Nhằm tạo môi trường học tập lành mạnh, thân thiện, Trường THCS Võ Thị Sáu, phường 6, TP Cà Mau, đã có những cách làm hay để giáo dục ý thức cho học sinh, góp phần phòng, chống bạo lực học đường.
Nhằm tạo môi trường học tập lành mạnh, thân thiện, Trường THCS Võ Thị Sáu, phường 6, TP Cà Mau, đã có những cách làm hay để giáo dục ý thức cho học sinh, góp phần phòng, chống bạo lực học đường.
Mỗi năm học, Trường THCS Võ Thị Sáu đều xây dựng kế hoạch phòng, chống bạo lực học đường, tuyên truyền trong học sinh với các nội dung như không nói xấu bạn, không gây mâu thuẫn, không gây gổ, tụ tập đánh nhau và giáo dục các em sử dụng mạng xã hội một cách văn minh, lành mạnh. Nhà trường chú trọng công tác phát huy vai trò của tổ chức Đoàn, Đội trong việc ngăn ngừa bạo lực học đường.
Thầy Trần Thanh Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Võ Thị Sáu theo dõi camera quan sát học sinh giờ ra chơi. |
Trường đổi tên “Thùng thư góp ý” thành hộp thư “Điều em muốn nói”. Điều này mang lại hiệu quả cao hơn. Hộp thư trở thành nơi học sinh gửi gắm những tâm tư, tình cảm của mình chứ không đơn thuần là đóng góp ý kiến khô khan, cứng nhắc. Đây là một kênh thông tin hữu ích góp phần xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện. Các em được bày tỏ mong muốn và những nhu cầu, góp ý của các em được nhà trường nghiêm túc tiếp nhận, xem xét giải quyết, có ý kiến phản hồi. Từ đó có cách điều chỉnh hợp lý nhất cho cả giáo viên và học sinh.
Em Phạm Thuý Duy, lớp 9A, chia sẻ: "Hộp thư của nhà trường có ý nghĩa rất thực tế. Em cũng từng viết thư cho trường góp ý về việc tổ chức sân chơi cho chúng em và được nhà trường tiếp nhận. Có nơi để bày tỏ tâm trạng, các bạn học sinh cũng giảm bớt áp lực, căng thẳng, tránh những hành vi bạo lực học đường".
Để tiện cho việc quản lý học sinh, đầu tháng 11/2015, trường vận động từ nguồn xã hội hoá lắp đặt hệ thống camera quan sát trước cổng trường, khu vực hành lang và các góc khuất trong khuôn viên nhà trường. Đồng thời, phân công nhân viên trực quan sát camera trong những giờ cao điểm, để kịp thời xử lý khi có tình huống phát sinh. Từ khi đưa vào hoạt động, hệ thống camera giúp ích rất nhiều cho công tác quản lý, giáo dục học sinh. Các em có ý thức hơn trong việc chấp hành nội quy của nhà trường, không còn gây gổ, đánh nhau.
Thầy Tạ Đức Hùng, Hiệu trưởng Trường THCS Võ Thị Sáu, thông tin: "Sau một thời gian thí điểm và đi vào hoạt động chính thức, hệ thống camera phát huy hiệu quả rất rõ rệt. Hệ thống camera giúp quan sát những góc khuất, đồng thời tác động trực tiếp đến ý thức của học sinh. Trước khi muốn có một hành động gì xấu thì các em luôn luôn tự giác dè chừng. Từ đó, tránh được những xích mích giữa các em trong nhà trường".
Trường THCS Võ Thị Sáu cũng phối hợp thường xuyên với phụ huynh trong việc theo dõi, quản lý học sinh. Ông Trần Văn Mười, phụ huynh học sinh, nói: "Trường thường xuyên tổ chức họp phụ huynh, gửi sổ liên lạc nêu rõ những vấn đề cần quan tâm, chú ý đối với con em mình. Xã hội ngày càng phát triển, là phụ huynh, mình cần phải hiểu những cái gì cần thiết để giáo dục kỹ năng cho con mình sống với xã hội hiện tại, cũng như kỹ năng phòng tránh bạo lực. Để làm được điều đó, bên cạnh việc kết hợp chặt chẽ với nhà trường thì mình rất cần tham gia các lớp dạy kỹ năng sống để hoàn thiện bản thân".
Bạo lực học đường tuy không mới nhưng luôn là vấn đề nóng hổi. Trước tình trạng bạo lực học đường ngày càng gia tăng thì việc tìm ra những giải pháp căn cơ để ngăn chặn, đẩy lùi bạo lực học đường là vô cùng cấp bách và cần thiết. Tất nhiên, để làm được điều đó, rất cần có sự chung tay của cả nhà trường, gia đình và toàn xã hội./.
Bài và ảnh: Khả Ái