tin theo những dòng tin nhắn, với lời lẽ ngọt ngào của người đàn ông nước ngoài, quen qua Faebook, trong vòng 2 tuần, chị N bị lừa mất 850 triệu đồng.
Chân dung người ngoại quốc ảo lừa đảo thành công em ĐMA 43 triệu đồng.
Theo lời chị N, thời điểm đó, vợ chồng ly thân, công việc làm ăn thua lỗ, tâm trạng buồn, không ổn định, nên khi nhận được những lời chia sẻ, động viên, hứa sẽ chuyển tiền để giúp chị đầu tư kinh doanh trở lại nên chị N đã nhẹ dạ, tin tưởng mà không tham khảo ý kiến với bất kỳ ai. Với hình thức gửi tiền, quà về sân bay, có nhân viên sân bay gọi ra nhận quà, đóng phí, chị N chuyển 5 lần phí, tổng cộng 850 triệu đồng.
“Thời điểm đó, việc lừa đảo hình thức này chưa phổ biến, thiếu thông tin nên tôi đã sụp bẫy, để lại tổn thất nặng nề cả về vật chất lẫn tinh thần, thậm chí tôi đã từng nghĩ quẫn. Nhờ người thân động viên, hỗ trợ nên tôi mới có thể vượt qua giai đoạn khủng hoảng tinh thần trầm trọng thời điểm đó, bởi số tiền mất đi quá lớn, tôi cố gắng gượng dậy làm đủ thứ việc nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục hết hậu quả”, chị N thông tin.
Tương tự, trường hợp của em ĐMA, sinh năm 1995, Ấp Xóm Lá, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình cũng là nạn nhân khi làm quen với một người nước ngoài qua faebook. Em A trần tình: "Thời điểm tháng 3 năm nay, em có kết bạn với một người nước ngoài, nhắn tin hỏi thăm công việc hiện tại và gia đình và họ hứa đầu tư vốn để em mở cửa hàng kinh doanh, thay vì mua bán online như hiện tại, nhưng em từ chối vì suy nghĩ không ai cho không ai bao giờ và có sự cảnh giác”.
Không ngờ họ tìm số điện thoại, địa chỉ trên kênh bán hàng online của A rồi đối tượng lừa đảo đã chuyển quà về sau đó. A nhận được cuộc điện thoại số lạ bảo là nhân viên giao hàng, nói có người gửi quà tặng có giá trị rất lớn, nhưng A từ chối nhận vì sợ bị lừa đảo. Dù có sự cảnh giác, A còn trình bày sự việc với chồng và người thân, nhưng không hiểu sau khi chồng A gọi lại số điện thoại người xưng nhân viên giao hàng để xác minh vụ việc, thì chồng của A cũng tin theo và cả 2 vợ chồng đồng lòng lấy hết tiền dành dụm và vay thêm trên 20 triệu đồng để chuyển cho đối tượng. Tuy nhiên, vợ chồng A chuyển tiền đến lượt thứ 3, số tiền 43 triệu đồng nhưng đối tượng tiếp tục yêu cầu chuyển thêm 30 triệu đồng nữa, vợ chồng A nói không còn khả năng tài chính thì đối tượng khiêu khích, nói những lời khó nghe...Khi ấy, vợ chồng A mới biết mình bị lừa và trình báo sự việc đến Công an.
Tiền làm cả đời, mất sạch trong phút chốc
Dù trên các phương tiện thông tin đại chúng, cũng như ngành Công an đã cảnh báo bằng nhiều hình thức, song với nhiều chiêu trò lừa đảo mới, tinh vi, cùng với lòng tham của người trong cuộc dẫn đến nhiều trường hợp vướng bẫy. Có nhiều nạn nhân gần như trút sạch tiền dành dùm cả đời, thậm chí vay nóng để đáp ứng theo yêu cầu đối tượng lừa đảo.
Chị NTB, xã Tân Hưng, huyện Cái Nước, đã gửi đơn trình báo sự việc đến Công an tỉnh Cà Mau cách nay 2 tuần về việc chị đã nhẹ dạ, nghe theo hướng dẫn của người lạ trên mạng xã hội, dẫn đến bị lừa đảo với số tiền gần 700 triệu đồng.
Vì sự hám lợi mù quáng mà nạn nhân chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo.
