Nằm trong hệ thống các trường đại học, cao đẳng của cả nước, Trường Cao đẳng Y tế Cà Mau đang trong quá trình chuyển đổi từ dạy học theo niên chế sang cơ chế tín chỉ. Để đạt được những kết quả như mong muốn thì vai trò của người giảng viên rất quan trọng, quyết định đến hiệu quả của hoạt động dạy - học.
Nằm trong hệ thống các trường đại học, cao đẳng của cả nước, Trường Cao đẳng Y tế Cà Mau đang trong quá trình chuyển đổi từ dạy học theo niên chế sang cơ chế tín chỉ. Để đạt được những kết quả như mong muốn thì vai trò của người giảng viên rất quan trọng, quyết định đến hiệu quả của hoạt động dạy - học.
Đào tạo theo tín chỉ là bước đổi mới trong quá trình dạy học ở bậc đại học, cao đẳng. Quá trình này đòi hỏi sự thay đổi trong nhận thức của cả thầy và trò, trong đó sự đổi mới của người thầy là quan trọng nhất. Dạy học là quá trình mà người dạy và người học có cùng mục đích và có mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau.
Tập huấn phương pháp dạy học tích cực tại Trường Cao đẳng Y tế Cà Mau. |
Với cơ chế tín chỉ, sinh viên sẽ được giảng viên hướng dẫn phương pháp tư duy cũng như cách tiếp cận và chiếm lĩnh tri thức. Từ đó, sinh viên sẽ tích cực, chủ động, tự học, tự sáng tạo trong hoạt động học tập và nghiên cứu. Mục tiêu cuối cùng của đổi mới giáo dục là tạo nên những thế hệ sinh viên có tri thức, kỹ năng, kỹ xảo gắn với nghề nghiệp trong tương lai, những sinh viên có đầy đủ năng lực và phẩm chất trí tuệ, đáp ứng yêu cầu đổi mới của xã hội.
Trong hoạt động dạy học ở bậc đại học, cao đẳng, không còn là người truyền đạt kiến thức nữa mà người thầy đóng vai trò như người huấn luyện viên với khả năng tổ chức và điều khiển sư phạm. Người giảng viên phải nhận thức được tầm quan trọng của sự đổi mới và quyết tâm thực hiện nhiệm vụ của mình, mặc dù ban đầu gặp rất nhiều khó khăn, thử thách. Với kiến thức và kinh nghiệm của bản thân, người giảng viên phải chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ cho sinh viên từ mục tiêu, nội dung, phương pháp học tập… và tổ chức cho sinh viên tự học tập theo sự định hướng của thầy. Là nhà sư phạm, nhà khoa học và cũng là nhà tâm lý, giảng viên đại học sử dụng phối hợp nhiều biện pháp để hiểu được năng lực và nhân cách của sinh viên, từ đó có phương pháp hướng dẫn phù hợp với từng đối tượng người học. Trong quá trình sinh viên tự học, tự nghiên cứu, người thầy luôn ở phía sau để điều khiển, hướng dẫn, giúp đỡ kịp thời để nâng cao hiệu quả học tập của sinh viên.
Trường Cao đẳng Y tế Cà Mau chỉ mới đào tạo cao đẳng trong vài năm gần đây. Số lượng sinh viên không nhiều, thời gian thực tập ở các sơ sở y tế không cố định, điều kiện tiên quyết của các môn học… là những khó khăn khi đào tạo theo tín chỉ. Do đó, trường chỉ có thể thay đổi phương pháp dạy học chứ chưa thể cho sinh viên đăng ký môn học ở từng học kỳ và vẫn phải đào tạo theo niên chế trong thời gian này. Giảng viên cũng còn lạ lẫm khi bước đầu tiếp cận với phương pháp mới. Bên cạnh đó, giảng viên trường y phần lớn không xuất thân từ môi trường sư phạm. Ðiều này cũng ảnh hưởng lớn đến quá trình đổi mới giáo dục.
Trong điều kiện đó, lãnh đạo nhà trường cũng đã tạo điều kiện cho giảng viên học tập chuyên môn, nghiệp vụ nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng. Ðồng thời, lực lượng giảng viên trong trường cũng ý thức được vai trò của mình, nỗ lực khắc phục khó khăn, vừa tham gia giảng dạy, vừa tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn để bổ sung kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm để có thể đáp ứng yêu cầu công việc. Những lớp bồi dưỡng như: phương pháp dạy học tích cực, lý luận dạy học đại học, nghiệp vụ sư phạm đại học… được nhà trường liên kết với các trường: Ðại học Huế, Ðại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, Ðại học Bạc Liêu… tổ chức nhằm cập nhật, bồi dưỡng kiến thức, rèn luyện kỹ năng cho giảng viên của trường.
Ngoài ra, giảng viên cũng tự tìm và tham gia những lớp bồi dưỡng vào thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần ở các tỉnh lân cận. Qua những lớp bồi dưỡng này, giảng viên được trang bị, hoàn thiện thêm kiến thức, kỹ năng cần thiết để có thể tích cực đổi mới, tổ chức, nâng cao hiệu quả dạy học, giúp sinh viên trở thành những cán bộ y tế có đầy đủ năng lực và phẩm chất, trí tuệ trong tương lai./.
Bài và ảnh: Nhật Huỳnh