ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 4-7-25 16:30:33
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Chủ động thích ứng trước thiên tai ngày càng cực đoan

Báo Cà Mau Có đường bờ biển dài là lợi thế để tỉnh phát triển kinh tế cả trên lĩnh vực khai thác, nuôi trồng cho đến du lịch; năng lượng tái tạo và dầu khí cũng như hàng hải... Tuy nhiên, đây cũng là áp lực không nhỏ trong phòng tránh và giảm thiểu thiệt hại đến từ các loại hình thiên tai, nhất là vào mùa mưa bão như hiện nay.

Là một trong số các tỉnh phải đối mặt với nhiều loại hình thiên tai, vùng ven biển Cà Mau thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề, gây thiệt hại đáng kể về người và kinh tế. Bão, nước dâng, sóng lớn, triều cường, xói lở bờ biển, là những gì mà người dân sinh sống ở khu vực ven biển phải hứng chịu và tìm cách thích ứng hàng năm. Trong đó, khi xảy ra bão thường kèm theo nước triều dâng và mưa lớn, gió mạnh... được coi là một trong các loại hình thiên tai có nguy cơ gây rủi ro cho tất cả các vùng ven biển, thậm chí nội đồng của tỉnh.

Vụ lúa hè thu thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi các loại hình thời tiết cực đoan và thiên tai.

Thiên tai phức tạp, thiệt hại nối tiếp

Còn nhớ, đợt mưa lớn kết hợp với triều cường xảy ra từ ngày 2-7/10/2023 trên địa bàn tỉnh làm cho hơn 22.000 ha lúa, 172 ha rau màu và nhiều ha cây ăn trái bị ngập. Ngoài ra, còn có hơn 423 nhà dân và rất nhiều tuyến đường từ nội ô cho đến nông thôn xảy ra ngập lụt cục bộ. Hay như đợt mưa lớn, dông lốc, kèm triều cường dâng cao xảy ra từ ngày 3-13/7/2022, làm 1 phương tiện khai thác thuỷ sản bị chìm; sập và tốc mái gần 1.100 căn nhà và 33 công trình như: nhà kho, trường học, trụ sở ấp, cầu giao thông nông thôn, cổng chào, cây xanh đổ sập.

Nghiêm trọng nhất là đợt mưa lớn kết hợp triều cường dâng cao trong thời gian cuối tháng 10, đầu tháng 11/2020. Đợt thiên tai kết hợp được cho là lịch sử khi đã gây ra thiệt hại cho hơn 43.400 ha lúa và hoa màu, gần 20.500 ha nuôi thuỷ sản, khiến hạ tầng giao thông thiệt hại nặng nề và hàng trăm nhà dân bị ngập. Nếu chỉ tính riêng ngập úng đã gây ra thiệt hại hơn 170 tỷ đồng. Đặc biệt, xảy ra sạt lở nghiêm trọng bờ biển Tây với chiều dài hơn 9 km. Trong năm đó (năm 2020), Chủ tịch UBND tỉnh đã phải ban hành 2 quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở đê biển Tây.

Ngập úng trở thành nỗi ám ảnh của gia đình ông Nguyễn Văn Cưng, Ấp 5, xã Khánh Bình. Bởi lẽ đã nhiều lần thành quả lao động của gia đình bị nhấn chìm, do mưa lớn kết hợp với triều cường. 

Những năm gần đây, vụ lúa hè thu luôn bị thiệt hại không đầu vụ thì cũng đến cuối vụ. Có năm (đầu tháng 8/2023-PV), 3 ha lúa chuẩn bị thu hoạch của gia đình bị chìm trong nước, thiệt hại gần như hoàn toàn. Có khi sớm hơn, lúa chỉ mới hơn 1 tháng tuổi đã bị ngập úng do mưa lớn kéo dài”, ông Nguyễn Văn Cưng tâm sự.

Chủ động, linh hoạt ứng phó

Những năm gần đây, triều cường trên địa bàn tỉnh và khu vực diễn biến ngày càng phức tạp, nhất là trong điều kiện có sự kết hợp với mưa. Mực nước triều được ghi nhận thực tế tại các trạm đo cho thấy không ít lần vượt mốc lịch sử.

Cụ thể, tại trạm Cà Mau trên Sông Gành Hào, vào ngày 3/10/2023 đạt đến 1,16 m, vượt báo động III 0,31 m; trạm Năm Căn trên sông Cửa Lớn ghi nhận 1,80 m xuất hiện vào ngày 7/12/2021, vượt báo động III 0,20 m hay trạm Sông Đốc ghi nhận 1,30 m xuất hiện vào ngày 12/7/2022, vượt báo động III 0,35 m. Chính từ thực tế này, ngập lụt trên địa bàn tỉnh được xác định có khả năng cao nhất ở cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3. Đồng thời, nước biển dâng trên các vùng biển của tỉnh cũng được xác định có khả năng cao nhất, ở cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2 đối với biển Đông và cấp 3 đối với biển Tây.

Sạt lở đất đang diễn ra tại nhiều khu vực vùng ven biển Đông, do tác động của mùa và dòng chảy xiết của triều.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, trong năm 2025, tổng số bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động trên khu vực Biển Đông được dự báo vào khoảng 10-13 cơn bão và ATNĐ. Trong đó, khoảng 4-5 cơn có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.