Gia đình chị B kinh doanh mua bán, kinh tế tương đối ổn định, tuy nhiên một lần lướt faebook thấy dòng tin quảng cáo, giới thiệu việc làm hấp dẫn, thu nhập 300-500 ngàn đồng/ngày và chỉ cần bấm hoàn thành nhiệm vụ. Thấy vậy, chị tìm hiểu thì được giới thiệu kết bạn zalo với người lạ. Qua trao đổi thì tuyển chị B làm quản lý trang bán hàng Lazada, trong trang bán hàng, chị nạp tiền càng nhiều để mua sản phẩm và hoàn thành nhiệm vụ theo yêu cầu thì lợi nhuận sẽ tăng theo số tiền và sản phẩm đầu tư. Theo đà đó, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần, chị B đã nạp số tiền lên đến gần 700 triệu đồng, trong đó 50% số tiền chị đi hỏi mượn người thân, bạn bè. Sau khi lừa được số tiền lớn và chị N không còn khả năng chuyển thêm thì đối tượng khoá zalo, khoá sim, ngắt kết nối. Vì sợ mọi người biết, ảnh hưởng đến công việc nên chị B giấu nhẹm thời gian dài và chỉ báo Công an khi chị bức bối, điều này vô tình tiếp tay để bọn lừa đảo tiếp tục lừa thêm nạn nhân khác.
Dễ dàng tìm gặp những lời chào mời hấp dẫn "việc nhẹ lương cao" trên các trang mạng xã hội.
Thượng tá Nguyễn Chí Quảng, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh, cho biết: Đa số các tài khoản ngân hàng này do các đối tượng sử dụng giấy tờ giả để mở, hoặc thuê, mướn người mở tài khoản. Sau khi chiếm đoạt được tài sản của bị hại, ngay lập tức các đối tượng chuyển tiền qua nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau và đứt đuôi. Do đó, ngành Công an khuyến cáo đối với người dân trong việc nâng cao tinh thần cảnh giác đối với các hình thức lừa đảo nêu trên và tích cực tham gia tố giác tội phạm. Không công khai các thông tin cá nhân như ngày tháng năm sinh, số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng lên các trang mạng xã hội để tránh các đối tượng lợi dụng khai thác, sử dụng thủ đoạn lừa đảo. Cảnh giác những thông báo nhận thưởng qua mạng và các yêu cầu nạp tiền thẻ điện thoại hoặc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để làm thủ tục nhận thưởng. Tìm hiểu kỹ thông tin khi kết bạn với những người lạ trên mạng xã hội, đặc biệt là những lời hứa hẹn cho tặng số tiền lớn, những món quà đắt tiền. Không cung cấp mã OTP ngân hàng cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng, nhân viên nhà mạng, cơ quan Công an. Không tham gia đầu tư vào các sàn chứng khoán, tiền ảo sinh lời khi không hiểu biết về công nghệ thông tin.
“Đề nghị người dân cảnh giác, nâng cao ý thức tự phòng, tự giữ gìn, bảo vệ tài sản. Không nên tin vào các chiêu trò, các tin nhắn mang lại lợi ích, tin nhắn đe dọa của các đối tượng hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khi gặp các thủ đoạn tương tự, thông báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Cà Mau (điện thoại 0693809016) để vào cuộc kịp thời, tránh thiệt hại về vật chất lẫn tinh thần oan uổng. Thượng tá Nguyễn Chí Quảng, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh khuyến cáo.
Thông tin từ Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh, thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn diễn biến phức tạp, với thủ đoạn tinh vi, xảy ra tại nhiều địa phương, trên nhiều lĩnh vực và đặc biệt là lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng có chiều hướng gia tăng. Trong 5 tháng đầu năm nay, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh đã tiếp nhận xác minh 7 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội, tổng số tiền thiệt hại hơn 5 tỷ đồng. Trong số đó, thủ đoạn phổ biến là giả danh các công ty, sàn thương mại điện tử tuyển dụng người làm việc tại nhà, lừa bị hại chuyển tiền làm nhiệm vụ để được hưởng hoa hồng (5 vụ); giả danh cơ quan Công an, Viện kiểm sát thông báo bị hại có liên quan vụ án đang điều tra, yêu cầu bị hại nộp tiền để bảo lãnh, không bị tạm giam (2 vụ). Điều đáng lưu ý là các hình thức lừa đảo ngày càng tinh vi, có sự tính toán, đánh trúng tâm lý nạn nhân, vì thế nhiều vụ lừa đảo thành công, để lại hậu quả nặng nề.
Bài cuối: Gắn mác xuất khẩu lao động hóa buôn người
Loan Phương