Điểm trường cách xa nhà, đường đi khó khăn, trường học xuống cấp, cơ sở vật chất thiếu thốn đó là những gì mà học sinh Trường Tiểu học Trường An đang gặp phải. Thế nhưng, vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, hằng ngày các em vẫn đến trường đều đặn để có được con chữ.
Thiếu thốn
Trường Tiểu học Trường An nằm nép mình bên con kinh nhỏ thuộc Ấp 15, xã Khánh An, huyện U Minh. Trường được thành lập năm 1990, ban đầu với 8 điểm lẻ, 30 lớp, theo thời gian, nhiều ngôi trường mới được xây dựng vì thế phạm vi học sinh trường cũng thu hẹp dần. Hiện trường vẫn duy trì 1 điểm chính và 1 điểm lẻ với 283 học sinh, chia làm 11 lớp. Dù là điểm trung tâm hay điểm lẻ, cơ sở vật chất đều thiếu thốn, sân bãi, phòng học xuống cấp sau nhiều năm xây dựng, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học của trường.
Ở điểm trung tâm cũng chẳng khá hơn, sân bãi đang được tu sửa bởi nhiều hạng mục hư hại nghiêm trọng. Học sinh ra chơi khi vào lớp học là lấm lem bùn cát, nền gạch bong tróc, đá văng lởm chởm.
Cô trò Trường Tiểu học Trường An trong giờ học. |
Phòng học xuống cấp, bàn ghế cũ kỹ, chưa có bếp ăn bán trú nên tất cả lớp học chỉ học 1 buổi/ngày, phòng chức năng còn thiếu so với thực tế nên các tiết học liên quan đến Âm nhạc, Tin học, Anh văn đều phải học "chay". Cô Nguyễn Kiều Nương, quê Nghệ An, giáo viên điểm lẻ, chia sẻ: “Vì điểm lẻ, học sinh ở đây thiếu thốn đủ thứ, không có sân chơi nên giờ giải lao các em chỉ quanh quẩn trong lớp. Phòng học có quạt, đèn nhưng không sử dụng được, những ngày nắng nóng các em ngồi học mà lấm tấm mồ hôi. Bàn học thì cái hỏng nhiều hơn cái lành, nhiều phụ huynh đưa con đến lớp thấy cảnh bàn ghế hư phải đem ván, đinh đóng lại cho con ngồi học”.
Giáo viên tiểu học vùng sâu vẫn còn chật vật lắm nỗi lo về đồng lương, nhà ở. Phần lớn giáo viên ở 2 điểm trường đều là người miền ngoài vào lập nghiệp, nếu là người Cà Mau thì cũng từ các huyện khác đến. Nhà trường chưa có nhà nghỉ cho giáo viên nên những buổi nghỉ trưa thường tá túc nhà thầy hiệu trưởng, không thì nghỉ lại trong lớp.
Ðau đầu nhất là vấn đề vệ sinh. Do kinh phí hạn hẹp nên trường chỉ có một nhà vệ sinh, cả giáo viên, học sinh đều dùng chung, nhiều bữa học sinh phải xếp hàng dài để được đi vệ sinh là chuyện thường gặp ở đây.
Thầy Huỳnh Hùng Cường, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trường An, bộc bạch: “Trường chưa có nhà xe, nhìn những chiếc xe hết dầm mưa rồi lại dãi nắng mà xót. Nhiều hộ gia đình chắt mót lắm mới sắm được cho các con chiếc xe, mà cứ tình hình này chẳng mấy chốc là hư, hàng rào cũng chỉ là cây xanh rào lại chứ không được kiên cố”.
Ðối với các em, để có được cái chữ vất vả, gian nan vô cùng, ngoài thiếu đồ dùng học tập, việc đến trường là thách thức lớn. Nếu như ở thành phố, khi đến trường các em được cha mẹ đưa đón thì ở đây các em phải tự túc. Ðể kịp giờ học, có em phải thức dậy từ khi trời chưa sáng, đi bộ hàng cây số trên lộ đất đen, có em phải bắt chuyến đò, xe buýt ngày 2 buổi đến trường. Vất vả là thế nhưng khi được hỏi, tất cả các em đều trả lời muốn đi học và khát khao được đi học để được gặp bạn bè, thầy cô, được biết cái chữ là các em rất thích.