Bão và ATNĐ có thể gây ra gió mạnh, sóng lớn và biển động dữ dội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn của tàu thuyền hoạt động trên biển, nhất là tàu khai thác hải sản trên biển. Không chỉ trên biển, bão và ATNĐ gây mưa lớn, gió giật mạnh trên đất liền là khó tránh khỏi. Càng nguy hiểm hơn khi tình hình khí tượng, thuỷ văn từ nay đến cuối năm 2025 trên địa bàn tỉnh, bão, ATNĐ kéo gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh gây ra thời tiết xấu cả trên biển và trên đất liền. Gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh gây mưa lớn diện rộng kèm theo dông, lốc xoáy và gió giật mạnh... Ngoài ra, vùng ven Biển Tây cần đề phòng gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, gây nước dâng cao bất thường trong tháng 7, tháng 8.


Trước diễn biến khó lường của mùa mưa bão năm nay, các địa phương, nhất là khu vực ven biển, cần chủ động xây dựng, rà soát và triển khai các phương án ứng phó thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ". Ngoài ra, cần tăng cường năng lực, triển khai các giải pháp phòng ngừa từ sớm, từ xa, để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Đối với khu vực biển, thời gian qua, các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương quản lý chặt đội tàu khai thác, kiên quyết không cho ra biển nếu không đảm bảo các thiết bị an toàn cũng như thông tin liên lạc. Đồng thời, xây dựng phương án, nơi trú tránh bão của tàu thuyền với tinh thần linh hoạt, phù hợp với diễn biến thực tế thời tiết và từng địa phương.

Nguyễn Phú

 

Huy động tối đa lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả sạt lở

Đó chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử trong chuyến kiểm tra sáng 29/6 tại ấp Vàm Đầm, xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi. Địa phương vừa xảy ra vụ sạt lở vào 22 giờ đêm 27/6, ảnh hưởng đến nhiều hộ mua bán ven sông.

Đồn Biên phòng Tân Tiến kịp thời giúp dân khắc phục sự cố sạt lở

Trung tá Nguyễn Minh Tuấn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tân Tiến (Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau) cho biết, đơn vị vừa triển khai lực lượng kịp thời giúp dân khắc phục hậu quả vụ sạt lở đất xảy ra tại địa bàn ấp Vàm Đầm, xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi.

Mùa chạy lở

Mùa khô là thời gian người dân vùng ngọt hoá phập phồng lo sụt lún; bước qua những tháng đầu mùa mưa, bà con vùng ven biển lại vào mùa chạy lở. Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển đang tiếp diễn, gây thiệt hại nhà cửa, tài sản, thậm chí đe doạ tính mạng người dân.

Bảo vệ đê điều mùa mưa bão

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia, thời tiết ở khu vực biển Ðông từ tháng 7/2025, bão và áp thấp nhiệt đới bắt đầu diễn biến phức tạp, làm cho tổng lượng mưa ở hầu hết các khu vực đạt mức tương đương hoặc cao hơn trung bình nhiều năm.

Kè mềm chống sạt lở đất ven sông

Mỗi năm, trên địa bàn huyện Cái Nước xảy ra từ 5-10 vụ sụt lún, sạt lở đất ven sông, trong đó, xã Trần Thới là một trong những địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng. Từ năm 2024 đến nay, xã Trần Thới vận động Nhân dân xây dựng được 3.000 m kè mềm và tiếp tục nhân rộng trong năm 2025.

Theo dõi sát thời tiết để giảm thiệt hại

Theo thông tin từ Ðài Khí tượng Thuỷ văn tỉnh, trên địa bàn tiếp tục có mưa vừa, mưa to, mưa kéo dài. Ðây là lời cảnh báo nguy cơ xảy ra ngập cục bộ tại vùng trũng thấp, ven sông, vùng ngoài đê bao và các tuyến đường thấp trên địa bàn tỉnh; nguy cơ vùng ven biển Tây có khả năng xuất hiện thời tiết xấu và sóng to, gió mạnh làm mực nước triều dâng cao bất thường. Thế nên, cần phải chủ động đề phòng để tránh thiệt hại.

Chủ động các giải pháp bảo vệ sản xuất

Những ngày qua, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa nhiều đã ảnh hưởng đến một số diện tích lúa hè thu và khu vực nuôi thuỷ sản. Hiện nay, nhiều nơi người dân đang chủ động triển khai các giải pháp để bảo vệ sản xuất, tránh thiệt hại.

Giảm thiệt hại nhờ chủ động phòng ngừa

Trước tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng trở nên cực đoan, mưa dông, lốc xoáy có thể xảy ra bất cứ lúc nào, làm ảnh hưởng không nhỏ đến nhà ở của người dân trên địa bàn, nhất là trong những tháng đầu mùa mưa. Nhưng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền về phòng, chống thiên tai (PCTT) theo phương châm “4 tại chỗ” đã giúp người dân nâng cao nhận thức, chủ động chằng, chống, từ đó, số lượng căn nhà bị thiệt hại do mưa dông, lốc xoáy giảm dần qua từng năm.

Nỗi lo mùa sạt lở

Mỗi năm cứ bước vào mùa mưa bão, người dân tại các khu vực ven sông, ven biển lại nơm nớp nỗi lo sạt lở gây thiệt hại về nhà cửa, tài sản, đe doạ đến tính mạng.

Chủ động trong phòng, chống thiên tai

Mưa bão ngày càng phức tạp, khó lường, các hiện tượng thời tiết, nhất là dông, lốc xoáy, triều cường, nước biển dâng... xảy ra ngày càng nhiều hơn, phạm vi ảnh hưởng lớn hơn, nguy hiểm hơn... Thực tế này buộc công tác phòng chống, ứng phó với thiên tai phải luôn trong tâm thế chủ động, quyết liệt, kịp thời và phù hợp thực tế.