Ngày 22/11, UBND huyện Năm Căn tổ chức Lễ đón nhận bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh “Trận đánh bao vây bức rút Chi khu Năm Căn, năm 1968”. Đến dự có đồng chí Hồ Trung Việt, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Tiêu Minh Tiên, Phó giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, đề nghị: “Chính quyền cùng các tổ chức, đoàn thể địa phương quan tâm, chú trọng công tác tuyên truyền, quảng bá giá trị lịch sử, văn hoá của di tích đến Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, để di tích trở thành địa điểm quan trọng trong công tác giáo dục về đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và truyền thống cách mạng của quân dân Cà Mau. Cần có những hành động phối hợp thiết thực giữa các đơn vị, tổ chức, đoàn thể nhằm tôn tạo, phát huy giá trị di tích, để di tích trở thành điểm sáng tại địa phương, nơi thu hút, diễn ra các hoạt động xã hội và sinh hoạt chính trị của địa phương”.
Ông Tiêu Minh Tiên, Phó giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch trao bằng xếp hạng di tích cho lãnh đạo huyện Năm Căn.
Thực hiện kế hoạch Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 của tỉnh, huyện Duyên Hải (nay là địa bàn huyện Năm Căn) hạ quyết tâm bao vây bức rút Chi khu Năm Căn - một cứ điểm quan trọng của địch trên địa bàn huyện, nhằm kéo căng lực lượng của địch, không để địch điều quân chi viện, tạo điều kiện thuận lợi để lực lượng ta tiến công vào thị xã Cà Mau.
Để thực hiện bao vây bức rút Chi khu Năm Căn, Huyện uỷ Duyên Hải lúc bấy giờ đã thành lập Ban Chỉ huy tiền phương. Huyện đội phân công lực lượng thực hiện, phối hợp cùng du kích các xã hợp đồng chiến đấu, luân phiên chốt giữ các mũi chiến hào. Các ngành, đoàn thể cấp huyện, các xã huy động luân phiên hàng ngàn lượt dân công cùng bộ đội đào chiến hào, công sự và xây dựng lán trại, trạm cứu thương, kho dã chiến để bao vây tấn công địch. Các mẹ và chị em phụ nữ được huy động làm công tác bảo đảm hậu cần, tiếp tế, cứu thương. Công tác chuẩn bị về vũ khí, đạn dược và lương thực, thực phẩm được nhanh chóng chuyển ra tiền tuyến với khẩu hiệu “Tất cả để chiến thắng!”, “Tất cả để giải phóng Năm Căn!”.
Sau 3 tháng bao vây đánh lấn, với sự phối hợp của các lực lượng, Chi khu Năm Căn đã bị san bằng. Lực lượng của ta đã đào hàng ngàn mét khối đất với 3 mũi chiến hào dài hàng ngàn mét, xây đắp 132 công sự, chiến hào và hầm tránh phi pháo; xây dựng nhiều trận địa, bãi lửa, gài hơn 700 lựu đạn, trái nổ; cắm hơn 28.000 mũi chông đước, cọc chống trực thăng. Lực lượng bao vây tác chiến hàng chục trận lớn nhỏ, bức rút đồn Ông Quyến, tiêu diệt 2 đồn kinh Xáng Cụt và đồn Cầu Sắt, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 200 tên địch, thu hơn 100 súng các loại và quân trang, quân dụng.
Dịp này, huyện Năm Căn trao 59 phần quà cho hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn.
Với chiến thuật chiến tranh du kích Nhân dân kết hợp với binh vận, quân dân huyện Duyên Hải đã nổi dậy đánh lấn bao vây bức rút giải phóng Chi khu Năm Căn, góp phần giải phóng huyện Duyên Hải, cũng là huyện được giải phóng đầu tiên của Cà Mau vào năm 1968. Chiến thắng này giúp ta lưu thông tuyến đường thuỷ quan trọng trên sông Cửa Lớn (sông Năm Căn), mở rộng vùng hoạt động cách mạng, tạo điều kiện thuận lợi cho Trung đoàn 962 thực hiện các hoạt động tiếp nhận vũ khí được vận chuyển từ tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển, bảo quản, vận chuyển vũ khí cho chiến trường, góp phần quan trọng cho các chiến thắng của quân dân ta ở khu vực Tây Nam Bộ.
Đây là chiến công lớn của quân và dân Cà Mau, góp phần phát triển phong trào bao vây đánh lấn, bức rút các chi khu của địch, một sáng tạo trong nghệ thuật quân sự của quân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Địa điểm Trận đánh bao vây bức rút Chi khu Năm Căn, năm 1968 là nơi ghi nhớ công lao, tinh thần đấu tranh anh dũng, sáng tạo của quân dân Cà Mau trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Với ý nghĩa lịch sử quan trọng đó, ngày 21/9/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành Quyết định số 1691/QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đối với “Trận đánh bao vây bức rút Chi khu Năm Căn, năm 1968”. Việc xếp hạng di tích là bước đi có ý nghĩa đặc biệt cho các hoạt động quản lý, trùng tu và phát huy giá trị di tích về sau; làm nền tảng để các ngành chức năng đưa di sản văn hóa đi vào đời sống cộng đồng, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.
Huỳnh Thăng