ĐT: 0939.923988
Thứ hai, 21-7-25 16:23:21
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ứng phó sạt lở ven sông

Báo Cà Mau (CMO) Một số xã trên địa bàn huyện Ðầm Dơi như: Tân Tiến, Tân Thuận, Thanh Tùng, Nguyễn Huân… thường xuyên bị sạt lở đất ven sông, triều cường dâng cao, gây ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện Ðầm Dơi đã chủ động triển khai công tác chuẩn bị, đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, với mục tiêu giảm nhẹ thiệt hại do triều cường, mưa bão, thiên tai gây ra.

Cách đây 2 tháng, vào khoảng 2 giờ sáng, khi đang ngủ, ông Trần Hồng Ðức (ấp Hải An, xã Nguyễn Huân) thấy trại sản xuất tôm giống của gia đình có dấu hiệu nứt tường nên ông vội vàng gom các vật dụng, di chuyển lên bờ. Và khoảng 30 phút sau, cơ sở sản xuất tôm giống rơi xuống sông hoàn toàn, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Trước đó vài ngày, đoạn lộ bê-tông gần 100 m cách nhà ông Ðức không xa cũng rơi xuống sông; đoạn sạt lở ăn sâu vào đất liền.

Ông Ðức chia sẻ, gia đình ông xây dựng cơ sở sản xuất tôm giống từ năm 2004, đến nay đã chịu ảnh hưởng của 3 đợt sạt lở. Hàng năm, cứ vào khoảng giữa tháng 4 đến tháng 8 âm lịch, khi mùa mưa bắt đầu, nước dưới sông cạn thì xảy ra tình trạng sụp lún, sạt lở đất.

“Thời điểm này gia đình rất cảnh giác, thường xuyên theo dõi tình trạng bất thường cũng như di dời nhà lên phía trên lộ để đảm bảo tính mạng, phía dưới sông chỉ còn 1 trại sản xuất tôm giống. Ðiều mong mỏi hiện nay là các ngành, các cấp hỗ trợ người dân bằng nhiều biện pháp, nhất là khắc phục tình trạng sạt lở đất ven sông, để chúng tôi có thể an tâm sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống”, ông Ðức nói.

Chỉ vài giờ, trại sản xuất tôm giống của ông Trần Hồng Ðức, ấp Hải An, xã Nguyễn Huân, rơi xuống sông sau vụ sạt lở, thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Mùa sạt lở, việc kinh doanh mua bán của khoảng 80 hộ dân cặp sông tại chợ Vàm Ðầm gặp rất nhiều khó khăn. Mùa mưa, nước sông cạn thì lo sạt lở đất, mùa nắng khi trời trở bấc thì cũng là lúc các tiểu thương nơi đây lại lo nâng nền nhà để tránh nước dâng.

Kinh doanh giày dép tại chợ Vàm Ðầm gần 20 năm nay, nhưng gia đình ông Bùi Bá Khanh vẫn không dám xây dựng nhà kiên cố vì sợ ảnh hưởng của thuỷ triều dâng cao và sạt lở đất. Theo ông Khanh, hàng năm, vào khoảng tháng 7, tháng 8 âm lịch, khi mưa nhiều, nước dưới sông cạn sâu thì tình trạng sạt lở đất lại xảy ra; tháng 11, tháng 12 âm lịch, nước sông dâng cao thì gây ngập nhà.

“Mùa mưa, sạt lở diễn ra thường xuyên nên phải cảnh giác, khi thấy có hiện tượng sạt lở đất là gia đình phải di dời hàng hoá lên trên bờ. Năm 2019, gia đình tôi phải đầu tư hơn 20 triệu đồng gia cố lại nền nhà, vừa tránh sạt lở, sụp lún, vừa tránh nước ngập. Bà con nơi đây mong muốn có chỗ mua bán ổn định, chứ kiểu chạy theo thời tiết thế này cũng khổ lắm”, ông Khanh chia sẻ.

