25 năm xây dựng và phát triển cũng là chặng đường mà nhiều thế hệ thầy cô giáo, học sinh nhà trường đã nỗ lực không ngừng để xây dựng truyền thống, "thương hiệu" của ngôi trường mang tên tỉnh nhà.
Thành lập ngày 1/8/1991, Trường THPT Bán công Cà Mau được xây dựng theo mô hình bán công đầu tiên ở Cà Mau. Những ngày đầu mới tách, nhà trường có đủ 2 cấp học, 2 và 3. Ðến năm 1997, trường dời về trụ sở mới như hiện nay và chỉ còn bậc học THPT. Sau 17 năm hoạt động và phát triển với mô hình bán công, đến năm 2008, trường chuyển sang mô hình công lập theo chủ trương của Bộ GD&ÐT, chính thức đổi tên thành Trường THPT Cà Mau.
25 năm xây dựng và phát triển cũng là chặng đường mà nhiều thế hệ thầy cô giáo, học sinh nhà trường đã nỗ lực không ngừng để xây dựng truyền thống, "thương hiệu" của ngôi trường mang tên tỉnh nhà. Cũng từ “cái nôi” giáo dục này, hơn 30.000 học sinh đã tốt nghiệp THPT trong những năm qua…
Nhớ những ngày gian khó
Trò chuyện với thầy Lê Minh Hoàng, Hiệu trưởng nhà trường, cũng là người gắn bó suốt hành trình 25 năm Trường THPT Cà Mau, mới thấy hết gian khó của những ngày đầu: “Trường được tách ra từ Trường THPT Hồ Thị Kỷ, dạy cấp 2 và 3. Hồi đó tôi là một trong những giáo viên trẻ nhất trường, cũng đâu chỉ có 10 người thôi. Giờ thì một số thầy cô đã về hưu, còn tôi cũng già rồi”.
25 năm phát triển, Trường THPT Cà Mau đã xây dựng được bề dày truyền thống, hướng đến những mục tiêu lớn. |
Cơ sở vật chất thiếu thốn, lại là mô hình bán công đầu tiên của tỉnh nên ít giáo viên chịu về trường. Mô hình bán công tại đây lại được kỳ vọng là lá cờ đầu để nhân rộng trong toàn tỉnh. Thầy Hoàng bộc bạch: “Mục tiêu là vậy, nhưng học phí thì cao, đầu vào thì thấp, bởi vậy vô cùng khó khăn”.
Thêm nữa, “mặc cảm” hệ bán công cũng khiến nhiều người nghi ngờ về chất lượng giáo dục của nhà trường. Ðứng trước rất nhiều thách thức, Trường Bán công Cà Mau bắt đầu xây dựng mọi thứ từ kỷ cương, nền nếp. Thầy Hoàng nhấn mạnh: “Ðầu vào đã thấp, các điều kiện khác không ủng hộ, vậy thì phải bắt đầu từ chính những điều căn bản nhất là xây dựng được môi trường giáo dục nền nếp, lành mạnh và có tính định hướng”.
Một cách làm được coi là tiên phong, riêng biệt và nổi bật của Trường THPT Cà Mau chính là việc xây dựng được đội ngũ giám thị đầy đủ uy tín, tâm huyết. Nhiều người hẳn sẽ ngạc nhiên khi có thầy giám thị đã gắn bó với trường 25 năm và nay đã trên 80 tuổi. Theo lời thầy Hoàng, hệ thống quản lý từ giáo viên chủ nhiệm, các thầy giám thị, tổ chức Ðoàn đã làm rất tốt việc quản lý học sinh.
Cùng với việc phối hợp với phụ huynh học sinh, tất cả những hoạt động, kết quả học tập, biểu hiện của học sinh được cập nhật kịp thời, đầy đủ để nhà trường và gia đình điều chỉnh.
Thầy Hoàng nhận định: “Tiếng nói của các thầy giám thị rất có uy tín với học sinh, bởi khi tuyển giám thị, nhà trường yêu cầu cao, đó là phải có kinh nghiệm giáo dục, có tuổi đời tương đối và chỉ chuyên biệt nhiệm vụ này”.
Khác với tưởng tượng của mọi người, giám thị của Trường THPT Cà Mau là những người gần gũi, sâu sát với các em học sinh, làm việc bằng tình cảm, sự thuyết phục và nhân văn. Cách tiếp cận, quản lý học sinh được xây dựng chặt chẽ, khoa học đã giúp cho đạo đức, nhân cách và nhận thức của học sinh THPT Cà Mau được cải thiện không ngừng, từ đó tác động vô cùng tích cực đến kết quả giáo dục.
Thật khó có ngôi trường nào xuất phát điểm thấp lại khẳng định vị trí nhanh chóng và bền vững như THPT Cà Mau. Liên tục 25 năm qua, trong mọi hoàn cảnh, tỷ lệ tốt nghiệp THPT của trường luôn duy trì trên 90% (vượt tỷ lệ chung của toàn tỉnh).
Thầy Hoàng cho biết: “Có thể nói, qua 3 năm đào luyện, từ những học sinh có đầu vào thấp, thầy cô và các em đã nỗ lực, đảm bảo đầy đủ bản lĩnh tri thức và nhân cách trước ngưỡng cửa cuộc đời. Chúng tôi cho rằng đây mới là điều khích lệ nhất”.