Vươn lên
Dù khó khăn, thiếu thốn nhưng những năm qua, tập thể quản lý, giáo viên luôn đoàn kết khắc phục khó khăn, thi đua dạy tốt học tốt, đạt được nhiều kết quả đáng trân trọng.
Thực hiện chỉ thị của Bộ GD&ÐT về việc phát động phong trào thi đua xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, trong năm học 2015-2016, nhà trường và Ðoàn - Ðội xây dựng cảnh quan sư phạm. Ở tất cả các điểm trường đều có cây xanh và hàng rào bằng cây xanh.
Ngoài ra, trường chú trọng tích hợp dạy học tiếng Việt và các nội dung giáo dục như: bảo vệ môi trường, tài nguyên biển, hải đảo, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, quyền và bổn phận của trẻ em, an toàn giao thông, phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống HIV/AIDS vào các môn học và hoạt động giáo dục nhằm tăng kiến thức cho các em.
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chăm lo bồi dưỡng học sinh năng khiếu, trường tổ chức cho các em tham gia cuộc thi Olympic tiếng Anh và Toán trên internet đoạt 2 giải Ba toàn huyện. Ngoài ra, để rèn luyện sức khoẻ và giao lưu giữa các học sinh trong địa bàn, trường tham gia hội thi đá bóng mini toàn xã, đoạt giải Nhất cấp huyện.
Ðể có được thành tích trên, thầy Nguyễn Quốc Cường, Tổng Phụ trách Ðội, cho biết: “Dù học tập, sinh hoạt trong điều kiện khó khăn nhưng nhiều năm qua, các phong trào ở địa phương trường đều tham gia và gặt hái thành tích nhất định. Việc tổ chức vui chơi là việc cần thiết, qua đó, còn phát hiện những tài năng, năng khiếu ở từng lĩnh lực để có hướng bồi dưỡng phát triển về sau”.
Thường xuyên cập nhật chương trình mới của Bộ GD&ÐT vào phương pháp giảng dạy. Với phương pháp “bàn tay nặn bột” được áp dụng triệt để, đem lại hiệu quả rất tích cực, giúp các em chủ động hơn trong việc học, phát biểu xây dựng bài, dưới sự hướng dẫn của giáo viên, các em chia thành những nhóm nhỏ tự học tập, nghiên cứu, qua đó phát huy tính đoàn kết, làm việc nhóm.
Song song với việc dạy học, trường phối hợp chặt chẽ với địa phương, hội, đoàn thể, ban giám hiệu nhà trường đến từng ngõ, gõ từng nhà để vận động học sinh đến lớp. Giáo viên tạo mọi điều kiện để học sinh nghèo an tâm đến lớp như cho mượn sách giáo khoa, hỗ trợ đồ dùng học tập, tranh thủ các nguồn tài trợ để trao học bổng cho học sinh nghèo”.
Khó khăn, vất vả là thế, nhưng trên khuôn mặt thầy, cô giáo vẫn ánh lên niềm hy vọng vào một tương lai tươi sáng. Bởi họ tin rằng, sự vất vả của mình sẽ được đền đáp xứng đáng sau này. Những thế hệ học sinh trưởng thành sẽ đem kiến thức làm giàu cho quê hương đất nước, hơn thế, họ càng có niềm tin khi sự nghiệp trồng người được xã hội quan tâm chung tay giúp đỡ./.
Trường hiện có 283 học sinh, trong đó hộ nghèo 61 em, cận nghèo 14 em, dân tộc 10 em, khuyết tật 3 em. Năm học 2015-2016, học sinh lên lớp đạt 280/287, chiếm 97,56%, đặc biệt, đến nay chưa có học sinh bỏ học. |
Bài và ảnh: Yến Nhi