Năm 2020, trên địa bàn xã Nguyễn Huân xảy ra 9 vụ sạt lở đất ven sông, làm hư hỏng 6 nhà dân, sụp lở 2 đoạn lộ bê-tông dài 145 m, ước thiệt hại trên 1 tỷ đồng. Riêng những tháng đầu năm nay đã có 4 vụ sạt lở đất, gây thiệt hại 6 nhà dân, 7 vụ sạt lở lộ nông thôn, với tổng thiệt hại trên 600 triệu đồng.

Ven sông chợ Vàm Ðầm, xã Nguyễn Huân chịu ảnh hưởng nặng nề của sạt lở đất, hơn 80 hộ dân sống dọc mé sông phải thường xuyên nâng nền chống sạt lở và nước ngập.

Theo ông Phan Hoàng Nhơn, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Huân, xã có bờ biển dài gần 15 km, xung quanh có nhiều sông lớn nên tình trạng sạt lở đất trên địa bàn xã thường xuyên xảy ra. Trong khi đó, diễn biến của thời tiết ngày càng phức tạp, bất thường, như triều cường ngày càng dâng cao, nắng nóng kéo dài, mưa dông kèm theo lốc xoáy, sạt lở đất ngày càng gia tăng... Do nguy cơ sạt lở và ảnh hưởng của thiên tai nặng nề nên công tác truyền thông luôn được địa phương chú trọng, từ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên đến quần chúng Nhân dân.

“Tuy nhiên, khó khăn hiện nay đối với xã ven biển như Nguyễn Huân chính là cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác PCTT&TKCN chưa đáp ứng tình hình thực tế của địa phương. Phương tiện nhỏ, công suất thấp nên việc tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển hiệu quả thấp”, ông Phan Hoàng Nhơn cho biết.

Ông Nguyễn Phương Bình, Phó chủ tịch UBND huyện Ðầm Dơi, thông tin, địa bàn huyện rộng, giáp biển, nhiều cửa sông lớn nên công tác PCTT&TKCN còn nhiều khó khăn. Ngoài phòng chống lụt bão, hoả hoạn thì việc sạt lở và công tác khắc phục là vấn đề khó nhất của huyện hiện nay. Ðể người dân thích ứng với biến đổi khí hậu, UBND huyện chỉ đạo các ngành, đoàn thể, địa phương vận động người dân nâng cao nền nhà, bờ bao vuông tôm, hạn chế xây dựng nhà ở ven sông, triển khai kế hoạch sản xuất, sinh hoạt phù hợp với biến đổi khí hậu. Về lâu dài, huyện đang tiếp tục quy hoạch các cụm dân cư, kết cấu hạ tầng ở các xã Nguyễn Huân, Tân Thuận theo hướng ổn định hơn để từng bước di dời, bố trí đời sống cho người dân.

“Thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng”, UBND huyện sẽ diễn tập các tình huống để rút kinh nghiệm, bổ sung vào các phương án để ứng phó kịp thời. Song song đó, rà soát các hộ cần di dời, nơi neo đậu tàu tránh trú bão, các phương tiện sẵn có để bố trí lực lượng, tránh tình trạng bị động khi có thiên tai xảy ra”, ông Nguyễn Phương Bình cho biết thêm.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Ðầm Dơi xảy ra 65 vụ thiên tai, trong đó có 9 vụ lốc xoáy, 50 vụ sạt lở đất ven sông, gây hư hỏng nhà cửa, lộ, bờ kè, cầu giao thông nông thôn, ảnh hưởng đến 87 hộ dân. Ước tổng thiệt hại trên 2,3 tỷ đồng.

 

Thanh Phương - Hoàng Vũ

 

Sở Nông nghiệp và Môi trường khảo sát sạt lở tại xã Quách Phẩm

Chiều 16/7, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Cà Mau Tô Hoài Phương đã có chuyến khảo sát thực tế tình hình sụp lún đường giao thông nông thôn tuyến kênh Khai Hoang, ấp Khai Hoang Vàm, xã Quách Phẩm.

