An toàn vệ sinh thực phẩm chưa bao giờ mất đi tính thời sự, nhất là với các bậc phụ huynh của trẻ mầm non. Sức khoẻ của trẻ trong những thời điểm giao mùa, thời tiết khắc nghiệt dễ biến động mà chế độ dinh dưỡng bữa ăn là yếu tố liên hệ trực tiếp đến vấn đề này.
An toàn vệ sinh thực phẩm chưa bao giờ mất đi tính thời sự, nhất là với các bậc phụ huynh của trẻ mầm non. Sức khoẻ của trẻ trong những thời điểm giao mùa, thời tiết khắc nghiệt dễ biến động mà chế độ dinh dưỡng bữa ăn là yếu tố liên hệ trực tiếp đến vấn đề này.
Phó trưởng Phòng GD&ĐT TP Cà Mau Trần Xuân Hải khẳng định: “Vệ sinh an toàn thực phẩm, chăm sóc dinh dưỡng cho các bé, trong đó có bếp ăn là một trong những vấn đề hệ trọng mà phòng tập trung quan tâm. Giáo dục thành phố trong những năm qua chưa để xảy ra trường hợp đáng tiếc nào liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm. Bếp ăn của các nhà trường ngày càng đầy đủ hơn, an toàn hơn. Đầu tư và trang bị ngày càng tốt hơn cho hệ thống bếp ăn của các trường mầm non là nỗ lực và cũng là điểm sáng của giáo dục thành phố”.
Vì sức khoẻ của các bé
Theo đánh giá của cô Phạm Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường Mầm non Bông Hồng, Phường 5, thời tiết hiện tại rất đáng lo ngại. “1-2 tuần nay, số trẻ nghỉ học có tăng lên vì các vấn đề sức khoẻ. Mỗi mùa nóng, nhất là khắc nghiệt như hiện giờ thì ưu tiên hàng đầu của trường là sự khoẻ mạnh của các em”, cô Hà chia sẻ.
Quy trình lựa chọn đầu vào thực phẩm để chế biến ở Trường Mầm non Bông Hồng được thực hiện kỹ lưỡng, đảm bảo an toàn và dinh dưỡng cho bé trong mùa nắng nóng. |
Trường Bông Hồng là một trong những nơi thực hiện “bếp ăn một chiều” từ rất sớm và điều được ghi nhận là sự tin cậy, yên tâm của phụ huynh. Với quy mô 9 lớp, 335 trẻ, nhà trường có đội ngũ phục vụ bếp ăn với 6 người. Đây là những nhân viên gắn bó hàng chục năm với trường và điều thú vị là thời gian làm việc giống như một giáo viên đứng lớp.
6 người đảm nhận bữa ăn cho bé với khẩu phần sáng - trưa (bữa chính) - bữa xế với giá trị mỗi suất 25.000 đồng/ngày. Các chị đều được tập huấn thường xuyên, có kiến thức về chế độ dinh dưỡng, tuân thủ các nguyên tắc vàng khi chế biến thực phẩm.
Trong năm học 2015-2016, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm đã kiểm tra 4 lần tại trường và kết quả đều đạt. Không dừng lại ở việc kiểm tra, đánh giá, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm còn hướng dẫn thêm các kỹ năng, hiểu biết cho nhân viên nhà trường về thực hiện bếp ăn trong trường mầm non. Bếp ăn của trường được sự quan tâm đầu tư từ Phòng GD&ĐT, trang thiết bị được đánh giá là chất lượng và đảm bảo các tiêu chí quy định.
Ngoài ra, y tế học đường cũng tăng cường vai trò trong việc giữ gìn sức khoẻ cho bé. Cái khó là người đảm nhận vị trí này chỉ là kiêm nhiệm, không có chuyên môn sâu. Khi thời tiết khắc nghiệt thì “mỗi cô giáo là một bác sĩ”, cô Hà bộc bạch “tất cả vì sức khoẻ của các bé”.
Thực hiện khoa học
Ông Trần Xuân Hải nhận xét: “Bếp ăn bán trú ở các bậc học cần được đầu tư hoàn thiện thêm, phục vụ tốt nhất cho học sinh. Môi trường giáo dục hiện đại với mục tiêu hướng đến là hoàn thiện tố chất thể chất, trí tuệ, kiến thức cho học sinh đã được hiện thực và cụ thể hoá với hình mẫu bếp ăn ở các trường mầm non". |
Điều đầu tiên của bếp ăn là việc sắp xếp khoa học, được vệ sinh thường xuyên, đảm bảo thông thoáng, sạch sẽ. Trong quy trình hoàn thành một bữa ăn của bé tại Trường Bông Hồng thì khối lượng công việc khá lớn. Thực phẩm nhập vào ở các cửa hàng có đăng ký kinh doanh an toàn, kiểm định được nguồn gốc, có hoá đơn chứng từ, được kiểm tra độ tươi sống. Thực đơn của từng ngày, từng mùa được tính toán khoa học. Cô Hà thông tin: “Như mùa nóng này, bữa ăn các bé thường có thêm rau, canh, thực phẩm bổ sung để thanh nhiệt. Tiêu hoá của trẻ mùa này nhạy cảm nên yếu tố dinh dưỡng và an toàn phải được tính đến”.
Cô Hà khuyến cáo: “Trường đặc biệt lưu ý với phụ huynh là không nên mua thức ăn ở các hàng quán lề đường, trước cổng trường do không an toàn. Nguy cơ ngộ độc hoặc gây ra các bệnh về tiêu hoá cho trẻ là rất cao nếu nhận thức của cha mẹ không đúng”.
Trong các bữa ăn của trẻ, nhà trường đều lưu lại mẫu phẩm đúng quy định. Mỗi năm, các bé cũng được kiểm tra sức khoẻ định kỳ 2 lần. Hằng ngày, công tác vệ sinh và sức khoẻ cá nhân của bé cũng được cô giáo chủ nhiệm lớp thực hiện. Trường Mầm non Bông Hồng đã hình thành được không gian xanh với các góc thiên nhiên, rất thông thoáng. Trường cũng nhờ sự hỗ trợ của trạm y tế phường để xin các loại thuốc diệt khuẩn, dụng cụ hỗ trợ y tế để vệ sinh toàn bộ trường lớp, dụng cụ học tập, vui chơi của bé.
Chị Hoàng Ngọc Trâm, Tổ trưởng Tổ bếp của Trường Mầm non Bông Hồng, tâm sự: “Hơn 10 năm gắn bó với trường, với công việc, tôi thấy ý thức hơn về vai trò và tầm quan trọng của bữa ăn với bé”.
Qua lời chị Trâm, công việc của tổ bếp gần như liên tục trong ngày, hết chuẩn bị thực phẩm rồi đến chế biến, sau đó bố trí cho các bé ăn. Thực đơn thay đổi, đảm bảo dinh dưỡng, khẩu vị, an toàn. "Nhiều lúc chị em phải động viên nhau để vượt qua áp lực. Càng vào những lúc thời tiết khắc nghiệt, chúng tôi càng chú tâm vào công việc, với mong muốn có bữa ăn ngon, giàu dinh dưỡng và an toàn với các bé”, chị Trâm cho biết./.
Bài và ảnh: Phạm Nguyên