(CMO) Hiện nay, tình trạng quấy rối đường dây nóng, như nhá máy, trêu chọc, thông tin sai sự thật... vẫn còn diễn ra. Theo quy định của pháp luật, đây là hành động vi phạm và đã có những chế tài cụ thể, mức xử phạt vi phạm hành chính có thể lên đến 20 triệu đồng.
Đường dây nóng được thiết lập nhằm thu thập và xử lý nhanh những tình huống xảy ra trong cuộc sống. (Ảnh minh hoạ). |
Để đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước trong tình hình mới, nâng cao năng lực hoạt động chuyên môn, góp phần tăng tính phục vụ người dân, từ Trung ương đến địa phương đã công bố khá nhiều đường dây nóng. Thông qua đây nhằm mục đích thu thập thông tin, tiếp nhận thông tin một cách nhanh để kịp thời xử lý và có biện pháp xử lý các tình huống, sự việc xảy ra trong cuộc sống. Từ đường dây nóng, các ngành, đơn vị nắm bắt tình hình hoạt động chuyên môn, từ đó có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh khi cần thiết.
Thế nhưng, vấn đề tồn tại từ lâu đến nay vẫn chưa thể gỡ nút thắt là tình trạng quấy rối, đùa cợt trên đường dây nóng. Như trước đây, trước tâm dịch Covid-19, lượt người nhiễm và cần hỗ trợ tăng cao. Trong khi đó, lực lượng cộng tác viên y tế ở cơ sở hạn chế, tỉnh Cà Mau cũng đã công bố đường dây nóng nhằm tiếp nhận thông tin từ dịch bệnh, chăm sóc y tế đến các chính sách hỗ trợ. Đường dây nóng đã tạo hiệu ứng tích cực trong cộng đồng, cũng như nhận được sự đồng thuận cao trong dân. Bên cạnh mặt tích cực thì việc báo tin giả, quậy phá diễn ra khá phổ biến.
Một bác sĩ trực đường dây nóng chia sẻ, đối với đường dây nóng 1022 hỗ trợ phòng chống dịch tại địa phương, ngành được giao nhiệm vụ trực 24/24 để tiếp nhận thông tin và hướng dẫn chăm sóc y tế cho người dân. Hàng chục cuộc gọi nhận hàng ngay, thế nhưng, không phải cuộc gọi nào cũng có giá trị. Rất nhiều cuộc gọi mang tính chất nhá máy, thậm chí nhá máy nhiều lần, buông lời dung tục, gọi nhưng không lên tiếng... Việc này làm ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn của nhân viên trực đường dây, ảnh hưởng đến chất lượng đường dây nóng khi được công bố công khai.
Bác sĩ Lâm Văn Từng, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau, cho biết, hệ thống thực hiện tiếp nhận yêu cầu cấp cứu từ đầu số 115 có nhiệm vụ điều phối, theo dõi, giám sát mạng lưới cấp cứu trên địa bàn tỉnh, đáp ứng nhu cầu cấp cứu phục vụ người dân, xác định các ê-kíp trực cấp cứu gần hiện trường nhất để nhanh chóng hỗ trợ người dân. Thế nhưng, tình trạng quấy rối, cung cấp tin giả vẫn còn diễn ra. Hàng ngày cuộc gọi phá, quấy rối rất nhiều, tuy đã nhiều lần phản ánh song chưa được khắc phục. Việc này đã làm ảnh hưởng đến công tác cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn tỉnh.
Qua tìm hiểu của phóng viên, không khác với Tổng đài 115, thời gian qua, Tổng đài Cảnh sát phản ứng nhanh 113 và Tổng đài báo cháy, cứu nạn cứu hộ 114 của Công an tỉnh cũng thường xuyên nhận những cuộc gọi mang tính chất quấy rối, trêu đùa của nhiều đối tượng. Hành vi này đã làm nhiễu loạn thông tin, gây ảnh hưởng đến công tác điều động lực lượng khi có sự vụ, sự việc xảy ra.
Luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho biết, mỗi địa phương đều có quy định về đường dây nóng và hướng xử lý thông tin tiếp nhận qua đường dây nóng. Việc cung cấp thông tin không đúng sự thật qua đường dây nóng và có hành vi vi phạm pháp luật thì đều bị xử lý.
Cụ thể, theo điểm b, Khoản 2, Điều 2 và điểm a, Khoản 3, Điều 40, Nghị định 167/2013, hành vi báo thông tin giả đến các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ bị phạt tiền 500.000-1.000.000 đồng; báo cháy giả bị phạt 2.000.000-5.000.000 đồng.
Hơn nữa, điểm g, Khoản 3, Điều 66, Nghị định số 174/2013 cho phép phạt 10.000.000-20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe doạ, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.
Người có hành vi thường xuyên gọi điện chọc phá các số điện thoại khẩn cấp: 113, 114, 115 cần phải xử lý nghiêm vì cản trở hoạt động nghiệp vụ của các cơ quan chức năng. Việc xử lý hiện nay vẫn chỉ là xử phạt vi phạm hành chính mà chưa có quy định để xử lý bằng biện pháp hình sự.
"Về trách nhiệm hình sự, Bộ luật Hình sự 2015 chưa có quy định tội danh cụ thể đối với hành vi này. Tuy nhiên, đối với hành vi liên tục gọi điện quấy nhiễu đến các đường dây nóng, làm cản trở hoạt động của người thi hành công vụ thì có thể bị xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chống người thi hành công vụ theo quy định tại Điều 330, Bộ luật Hình sự 2015", luật sư Tuấn cho biết thêm./.
Văn Đum