(CMO) Người cao tuổi (NCT) không chỉ là chỗ dựa tinh thần trong mỗi gia đình mà còn có những đóng góp tích cực trong mọi mặt của đời sống xã hội.
Tỉnh Cà Mau hiện có gần 107.000 hội viên trực thuộc cơ sở hội, chi hội, tổ hội NCT (chiếm hơn 91% NCT trong tỉnh). Những năm qua, nêu cao tinh thần tuổi cao - gương sáng, bằng tâm huyết và sự tận tuỵ, các hội viên NCT đã tích cực hưởng ứng các phong trào ở địa phương, như lao động sản xuất giỏi, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hoá khu dân cư… Ðồng thời, tham gia xây dựng Ðảng, chính quyền, hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, góp phần giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương.
Phát huy vai trò của NCT trong sự nghiệp cách mạng, Ðảng, Nhà nước cũng như tỉnh Cà Mau đã có nhiều chính sách bảo vệ, giúp đỡ, chăm sóc NCT, trong đó có chính sách trợ giúp pháp lý (TGPL).
Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động TGPL cho NCT, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chính sách TGPL cho NCT, NCT có khó khăn về tài chính giai đoạn 2022-2030 trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Theo đó, yêu cầu truyền thông về TGPL sâu rộng đến cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân; nội dung và hình thức truyền thông phải phù hợp với từng địa phương, từng nhóm đối tượng đảm bảo sự đồng đều trong nhận thức và tiếp thu pháp luật các chính sách đối với NCT và Luật NCT.
Thực hiện theo kế hoạch của UBND tỉnh, Sở Tư pháp đã chỉ đạo Trung tâm TGPL Nhà nước phối hợp với các sở, ban, ngành đẩy mạnh truyền thông về hoạt động TGPL và quyền được TGPL của NCT trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức điểm truyền thông TGPL lồng ghép với các chương trình, đề án khác tại các xã, phường, thị trấn nơi NCT sinh sống.
Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội trong hoạt động truyền thông để tăng cường khả năng tiếp cận TGPL cho NCT, đồng thời biên soạn và phát hành các tài liệu truyền thông có nội dụng về chính sách TGPL và quyền được TGPL của NCT cho các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng…
Ông Nguyễn Minh Hoằng, Chủ tịch Hội NCT xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, cho biết: “Thời gian qua, chính sách TGPL cho người dân nói chung, NCT nói riêng, được Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh, trợ giúp viên pháp lý phụ trách địa bàn huyện phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền thường xuyên. Theo đó, Hội NCT ở xã đã phổ biến, vận động các hội viên trong các cuộc họp của Hội NCT, đồng thời tích cực tư vấn để các hội viên nâng cao nhận thức về chính sách TGPL. Bởi, NCT luôn là tấm gương sáng trong xây dựng đời sống văn hoá, ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền, ở mỗi gia đình và cũng là người có uy tín trong cộng đồng”.
Không chỉ đẩy mạnh truyền thông, Trung tâm TGPL Nhà nước thực hiện tốt chức năng, cung cấp dịch vụ với các hình thức, như tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện về tố tụng… để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho NCT. Qua từng vụ việc cụ thể, người được TGPL cũng đã tuyên truyền trong người thân về thông tin dịch vụ TGPL, tăng cường khả năng tiếp cận TGPL trong NCT.
Ông Trần Hoàng Oanh (sinh năm 1956, ngụ Phường 8, TP Cà Mau), trần tình: “Năm 2017, tôi có thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDÐ) cho ông Võ Minh L (ngụ cùng phường) để vay số tiền 130 triệu đồng. Song, ông L yêu cầu tôi phải làm hợp đồng chuyển nhượng QSDÐ thì mới cho vay, khi nào tôi có khả năng trả nợ thì ông L sẽ huỷ hợp đồng và trả lại giấy CNQSDÐ. Do gia đình đang gặp khó nên tôi đồng ý".
Vợ chồng ông Trần Hoàng Oanh trình bày sự việc với trợ giúp viên pháp lý. |
Tuy nhiên, sau đó ông L đã tự ý làm thủ tục chuyển tên giấy CNQSDÐ của ông Oanh sang tên mình. Năm 2020, ông L viết giấy xác nhận cho vợ chồng ông Phùng Văn C và bà Lê Thị T (ngụ cùng phường) thuê căn nhà nhằm hợp thức hoá số tiền lãi của ông Oanh.
Ðến tháng 6/2021, ông L đã đệ đơn đến Toà án Nhân dân TP Cà Mau yêu cầu xem xét giải quyết cho ông chấm dứt việc cho thuê nhà đối với Phùng Văn C và bà Lê Thị T, đồng thời buộc ông Oanh phải trả đất cho ông. Thực tế thì ông L chuyển tên giấy CNQSDÐ lúc nào ông Oanh không biết và từ khi vay tiền đến nay gia đình ông Oanh vẫn ở tại nhà của mình.
“Bản thân là thương binh, bệnh tật, kiến thức pháp luật giới hạn nên bị dính vào kiện tụng tôi ăn ngủ không yên. May nhờ cán bộ toà án giới thiệu, tôi tìm đến Trung tâm TGPL Nhà nước và được trợ giúp viên pháp lý tận tình hướng dẫn thủ tục và tham gia bào chữa, toà đã xem xét trả lại quyền lợi chính đáng cho tôi. Qua vụ việc này, phần nào đã giúp tôi hiểu biết pháp luật và sẽ phổ biến đến người thân, bạn bè chính sách TGPL”, ông Oanh bộc bạch.
Theo ông Ngô Ðức Bính, Phó giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Cà Mau, trung tâm sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho NCT để nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật nói chung, trong đó có pháp luật về TGPL.
NCT phần đông đi lại khó khăn nên hoạt động TGPL cho đối tượng này phải được quan tâm đặc biệt. Trung tâm chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng cho đội ngũ TGPL trên địa bàn tỉnh. Bởi, người thực hiện TGPL phải có kiến thức TGPL đặc thù cho NCT, NCT có khó khăn về tài chính. Từ đó, mới nâng cao chất lượng thực hiện TGPL cho các vụ việc, nhất là hình thức tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng gắn liền với đại diện ngoài tố tụng. Và, thông qua hoạt động TGPL tại cơ sở cũng giúp chính quyền địa phương nâng cao tiêu chí xây dựng nông thôn mới trong kiến thức pháp luật của NCT”./.
Mỹ Pha - Hữu Nghĩa