(CMO) Luỹ kế đến nay, nguồn vốn nội bộ của Hội CCB tỉnh đã gần 44 tỷ đồng, bình quân hằng năm có hơn 13.000 hội viên được vay vốn. Lực lượng hội viên đóng góp 1,4 tỷ đồng để xây dựng nhà Đồng đội. Các nguồn vận động thực hiện công tác an sinh xã hội của Hội CCB gần 9 tỷ đồng.
Trong nhiệm kỳ cũng đã thực hiện hơn 2.000 nấm mồ đồng đội; hơn 2.000 mâm cơm tưởng nhớ đồng đội; thăm hỏi, chăm sóc hội viên ốm đau hơn 2 tỷ đồng…
Hội CCB tỉnh hiện có trên 30.000 hội viên. Đại tá Nguyễn Văn Phép (Hai Phép), Chủ tịch Hội CCB tỉnh, cho biết: “Phải nói rằng lực lượng CCB ngày càng được củng cố về tổ chức, hoạt động, được xã hội rất ủng hộ. Bản thân chúng tôi, những người Bộ đội Cụ Hồ vẫn ngày đêm tâm nguyện góp sức mình cho quê hương”.
Chặng đường phía trước được Đại tá Nguyễn Văn Phép xác định: “CCB phải xứng đáng hơn nữa, nêu gương hơn nữa, xung kích hơn nữa để đóng góp cụ thể, thiết thực cho xã hội. Mỗi người lính cần giữ vững phẩm chất và truyền thống quý báu, sống sao cho xứng đáng với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân”.
Vững mạnh tổ chức hội
Có một giai đoạn sau tiếp thu, rồi sau khi kết thúc các cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, phía Bắc, người bộ đội phục viên trở lại đời sống thường nhật với muôn vàn thách thức. Ông Hai Phép tâm sự: “Đó là những người đồng chí, đồng đội của chúng tôi, từng vào sinh ra tử với nhau. Có người trở về với những thương tật nặng nề”. Cà Mau những năm đầu xây dựng đời sống hoà bình, nhiều CCB trân mình trước những khó khăn của cơm, áo, gạo, tiền. Có người nghĩ rằng: “Cuộc sống hoà bình còn khó hơn cả bom đạn chiến tranh chớ chẳng chơi”.
CCB ấp Trần Độ, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước thường xuyên đọc báo sau sinh hoạt định kỳ để nắm bắt thông tin. |
Ông Hai Phép thông tin: “Lúc tôi về Hội, tình hình đã chuyển biến mạnh rồi, nhưng cũng còn nhiều anh em vất vả lắm”. Việc đầu tiên mà Hội CCB Cà Mau xác định là giúp đỡ những CCB thoát nghèo, tiến tới làm giàu, chỉ có như vậy mới xây dựng được nội lực, có cơ sở và điều kiện cống hiến cho xã hội.
Và tổ chức Hội được củng cố từ tỉnh hội đến ấp, khóm. Những người đồng đội, đồng chí năm nào lại sát vai nhau trong một tổ chức đại diện cho ý chí, nguyện vọng của những người lính phục viên. Hơn 30.000 con người nhất trí, đồng lòng để viết tiếp chặng đường mới. Đại tá Võ Hà Đô, Trưởng Ban Tuyên giáo Hội CCB tỉnh, thông tin: “Tỷ lệ hộ nghèo đầu nhiệm kỳ gần 1.500 hội viên, hiện còn khoảng 900 hội viên. Nói cho rõ hơn là 900 hội viên nghèo xét theo tiêu chí mới. Hiện có 20/101 xã, phường đã xoá trắng hội viên là hộ nghèo”.
Toàn tỉnh có 107 cơ sở Hội CCB, như lời Đại tá Đô là: “Nơi đâu ở Cà Mau cũng có Hội, cũng có dấu ấn của người CCB”.
Song song đó, Hội CCB Cà Mau luôn ý thức, quán triệt về truyền thống Bộ đội Cụ Hồ xây dựng lực lượng CCB đông về số, mạnh về chất, trung thành tuyệt đối với lý tưởng cách mạng mà Bác, Đảng và Nhân dân lựa chọn. Đại tá Nguyễn Văn Phép khẳng định: “Nhận thức, lý tưởng, đạo đức, bản lĩnh chính trị là những thứ mà người lính được trui rèn, là vũ khí sắc bén đấu tranh với kẻ thù, là nền tảng để đóng góp cho sự phát triển chung”.
Bởi vậy không lạ khi ở đất Cà Mau, nơi đâu người CCB cũng đi đầu trong mọi phong trào. Từ học tập, làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Bác, cho đến xây dựng nông thôn mới, hay hoà giải những gút mắc cho tình làng nghĩa xóm ngày càng bền chặt. Trên tuyến đầu kinh tế, nhiều CCB được vinh danh sản xuất giỏi cấp toàn quốc, là tấm gương sáng mà cả cộng đồng thán phục.
