Nhiều tháng gần đây, tuyến đường ô tô Tân Tiến - Nguyễn Huân bị sạt lở nhiều lần, không chỉ gây ảnh hưởng đến việc đi lại mà còn làm xáo trộn mọi hoạt động đời sống, sinh hoạt của người dân.
Clip: Đặng Duẩn
Tuyến lộ từ xã Tân Tiến đến xã Nguyễn Huân có lưu lượng lưu thông đông, gần 1.000 lượt người/ngày.
Ông Đoàn Chí Linh, Chủ tịch UBND xã Tân Tiến, cho hay, đoạn đường qua ấp Thuận Thành đã xảy ra 2 lần sạt lở, trong tháng 7 và tháng 8, với 2 đoạn bị sạt lở dài 110 m và dài 30 m.
Theo ghi nhận, sạt lở làm đứt ngang nhiều đoạn trên tuyến đường Tân Tiến -Nguyễn Huân. Đây là tuyến đường chính về trung tâm xã Nguyễn Huân nên khi sạt lở đã ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân và các em học sinh. Mặc dù đã được gia cố, làm đường đi tạm nhưng vì các đoạn này bị hư hỏng nhiều lần, thậm chí bị triều cường cuốn trôi, phải tiếp tục gia cố lại nên không đảm bảo cho đi lại, kể cả phương tiện xe máy cũng không thể đi qua.
Học sinh đến trường phải đi qua các đoạn lộ gia cố tạm, mất an toàn.
Đối với trẻ nhỏ đến trường, để đảm bảo an toàn, phụ huynh phải cõng con qua đoạn lộ gia cố tạm bằng đất đen.
Vừa cõng cháu trên lưng, ông Hồ Văn Pháp, ấp Thuận Thành, xã Tân Tiến, nói với chúng tôi: “Đường này không đi xe máy được, nước ngập tràn qua lộ. Mấy đứa cháu đi học, mình phải cõng qua đập cho an toàn, chứ để tụi nhỏ tự đi thì quần áo dính sình bùn dơ hết, nhiều khi bị trợt té rất nguy hiểm nữa”.
Chị Lê Cẩm Loan, ấp Thuận Thành, xã Tân Tiến, bức xúc: “Tôi đưa con đi học rất cực, từ nhà chở con đi, đến đoạn sạt lở thì để xe lại, dẫn con qua cầu tạm và tiếp tục thuê xe ôm chở con đến trường; vừa bất tiện, tốn kém, lại không an toàn. Đoạn này sạt lở đã lâu và mới đây các đoạn gia cố tạm lại bị cuốn trôi”.
“Mùa này triều cường xuất hiện thường xuyên hơn nên tình hình sạt lở sẽ còn lập lại. Tôi mong muốn Nhà nước sớm có biện pháp khắc phục triệt để, giúp người dân thuận tiện đi lại, giao thương hàng hoá, học sinh an toàn khi đến trường”, chị Loan cho hay,đó cũng là điều mong mỏi của người dân nơi đây.
Phương tiện phà được huy động để phục vụ người dân, học sinh qua đoạn lộ bị sạt lở.
Ông Đoàn Chí Linh cho biết, đoạn đường này có lưu lượng lưu thông khoảng 1.000 lượt người/ngày nên tình trạng sạt lở đã ảnh hưởng rất lớn. Các bến phà tạm được huy động để phục vụ người dân, học sinh đi lại, nhưng người dân phải tốn phí đi phà với giá 7.000 đồng/lần, khi nước ròng thì mỗi lần đi tốn 15.000 đồng.
Không chỉ gây khó khăn về đi lại, đoạn đường bị sạt lở còn khiến gia tăng giá thành vận chuyển hàng hóa của người dân, doanh nghiệp đến xã Nguyễn Huân và ngược lại do phải trung chuyển nhiều lần, kéo theo làm giảm giá thu mua sản phẩm đầu ra của các hộ dân.
Phương tiện vận tải hàng hoá, hành khách từ Tân Tiến đi Nguyễn Huân phải dừng để trung chuyển khi nhiều đoạn lộ trên tuyến bị đứt đoạn do sạt lở.
Với tình trạng sạt lở nghiêm trọng hiện nay, chính quyền địa phương đang tăng cường thực hiện các giải pháp khắc phục, đảm bảo lưu thông cho người dân, đặc biệt là khi Tết Nguyên đán đang đến gần.
“Năm nay trên địa bàn xã xảy ra sạt lở rất nghiêm trọng. Đặc biệt là tuyến đường ô tô từ Tân Tiến về trung tâm xã Nguyễn Huân, sạt lở kéo hết nền đường và lề đất đen của lộ xuống sông. Sau khi sạt lở xảy ra, địa phương đã vận động người dân và các lực lượng thực hiện khắc phục như tạo đường đi tạm, bắc cầu qua đoạn sạt lở. Từ lần đầu sạt lở đến nay, xã đã huy động lực lượng hơn 10 lần để kè, đắp đê đất đen để ngăn triều cường dâng cao, nhưng do nền đường đất mới, các tấm đal đặt lên thì đất tiếp tục lún làm cho những đoạn này liên tục bị sạt lở trở lại sau khi khắc phục. Sắp tới, xã tiếp tục đề xuất với các ngành, cơ quan chức cấp huyện, cấp tỉnh triển khai các phương án làm lối đi tạm cho xe 4 bánh lưu thông trong thời gian sớm nhất”, ông Đoàn Chí Linh, Chủ tịch UBND xã, cho biết thêm./.
Đặng Duẩn