(CMO) “101/101 xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh đã xây dựng và củng cố đội xung kích phòng, chống thiên tai (PCTT) cấp xã với 9.405 thành viên và trang bị được gần 49.000 trang thiết bị dành cho đội xung kích cấp xã theo hướng dẫn của Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT tại Quyết định số 08/QÐ-TWPCTT, ngày 27/3/2020, cơ bản đủ khả năng ứng phó nhanh tại chỗ khi có thiên tai xảy ra”, thông tin được Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh (PCTT&TKCN) cho biết sau đợt kiểm tra công tác chuẩn bị sẵn sàng ứng phó thiên tai năm 2022.
Tình hình thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, điển hình là đợt ngập úng diện rộng trong vùng ngọt hoá thuộc huyện U Minh, Trần Văn Thời và TP Cà Mau trong mùa mưa năm 2021 và những tháng đầu năm 2022. Thực tế này đã làm thiệt hại nghiêm trọng về sản xuất và gây nhiều khó khăn cho công tác chỉ đạo ứng phó, do điều kiện cơ sở hạ tầng thuỷ lợi chưa được đầu tư đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu tiêu thoát nước trong điều kiện mưa lớn kéo dài.
Tình hình sạt lở đất ven sông, ven biển, sụp lún đường giao thông trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục diễn ra ngày càng nhanh, mặc dù đã được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm, triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, nổi bật là các quyết định tình huống khẩn cấp, dự án khẩn cấp.
Thiên tai xảy ra vào tháng 7 vừa qua đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của người dân, đặc biệt tuyến ven biển. (Ảnh chụp tại vàm Ba Tỉnh, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời).
Việc kiểm tra 5 khu vực về công tác chuẩn bị sẵn sàng ứng phó thiên tai năm 2022 vừa qua cho thấy, trang thiết bị phục vụ công tác PCTT mặc dù đã được quan tâm đầu tư, phân bổ từ nhiều nguồn nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Việc cập nhật, điều chỉnh kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai ở một số địa phương còn chậm; một số phương án ứng phó thiên tai chưa xây dựng đầy đủ các kịch bản thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn, còn rập khuôn theo phương án của tỉnh, thiếu sự linh hoạt. Nguồn kinh phí còn hạn chế, nguồn lực đầu tư, khắc phục chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế tại địa phương nên chưa thể xử lý được triệt để, đồng bộ khi thiên tai gây ra, dẫn đến tiếp tục mất đất, mất rừng, thiệt hại tài sản và ảnh hưởng đến đời sống người dân. Công tác di dời người dân ở nơi xung yếu, khu vực nguy cơ rủi ro cao do thiên tai vào các khu tái định cư còn nhiều khó khăn do thiếu vốn, thiếu quỹ đất và một phần do ý thức của người dân. Tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ đê, lấn chiếm rừng phòng hộ vẫn còn tiếp diễn, nhưng công tác xử lý chưa dứt điểm.
Ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, đề nghị các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, TP Cà Mau căn cứ danh mục, định mức vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng, xây dựng và ban hành quy chế quản lý, sử dụng vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng PCTT tại đơn vị, địa phương, đảm bảo luôn sẵn sàng sử dụng khi có tình huống thiên tai xảy ra.
Ðồng thời, khẩn trương chỉ đạo khắc phục, nhất là hạn chế trong xây dựng, cập nhật các kế hoạch, phương án PCTT và công tác hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai (thống kê, phân loại thiệt hại, thực hiện trình tự, thủ tục hỗ trợ, thời gian hỗ trợ...). Ðảm bảo cơ bản đáp ứng được yêu cầu PCTT&TKCN thời gian tới, đặc biệt là trang bị cho lực lượng xung kích PCTT&TKCN cấp xã và bộ phận thường trực PCTT&TKCN các cấp.
“Yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, TP Cà Mau chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các đối tượng thu quỹ, ai không chấp hành thì xem xét xử lý vi phạm theo đúng quy định tại Nghị định số 03/2022/NÐ-CP của Chính phủ”, Phó chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo.
Nguồn kinh phí còn hạn chế, nguồn lực đầu tư, khắc phục chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế tại địa phương nên chưa thể xử lý được triệt để, đồng bộ khi thiên tai gây ra, dẫn đến tiếp tục mất đất, mất rừng, thiệt hại tài sản và ảnh hưởng đến đời sống người dân. (Ảnh chụp tại Vàm Kênh 5, xã Viên An, huyện Ngọc Hiển)
Dự báo từ nay đến tháng 3/2023, trên khu vực biển Ðông có khoảng từ 4-6 cơn bão, áp thấp nhiệt đới, trong đó có 1-3 cơn có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Có khả năng tháng 1/2023 vẫn xuất hiện xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực Nam biển Ðông. Từ tháng 10-12/2022 tổng lượng mưa phổ biến cao hơn từ 10-40% so với trung bình nhiều năm, từ tháng 1-3/2023 tổng lượng mưa có xu hướng mưa cao hơn so với trung bình nhiều năm và có khả năng xuất hiện các đợt mưa trái mùa trong thời kỳ này.
Mực nước đang bắt đầu lên dần theo chu kỳ triều hàng năm, từ tháng 10/2022-2/2023 xuất hiện 4 kỳ triều cao xảy ra vào cuối tháng. Mực nước cao nhất có khả năng xuất hiện vào tháng 11 (kỳ triều cường đầu tháng 11 âm lịch) và ở mức tương đương đến cao hơn cùng kỳ năm 2021. Cần đề phòng gió mùa Ðông Bắc hoạt động mạnh kết hợp với triều cường, mực nước dâng cao bất thường gây ngập ở vùng trũng thấp và sạt lở đất ven sông, ven biển.
Riêng tại TP Cà Mau, do ảnh hưởng kết hợp bởi mưa lớn trùng với thời gian xuất hiện đỉnh triều cao, mực nước có khả năng lên cao gây ngập cục bộ trên một số tuyến đường có độ cao thấp trong nội ô. Theo các dự báo dài hạn, trạng thái La Nina tiếp tục duy trì trong thời kỳ từ nay đến tháng 12/2022 với xác suất 80-90%./.
Trần Nguyên