Ông Hai Phép chia sẻ: “Tổ chức Hội CCB luôn đoàn kết, giữ vững truyền thống, tích cực tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền, Nhân dân, chế độ và khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Tổ chức Hội là nơi CCB được tạo điều kiện để xây dựng cuộc sống bản thân, đóng góp cho cộng đồng và thể hiện được sức vóc của người lính. Nói như ông Hai là “người lính dù ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải vươn lên, phải sống đúng với lý tưởng đã lựa chọn, nghĩa là sống có ích, sống phụng sự”. Từng ngôi nhà Đồng đội, đồng vốn trao tay hay những khi có người khuất bóng, Hội CCB vẫn vai kề vai để hát tiếp khúc quân hành.
Ông Hai Phép bộc bạch: “Điều này tôi nói nhiều rồi, nhưng nó đúng. Đó là chúng tôi may mắn còn được sống, được cống hiến, chúng tôi phải nỗ lực để xứng đáng với những người nằm xuống. Mỗi người CCB đều tự nhủ rằng, cống hiến cho quê hương là điều hạnh phúc, thiêng liêng”.
Đổi mới để phát triển
Đại hội lần thứ VI của Hội CCB Cà Mau có một luồng gió mới mẻ, đó chính là tư duy về đổi mới. Đại tá Nguyễn Văn Phép cho rằng: “Điều kiện thực tế thay đổi, tổ chức và hoạt động của Hội tất nhiên cũng phải điều chỉnh cho phù hợp”. Ông nhận định: “Trên những hạt nhân vững chắc, những nền tảng Hội xây dựng, CCB cũng phải thích nghi, đề ra những nhiệm vụ, mục tiêu mới. Điều này tất nhiên không đơn giản nhưng chắc chắn có thể làm được”. Bàn về 8 nhóm giải pháp mà Hội đề ra, ông tóm gọn lại: “Đó là trung thành, đoàn kết, gương mẫu và đổi mới”.
Dù thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm nhưng vợ chồng CCB Tạ Hồng Măng vẫn giữ nếp sống tiết kiệm và thói quen lao động. |
Định hướng phát triển Hội không thể bỏ qua những khó khăn, thách thức mà nhiệm kỳ qua gặp phải. Về vấn đề này, Đại tá Võ Hà Đô thông tin: “Cái lo nhất của Hội là giúp anh em giảm nghèo bền vững, có cuộc sống ngày càng sung túc hơn”.
Dù huy động nhiều nguồn lực, nhiều giải pháp, song Đại tá Đô vẫn trăn trở: “Còn một hội viên khó khăn, chúng tôi cũng không yên lòng”.
Cái mới đầu tiên của chặng đường tiếp theo chính là đa dạng hoá, cụ thể hoá các nguồn lực để giúp hội viên phát triển kinh tế.
Đại tá Võ Hà Đô phân tích: “Muốn giảm nghèo, Hội phải có đủ nguồn lực giúp đỡ, đó là vốn, cung cách làm ăn, khoa học - kỹ thuật, cả việc động viên về tư tưởng. Chúng tôi sẽ huy động toàn lực cho nhiệm vụ này”. Người có mô hình, có vốn sẽ giúp người khó khăn hơn, cấp Hội cao hơn sẽ trực tiếp đôn đốc, quan tâm, giám sát cấp Hội cơ sở thực hiện công việc này.
Điểm nhấn mà Hội CCB mong muốn thực hiện được trong giai đoạn tiếp theo là đổi mới hình thức để nâng cao hiệu quả các phong trào, hoạt động.
Đại tá Nguyễn Văn Phép kỳ vọng: “CCB sẽ xây dựng chương trình, kế hoạch chi tiết, gắn từng cấp Hội với các nhiệm vụ chính trị của địa phương, làm sao để CCB phát huy hết vai trò, trách nhiệm, xây dựng được lòng tin, uy tín đối với Nhân dân”. CCB Cà Mau xây dựng hình ảnh “nói đi đôi với làm”, tiên phong, gương mẫu và vững vàng trước mọi khó khăn, gian khổ. Ông Hai Phép cho biết thêm: “Muốn đổi mới hoạt động, mỗi cơ sở Hội cần nắm chắc địa bàn, điều kiện thực tế, nắm chắc hội viên và nguồn lực mình có trong tay. Nói chung, phải cụ thể như hành quân trong chiến dịch”.
CCB Cà Mau cũng quyết tâm xây dựng hình mẫu, mô hình kinh tế mẫu của người CCB giai đoạn mới. Khi được giới thiệu về điển hình CCB Tạ Hồng Măng, Phường 9, TP Cà Mau, thì đúng là các chú “nói có sách, mách có chứng”. Ông Măng có cơ ngơi kinh tế hơn 12 ha đất nuôi tôm và đa canh thuộc địa bàn Năm Căn. Ông nuôi 2 người con trưởng thành, có cơ ngơi ổn định. Bản thân từng trải qua những khó khăn, cơ cực của cuộc sống nên ông rất bình thản khi chia sẻ: “Tôi giúp đồng đội, anh em là giúp bằng cái tâm. Khả năng tới đâu, giúp tới đó”. Với nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, ông vẫn quyết tâm thực hiện mô hình tôm siêu thâm canh để tạo đột phá trong cung cách làm ăn.
Ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ tịch Hội CCB Phường 9, xác nhận: “Anh Măng làm ăn khá, sống lại có tình, mà cái chính là luôn tiên phong xây dựng mô hình làm ăn, sau đó giúp lại đồng đội, xóm làng”./.
Phạm Hải Nguyên