Khẩn trương nâng cấp đê biển Đông

Ít chịu sự tác động bởi những đợt sóng lớn, triều cường dâng như đê biển Tây, song khu vực đê biển Đông của tỉnh Cà Mau cũng đang chịu nhiều sự đe doạ trong mùa mưa bão.

Thăm hỏi các gia đình thiệt hại do sạt lở tại phường Giá Rai

Sáng 15/7, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Văn Khởi đã đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại do sạt ở tại Khóm 3, phường Giá Rai, tỉnh Cà Mau.

Phường Giá Rai khoanh vùng nguy hiểm trong bán kính 300m

Sáng 14/7, gần khu vực sạt lở thuộc Khóm 3, phường Giá Rai, tỉnh Cà Mau  (trước đây là Khóm 3, phường Hộ Phòng, tỉnh Bạc Liêu), tiếp tục xuất hiện những vết nứt lớn, nguy cơ tiếp tục sạt lở. Chính quyền địa phương đã mở rộng phạm vi cảnh báo nguy hiểm 300m.

Sạt lở ở phường Giá Rai cuốn trôi phần sau của 5 căn nhà dân

Ông Trần Tam Trung, Chủ tịch UBND phường Giá Rai, cho biết: Rạng sáng 13/7, tại khu vực Khóm 3, phường Giá Rai (trước đây là Khóm 3, phường Hộ Phòng), tỉnh Cà Mau, xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng khiến nhà cửa và tài sản của 5 hộ dân bị cuốn xuống sông. Sự việc diễn ra bất ngờ khiến người dân không kịp trở tay.

Không để người dân vùng sạt lở rơi vào nguy hiểm

Đó là nhấn mạnh của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử tại chuyến kiểm tra hiện trường vụ sạt lở bờ sông Gành Hào, đoạn qua ấp Chòi Mòi và vị trí sụt lún đoạn lộ ấp Cái Keo thuộc xã Định Thành, tỉnh Cà Mau vào chiều 12/7.

Âu lo sạt lở bờ Tây cửa Rạch Gốc

Công trình kè dài trên 1,4 km, được thực hiện từ năm 2018, nhằm cấp bách bảo vệ bờ biển Ðông khu vực phía Tây cửa biển Rạch Gốc, thuộc Xã Phan Ngọc Hiển. Tuyến kè cấu kiện bằng bê tông cốt phi kim phá sóng, do Công ty CP Khoa học công nghệ Việt Nam (Busadco) thiết kế, cung cấp thiết bị và thi công.

Bảo vệ đê biển Tây trong mùa mưa bão

Mùa mưa bão đang bước vào cao điểm, đê biển Tây đang phải oằn mình gánh chịu những đợt sóng lớn, triều cường, nước biển dâng và tình trạng sạt lở đang tiếp diễn thường xuyên và nghiêm trọng. Trong khi đó, hệ thống đê biển của tỉnh vẫn chưa được cứng hoá toàn tuyến, một số đoạn trên đê biển Tây vẫn là đê đất. Vì thế, công tác bảo vệ đê biển Tây phải luôn được đặt trong tình trạng khẩn cấp, ưu tiên hàng đầu.

Tiến tới khép kín tuyến bờ biển Tây

Chủ tịch UBND tỉnh vừa có quyết định điều chỉnh Dự án xây dựng đê biển Tây từ Cái Đôi Vàm đến Kênh Năm và kè phòng, chống sạt lở bờ biển các đoạn xung yếu từ cửa biển sông Ông Đốc đến cửa biển Bảy Háp, tỉnh Cà Mau.

Không chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống lụt bão

“Tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống lụt bão”- đó là thông điệp được ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Cà Mau nhấn mạnh trong bối cảnh mùa mưa bão đang đến gần, với nhiều diễn biến thời tiết bất thường.