Năm 2014, Trung tâm Y tế (TTYT), Bệnh viện Ða khoa (BVÐK) và Trung tâm Dân số - Kế hoạch hoá gia đình huyện Ngọc Hiển được sáp nhập thành 1 đơn vị chung là TTYT huyện.
Năm 2014, Trung tâm Y tế (TTYT), Bệnh viện Ða khoa (BVÐK) và Trung tâm Dân số - Kế hoạch hoá gia đình huyện Ngọc Hiển được sáp nhập thành 1 đơn vị chung là TTYT huyện.
Sắp xếp tinh gọn hệ thống y tế, song song với đầu tư phát triển cơ sở vật chất, trong năm 2014, việc điều hành, khám, chữa bệnh và thực hiện các chương trình mục tiêu về y tế ở huyện Ngọc Hiển đã phát huy hiệu quả.
Một thời “cơ chế” lồng ghép
10 năm tái lập huyện cũng là ngần ấy thời gian BVÐK Ngọc Hiển tạm sử dụng Trạm Y tế xã Tân Ân (nay là thị trấn Rạch Gốc) và hoạt động trong điều kiện thiếu thốn mọi mặt, trong khi lượng bệnh nhân có nhu cầu khám và điều trị bệnh rất đông.
Trung tâm Y tế huyện Ngọc Hiển được xây dựng khang trang. (Trong ảnh: Khu hành chính của trung tâm tại khóm 8, thị trấn Rạch Gốc). Ảnh: CHÍ HIỂU |
Theo quy định thì BVÐK phải có 14 khoa, có khu cách ly riêng biệt và ít nhất là 60 giường bệnh, nhưng thời điểm đó BVÐK chỉ có 7 khoa, diện tích chật hẹp nên chỉ kê được 40 giường bệnh. Thế nên, bệnh viện phải lồng ghép các khoa (2 khoa ghép chung một vị trí làm việc), thậm chí phòng bệnh nhân cũng phải ghép để hỗ trợ thiết bị cho nhau và tạo khoảng trống kê thêm giường cho bệnh nhân lưu trú điều trị. Cao điểm của bệnh dịch tả, cúm… bệnh nhân quá đông, bệnh viện phải mượn trụ sở UBND xã để lưu bệnh.
“Từ một trạm y tế đang xuống cấp bỗng dưng trở thành BVÐK của huyện mà không được nâng cấp, cơi nới thêm phòng, khoa…, thiết bị phục vụ thiếu thốn, chỉ hình dung thôi cũng thấy khó khăn đến dường nào. Thời điểm đó, đôi khi cán bộ trực phải ngủ chung phòng với bệnh nhân. Và trong điều kiện yếu kém cơ sở vật chất, không ít bác sĩ bỏ việc tìm nơi khác có điều kiện tốt hơn. Trong khi đó, dự án đầu tư xây dựng BVÐK lại không thể triển khai thực hiện do vướng khâu bồi hoàn giải phóng mặt bằng”, Bác sĩ Nguyễn Chí Dũng, Giám đốc TTYT huyện Ngọc Hiển, chạnh lòng khi nhắc lại thời điểm khó khăn đã qua.
Hướng tới hệ thống y tế hoàn chỉnh
Theo Bác sĩ Nguyễn Chí Dũng, điều kiện hoạt động của TTYT huyện Ngọc Hiển hiện tại đã tốt hơn rất nhiều. Ngoài việc đào tạo nâng cấp chuyên môn cho cán bộ tại chỗ, đầu tư mới trang thiết bị y tế…, còn có sự hỗ trợ y tế và lực lượng bác sĩ theo mô hình y tế hoạt động lồng ghép, nên việc khám và điều trị bệnh cho Nhân dân đảm bảo yêu cầu.
Tuy nhiên, TTYT hiện tại cũng chỉ là xây dựng tạm thời trên phần đất quy hoạch tổng thể xây dựng TTYT cơ bản, có diện tích trên 3 ha. Vì là xây cất tạm thời nên TTYT chưa có tháp nước sinh hoạt, hệ thống xử lý nước thải, rác thải y tế, nhà đại thể (nhà xác), cầu tàu… đây là các công trình phụ cần có của TTYT chuẩn quốc gia. Mặt khác, so với mặt bằng chung thì TTYT còn thiếu bác sĩ chuyên trách và 5 khoa điều trị.
Theo lộ trình dự án xây dựng TTYT cơ bản, khu khám và điều trị quy mô 100 giường bệnh sẽ được khởi công trong năm 2016. Tuy nhiên, khắc phục những hạng mục mang tính thiết thực nhất, hiện huyện đã tiến hành khảo sát vị trí xây dựng bến cầu tàu, nhà đại thể, tháp nước sinh hoạt để giải quyết các công trình phụ này trước khi xây dựng TTYT cơ bản. Bên cạnh đó, nhân lực phục vụ cũng được TTYT quan tâm đào tạo nguồn tại chỗ.
Nhìn chung, TTYT Ngọc Hiển chưa đáp ứng đầy đủ theo chuẩn tiêu chí quốc gia, nhưng trong điều kiện có được đã giải quyết cơ bản nhu cầu khám, chữa bệnh cho Nhân dân.
“Hiện nay, TTYT huyện đã được đầu tư trang thiết bị y tế tốt hơn, cơ sở vật chất đầy đủ hơn, đội ngũ y, bác sĩ cũng được đào tạo căn bản hơn… nên số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tăng lên đáng kể, tình trạng bệnh nhân điều trị vượt tuyến ít xảy ra”, Bác sĩ Nguyễn Chí Dũng phấn khởi./.
Mỹ Pha