(CMO) Nhằm góp phần bảo vệ môi trường tại khu dân cư, đô thị tập trung, cải thiện chất lượng môi trường sống, bảo vệ đời sống, sức khoẻ của người dân, Cà Mau đã có Ðề án “Di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường nằm trong khu dân cư, đô thị chuyển vào khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau, giai đoạn 2020-2030”. Theo quyết định phê duyệt đề án, Sở Công thương đã triển khai cho các sở, ngành, các huyện, thành phố và đang xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Cà Mau hiện có trên 5.500 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đang hoạt động. Trong đó có hơn 1.300 cơ sở sản xuất nằm xen lẫn trong khu dân cư, đô thị tập trung. Phần lớn các cơ sở này có quy mô vừa và nhỏ; công nghệ, thiết bị lạc hậu… Ngoài việc chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, các cơ sở sản xuất công nghiệp ở Sông Ðốc và Hoà Trung nằm ven sông, nên rất khó kiểm soát việc xả thải.
Mặt khác, đặc điểm loại hình sản xuất bột cá, chytin, nước mắm vốn đã phát sinh nhiều bụi, khí thải, mùi hôi khó chịu. Nhiều cơ sở sơ chế thuỷ sản nhỏ lẻ chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải, dẫn đến mức độ ô nhiễm ngày càng trầm trọng. Mặc dù ngành chức năng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh, song, việc khắc phục những hạn chế trong lĩnh vực này vẫn chưa được thực hiện triệt để.
Ðể bảo vệ môi trường, rất cần sự chung tay của các ngành chức năng, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất... |
Ông Huỳnh Văn Minh, Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Cà Mau, chia sẻ, hoạt động của các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn nhiều phức tạp, ảnh hưởng môi trường. Mặc dù các nhà máy sản xuất lớn có hệ thống xử lý chất thải, tuy nhiên, trong quá trình hoạt động có những cơ sở chưa thực hiện đúng điều kiện để bảo vệ môi trường, việc khắc phục chưa được triệt để.
"Trước thực trạng trên, UBND tỉnh chỉ đạo ngành công thương xây dựng đề án di dời các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp xen kẽ trong khu dân cư, khu đô thị vào các khu, cụm công nghiệp giai đoạn 2020-2030. Việc này, Sở Công thương đã tập trung phối hợp với các sở, ngành liên quan, các huyện, thành phố xây dựng hoàn thành đề án trình UBND tỉnh phê duyệt từ đầu tháng 7", ông Minh thông tin thêm.
Ðề án được thực hiện theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2022-2025 chủ yếu tập trung di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường nằm trong khu dân cư, đô thị vào các khu, cụm công nghiệp tại các huyện, thành phố theo từng bước cụ thể.
Giai đoạn 2, từ năm 2026-2030 sẽ tiếp tục điều tra, cập nhật danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nằm trong khu dân cư, đô thị trên địa bàn tỉnh và thực hiện di dời vào các khu, cụm công nghiệp. Kế hoạch di dời trong giai đoạn này cũng được thực hiện theo các bước như giai đoạn 2023-2025. Ngoài ra, các huyện, thành phố vẫn tiếp tục cập nhật, điều chỉnh danh sách các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường cần phải di dời và có kế hoạch di dời vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Huỳnh Văn Minh, khó khăn lớn nhất hiện nay là phần lớn quỹ đất sạch tại các khu công nghiệp để di dời chưa có, hạ tầng trong các khu, cụm công nghiệp chưa được đầu tư. Thêm vào đó, hiện nay việc mời gọi đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp thu hút rất ít nhà đầu tư.
Ông Huỳnh Văn Minh lý giải, do Cà Mau nằm xa các trung tâm nguyên vật liệu xây dựng nếu đầu tư cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp thì chi phí rất cao. Hơn nữa, hạ tầng giao thông đấu nối vào các khu, cụm công nghiệp chưa đảm bảo. Vì vậy, việc thu hút các nhà đầu tư rất khó khăn, vì khi chi phí đầu tư hạ tầng cao thì họ cho thuê đất lại với giá cao, khi đó các DN cần di dời khó chấp nhận. Trong khi đó, hiện tỉnh chưa có chính sách thích hợp như miễn, giảm thuế hay giảm tiền thuê đất để các nhà đầu tư giảm gánh nặng chi phí…
Ðể đảm bảo lộ trình di dời, Sở Công thương đã xây dựng kế hoạch từ nay đến năm 2025. Trước hết là tuyên truyền các cơ sở nằm trong khu dân cư, khu đô thị mà gây ô nhiễm môi trường để họ có động thái chuẩn bị, trong giai đoạn tiếp theo sẽ di dời. Các huyện cũng lập kế hoạch di dời, xác định những cơ sở gây ô nhiễm, tuyên truyền để họ có bước chuẩn bị.
Ðể đề án thực hiện hiệu quả, đúng tiến độ, rất cần sự chung tay phối hợp của các ngành chức năng cùng lãnh đạo các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Ðặc biệt là sự chỉ đạo kỳ quyết của lãnh đạo tỉnh với nhiều chính sách ưu đãi để kêu gọi đầu tư hạ tầng tại các khu, cụm công nghiệp, từ đó hạn chế tối đa tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu dân cư, ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân./.
Phúc Duy