Năm 1997, khi về trụ sở mới, Trường THPT Bán công Cà Mau dần trở thành trường THPT có quy mô lớn nhất tỉnh Cà Mau. Ðáng khâm phục hơn, kỷ cương, nền nếp và chất lượng giáo dục của trường vẫn duy trì ổn định, tiếp đà phát triển với số lượng học sinh có khoá lên tới hơn 5.000 em.
Xây dựng "thương hiệu"
Năm 2008 là bước ngoặt mới của trường khi chuyển hướng hoạt động theo mô hình công lập. Với nền tảng đã có, trường có cái tên ngắn gọn, cô đọng và những mục tiêu lớn hơn: Trường THPT Cà Mau. Ðến thời điểm này, Trường THPT Cà Mau đã có đầy đủ sức vóc, bề dày thành tích và thương hiệu sẵn sàng cho một giai đoạn mới.
Thầy Hoàng thông tin: “Khi đầu vào cao hơn, chúng tôi cũng có những tính toán mới, nhất là chất lượng mũi nhọn”.
Nếu trước đây, nhà trường dồn toàn bộ mục tiêu vào chất lượng đại trà, tỷ lệ tốt nghiệp THPT thì nay là học sinh giỏi các cấp, là tỷ lệ đỗ đại học.
Thầy Hoàng xúc động: “Bản thân tôi không khỏi bồi hồi khi nhà trường được vinh danh thành tích. Lúc đó, chúng tôi thầm nhớ đến những đồng nghiệp đi trước, nhớ đến sự cố gắng của tất cả thầy cô và học sinh, từ chỗ rất khó khăn cho đến hôm nay quả là hành trình dài, nhưng cũng rất tự hào”.
Hiện tại, Trường THPT Cà Mau luôn nằm trong tốp đầu của tỉnh về tỷ lệ tốt nghiệp THPT và số lượng học sinh đỗ đại học, cao đẳng. Những năm gần đây, thí sinh của riêng Trường THPT Cà Mau thường chiếm khoảng 1/10 thí sinh thi tốt nghiệp THPT toàn tỉnh. Ðặc biệt, các phong trào văn hoá, văn nghệ và thể dục thể thao của nhà trường phát triển vô cùng mạnh.
Thầy Hoàng thông tin: “Trong các Hội khoẻ Phù Ðổng, trường luôn đoạt giải Nhất toàn đoàn khối THPT, cá biệt có những em đã trở thành vận động viên, giáo viên chuyên nghiệp ở các bộ môn thể dục thể thao. Phong trào văn nghệ của trường cũng rất mạnh, luôn đạt được thành tích cao trong các lần tham dự hội thi”. Trong đợt thi chọn học sinh giỏi vòng tỉnh vừa qua, Trường THPT Cà Mau có 19 học sinh đoạt giải, đứng vị trí 7/30 trường THPT trong tỉnh.
Năm học mới 2016-2017, trường có 80 lớp với gần 3.200 học sinh, tăng gấp 10 lần so với những ngày đầu năm 1991. Quản lý, giáo viên từ 10 người lúc chia tách, nay đã tăng lên 167 người (100% đạt chuẩn) và có 12 thạc sĩ. Nhà trường vinh dự nhận được nhiều bằng khen của Bộ GD&ÐT, Bộ Công an, Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch, UBND tỉnh Cà Mau… Vinh dự nhất là việc nhà trường được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba và hạng Nhì (vào các năm 1997 và 2000).
Với hơn 30.000 học sinh tốt nghiệp THPT, nhà trường đã đóng góp nguồn nhân lực tri thức lớn cho sự phát triển xã hội. Thầy Hoàng khẳng định: “Tất cả những kết quả đạt được là sự nỗ lực, cố gắng của nhiều thế hệ giáo viên, học sinh. Nhân dịp 25 năm thành lập trường, chúng tôi xin cúi đầu tri ân những người thầy đã, đang và sẽ còn gắn bó với mái trường này”.
Trong định hướng phát triển nhà trường, thầy hiệu trưởng khẳng định: “Giữ vững truyền thống, duy trì nền nếp, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, khẳng định thương hiệu, xứng đáng với niềm tin của xã hội là những việc mà nhà trường sẽ tiếp tục phấn đấu”.
Nhìn lại chặng đường 25 năm, thầy Hoàng mong mỏi: “Với sức trẻ tuổi 25, Trường THPT Cà Mau sẽ còn tiến xa và đạt được nhiều thành tích cao hơn nữa, mãi là địa chỉ tin cậy, thắp sáng tương lai cho thế hệ trẻ”./.
Nhân kỷ niệm 25 năm ngày thành lập trường, Hiệu trưởng Trường THPT Cà Mau Lê Minh Hoàng gửi lời tri ân tất cả những giáo viên, các thế hệ phụ huynh, học sinh đã gắn bó, có những cống hiến cho nhà trường. Theo thầy Hoàng, đây cũng là dịp nhà trường nhìn lại hành trình vừa qua, những việc làm được và chưa được để tiếp tục cho giai đoạn mới. Thầy Hoàng cũng mong mỏi sẽ nhận được sự ủng hộ của các thế hệ cựu học sinh của trường để thành lập Ban Liên lạc Trường THPT Cà Mau, hướng đến những hoạt động ý nghĩa, tri ân thầy cô, giúp đỡ các bạn học sinh khoá sau, những thầy cô có hoàn cảnh khó khăn… |
Bài và ảnh: Phạm Nguyên