Trường THCS Trí Phải Tây, xã Trí Lực, huyện Thới Bình được thành lập từ năm 2003. Ban đầu cơ sở vật chất thiếu thốn, nơi làm việc của giáo viên phải mượn tạm, nhưng được đầu tư theo chương trình kiên cố hoá trường lớp và thực hiện tốt công tác xã hội hoá giáo dục đã giúp cơ ngơi trường khang trang, đáp ứng tốt nhu cầu dạy và học.
Trường THCS Trí Phải Tây, xã Trí Lực, huyện Thới Bình được thành lập từ năm 2003. Ban đầu cơ sở vật chất thiếu thốn, nơi làm việc của giáo viên phải mượn tạm, nhưng được đầu tư theo chương trình kiên cố hoá trường lớp và thực hiện tốt công tác xã hội hoá giáo dục đã giúp cơ ngơi trường khang trang, đáp ứng tốt nhu cầu dạy và học.
Trường hiện toạ lạc trên diện tích 5.300 m2, có 12 lớp với 300 học sinh. Ông Nguyễn Văn Dần, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, có được thành công như hôm nay là nhờ Đảng uỷ, HĐND và UBND xã Trí Lực tích cực chỉ đạo thực hiện phong trào xã hội hoá giáo dục.
Sau những nỗ lực, Trường THCS Trí Phải Tây, xã Trí Lực được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ I. |
Ông Nguyễn Minh Khai, Chủ tịch UBND xã Trí Lực, cho biết: "Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận động xã hội hoá giáo dục nên huy động được sức mạnh tổng hợp từ chính quyền, ban, ngành, đoàn thể đến Nhân dân cùng chăm lo cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo".
Ông Nguyễn Thống Nhất, Trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường, bộc bạch, xác định xây dựng Trường THCS Trí Phải Tây đạt chuẩn quốc gia, Ban đại diện cha mẹ học sinh kết hợp nhà trường vận động xã hội hoá giáo dục, xây dựng cơ sở vật chất, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp và gây quỹ để bổ sung thêm nguồn kinh phí khen thưởng cho học sinh khá, giỏi. Qua đó, đã vận động được 30 triệu đồng tiền mặt và hàng trăm ngàn ngày công lao động san lấp 482 m2 lung, đìa làm sân trường. Nhờ vậy mà chỉ trong thời gian ngắn, diện tích đất của trường đã được cải tạo và trồng cây cảnh, cây xanh bóng mát và bồn hoa theo quy định. Các lối đi, ống nước, nhà vệ sinh, quạt gió, hàng rào, nhà để xe đều được xây dựng, lắp đặt đảm bảo phục vụ cho giảng dạy và học tập. Niềm tin của người dân ở địa phương đối với ngôi trường ngày càng được nâng lên, bà con luôn an tâm khi cho con em theo học ở trường này.
Song song đó, đã vận động trao tặng hàng trăm ngàn cuốn tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, hai gia đình bà Trần Hồng Năm và ông Nguyễn Văn Bình, ấp Phủ Thờ, xã Trí Lực đã hiến hơn 5.300 m2 đất trồng mía để xây dựng trường.
Thầy Lê Văn Trạng, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, ngoài 12 phòng học được xây dựng kiên cố, trường đã có thư viện, phòng chức năng, có khuôn viên, sân chơi, bãi tập, cảnh quan môi trường thoáng mát và cơ bản đảm bảo trang thiết bị phục vụ dạy và học. Trong môi trường làm việc thuận lợi, trường luôn phát huy năng lực của cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường, hằng năm tỷ lệ giáo viên đạt loại giỏi cấp huyện và tỉnh ngày càng tăng.
Riêng năm học 2014-2015, toàn trường có 12 giáo viên đạt loại giỏi vòng huyện, vòng tỉnh. Tỷ lệ học sinh lên lớp ở các khối hằng năm đạt 100%; học sinh khá, giỏi chiếm 73,93%. Ngoài ra, hằng năm nhà trường còn tham gia và đoạt giải các kỳ thi học sinh giỏi vòng huyện, tỉnh và nhiều giải phong trào khác.
Cô Trần Thị Kim Oanh, giáo viên có thâm niên và dạy tại trường gần 20 năm, chia sẻ: "Mỗi cán bộ, giáo viên ở trường không ngừng trau dồi phẩm chất đạo đức, luôn quan tâm bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ. Hiện nay, 100% giáo viên nhà trường có kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giảng dạy. Hằng năm, nhà trường còn tổ chức các buổi sinh hoạt định kỳ, thi chuyên môn, đúc kết và rút kinh nghiệm cho từng giáo viên nên kỹ năng sư phạm và chuyên môn của giáo viên tại trường ngày càng được nâng cao".
Nhờ làm tốt công tác xã hội hoá giáo dục và công tác chuyên môn, nhà trường đã đủ điều kiện và được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ I. Đây là niềm vui đồng thời cũng là trách nhiệm mà nhà trường phải luôn nỗ lực giữ vững và tiếp tục phát huy thành tích đạt được./.
Bài và ảnh: Huỳnh Măng