ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 18-1-25 18:12:21
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Vấn nạn chó thả rông đô thị

Báo Cà Mau Vấn nạn chó thả rông không đeo rọ mõm hiện hữu nhiều nơi trên địa bàn các phường nội ô thành phố. Ðây luôn là vấn đề nhức nhối, không ít lần được lãnh đạo các cấp nhắc nhở trong các cuộc họp quan trọng, đặc biệt trong tình hình xây dựng các tuyến phố văn minh như hiện nay.

Thú mình cưng, không hẳn ai cũng cưng

Ông Tăng Vũ Em, Phó chủ tịch UBND TP Cà Mau, cho rằng: “Tình trạng nuôi chó thả rông, vật nuôi thả rông trên địa bàn thành phố hiện nay có chiều hướng gia tăng. Ðặc biệt trong các phường nội ô. Vấn đề này phải nhìn nhận thẳng thắn với nhau rằng, thú cưng của mình thì mình cưng chứ không phải người xung quanh ai cũng cưng. Mình cưng thì mình gìn giữ, bảo quản trong nhà, đừng để phiền hà đến hàng xóm. Vấn đề này hầu như rất nhiều người bức xúc, chỉ những người nuôi chó thả rông mới không bức xúc thôi. Người không nuôi và chấp hành tốt thì người ta rất bức xúc vấn đề này”. 

Trong các khu dân cư, công viên, rất dễ thấy những chú chó được thả rông đi dạo. Chó không được rọ mõm, thậm chí còn không được xích lại, với lý do là chủ nó đang đi dạo chung. Rồi tình trạng mỗi sáng sớm hoặc chiều tối, tại các khu dân cư, các thú cưng được chủ thả ra để đi vệ sinh. Khu vực nhà mình thì không nói gì, đằng này các chú chó tha hồ ra đường, sang nhà hàng xóm để phóng uế bừa bãi khiến bà con trong các khu dân cư rất bức xúc.

Chó thả rông trên đường Quang Trung, Phường 5, TP Cà Mau.

Ông Nguyễn Ðình Chiểu, Bí thư Chi bộ ấp Bà Ðiều, xã Lý Văn Lâm, cho biết: “Năm 2023 ấp ra quân bắt chó thả rông trong các khu đô thị như: Ðông Bắc, Hoàng Tâm, Tài Lộc... nhưng những tháng đầu năm 2024 này tình hình có vẻ gia tăng trở lại. Trong cuộc họp chi bộ tháng rồi đã có ý kiến đảng viên phản ảnh vấn đề này. Chúng tôi sẽ tiếp tục ra quân và tuyên truyền trong thời gian tới”.

Quyết tâm xử lý dứt điểm

Ông Trần Hồng Quân, Bí thư Thành uỷ Cà Mau, cho biết, 2024 là năm trọng tâm về vấn đề môi trường và trật tự đô thị. Vấn đề rác thải và chó thả rông trong đô thị phải được xử lý dứt điểm. Camera giám sát vấn đề môi trường đồng thời giám sát luôn vấn nạn chó thả rông, vấn nạn đổ rác thải trộm... Chế tài xử lý đã có, vấn đề chỉ là từng lúc, từng nơi cán bộ đã đủ kiên quyết hay chưa mà thôi”.

Bí thư Phường 1 Lê Thái Minh Tâm cho rằng: “Năm 2024, Phường 1 có kế hoạch xây dựng mô hình phát huy triệt để bằng giám sát camera trong xử lý vấn đề môi trường. Ngoài camera cố định thì còn có các camera lưu động cũng có thể ghi nhận các trường hợp chó thả rông ở các khu đô thị không tuân thủ quy định, làm ảnh hưởng đến môi trường vẫn bị xử lý, phạt nguội khi đủ bằng chứng”.

Quy định, quy chế và thậm chí chế tài xử lý vi phạm đều có. Tuy nhiên, từng lúc từng nơi các địa phương cũng chưa bắt được nhiều chó thả rông, bởi việc đuổi bắt những con chó thả rông cũng không dễ dàng gì.

Góc đường Lê Văn Sỹ, Khóm 2, Phường 7, chó nhởn nhơ đi lại, thậm chí sủa và rượt đuổi người đi đường.

Hiện tại, ở các phường đã được trang bị rất nhiều camera giám sát vấn đề vệ sinh môi trường, vấn đề đổ trộm rác thải không đúng nơi quy định. Không chỉ đặt camera cố định, ngành chức năng còn bố trí thêm các camera lưu động ở những nơi nghi ngờ có dấu hiệu vi phạm. Từ những camera này có thể giám sát được vấn nạn chó thả rông và phóng uế bừa bãi. Từ những bằng chứng có được, địa phương có thể xác minh và làm việc với chủ hộ nuôi chó. Thiết nghĩ, đây cũng là một trong những giải pháp thiết thực để làm giảm, hoặc hết hẳn tình trạng chó thả rông ở các khu vực đô thị như hiện nay.

Bà Tô Nguyệt Tiên, Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y TP Cà Mau, bộc bạch: “Năm 2023 xử lý được 87 trường hợp chó thả rông, phạt gần 100 triệu đồng. Năm 2024, các địa phương ra quân quyết liệt hơn, tuy nhiên, tuyên truyền là chính. Việc thành lập đội bắt chó thả rông cũng tốn rất nhiều kinh phí, từ trang bị dụng cụ đến tiêm phòng chống phơi nhiễm cho người trực tiếp bắt chó. Sắp tới sẽ gắn nhiều camera giám sát môi trường, cộng với sự phối hợp của người dân ở các khu dân cư, thì chuyện chó thả rông chắc chắn sẽ giảm”.

Tuyên truyền là một chuyện, phải xử phạt nghiêm minh thì ý thức người dân mới được nâng cao. Ðô thị ngày càng văn minh, không thể chấp nhận chuyện chó thả rông và phóng uế bừa bãi. Thiết nghĩ, chế tài xử lý vi phạm cũng được quy định rõ, việc giám sát và xử lý bằng hình ảnh cũng đã có chủ trương, vấn đề ở đây là sự quyết tâm vào cuộc của chính quyền các địa phương như thế nào để TP Cà Mau thật sự là một đô thị văn minh./.

 

Ngọc Huệ

 

Tìm hiểu “hội chứng màn hình xanh”

Ngày nay, công nghệ đã và đang trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại, nhưng mặt trái của nó cũng dần lộ diện với những vấn đề tâm lý ngày càng phổ biến trong giới trẻ. Một trong số đó là “hội chứng màn hình xanh”, đây không phải là một khái niệm chính thức trong y khoa, nhưng nó đang được dùng để mô tả những hệ luỵ về sức khoẻ tâm lý và thể chất khi thời gian sử dụng các thiết bị điện tử vượt quá giới hạn.

Ra quân kiểm tra an toàn thực phẩm dịp tết

Để đảm bảo an toàn thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, sáng nay (9/1), Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm ra quân kiểm tra một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn TP Cà Mau.

Họp đoàn kiểm tra liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm

Để bảo đảm an toàn thực phẩm, hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và mùa lễ hội xuân 2025, sáng nay (8/1), Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm tổ chức họp triển khai công tác kiểm tra đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Can thiệp sớm trẻ chậm nói

"Hiện nay, tình trạng trẻ chậm nói khá phổ biến, do bẩm sinh, hoặc môi trường xung quanh. Các dấu hiệu thường khó nhận diện, do phụ huynh chưa nắm rõ các giai đoạn phát triển ngôn ngữ của trẻ. Các bé được đưa đến đây khám chủ yếu bị rối loạn ngôn ngữ, khó giao tiếp bằng ngôn ngữ, hạn chế khả năng tiếp thu...", Bác sĩ Ninh Thị Minh Hải, Phòng Âm ngữ trị liệu, Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau, thông tin.

Ðồng hành can thiệp sớm trẻ có vấn đề phát triển

Ở nước ngoài, các gia đình có trẻ gặp vấn đề về phát triển rất quan tâm và nhiệt tình tham gia các nhóm hỗ trợ để thay đổi năng lượng của bản thân, muốn được cung cấp năng lượng tích cực cũng như những kiến thức hữu ích nhằm giúp trẻ nhỏ điều trị bệnh, hoà nhập với cộng đồng tốt hơn. Tuy nhiên, với văn hoá Á Ðông như ở Việt Nam nói chung và các tỉnh xa xôi như Cà Mau nói riêng, vấn đề này khá nhạy cảm, khiến các bậc phụ huynh khó thể mở lòng chia sẻ. Nếu cha mẹ không vững vàng thì việc điều trị bệnh cho trẻ cũng gặp nhiều khó khăn. Vì thế, Tổ chức phi lợi nhuận "Sống cùng tự kỷ" đã kết hợp với Tổ chức phi lợi nhuận "Y học cộng đồng" tổ chức nhóm tương trợ phụ huynh, dành cho gia đình của trẻ có vấn đề về phát triển.

Hướng tới phát triển các khoa chuyên sâu ở bệnh viện tuyến tỉnh

Tại hội nghị tổng kết công tác y tế năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ năm 2025, vào chiều 3/1/2025, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân khẳng định, tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện để phát triển các khoa chuyên sâu ở bệnh viện tuyến tỉnh.

Đảm bảo cung cầu, ổn định thị trường dịp cuối năm

Theo đánh giá chung của ngành chuyên môn, mặc dù bối cảnh tình hình chính trị thế giới có nhiều bất ổn, tuy nhiên, trong năm 2024 kinh tế nước ta tiếp tục phục hồi và có bước tăng trưởng khả quan. Theo đó, tại tỉnh Cà Mau, tình hình cung, cầu các mặt hàng thiết yếu trong dịp cuối năm 2024 cũng được đảm bảo, nguồn hàng hoá dồi dào, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân, không xảy ra tình trạng sốt giá.

Chủ động tầm soát lao trong cộng đồng

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam là quốc gia đứng thứ 11 về số người mắc bệnh lao. Sau 2 năm Chương trình Phòng, chống lao quốc gia gián đoạn vì dịch Covid-19, số lượng người bệnh trong cộng đồng đang có xu hướng tăng cao. Phòng, chống lao từ thế bị động sang chủ động chính là giải pháp cấp thiết mà ngành y tế Cà Mau nỗ lực thực hiện để đẩy lùi bệnh lao ra khỏi cộng đồng.

Bệnh phát ban dạng sởi tăng đột biến

Những ngày gần đây, số ca mắc bệnh phát ban dạng sởi trên địa bàn huyện Cái Nước tăng đột biến, mỗi ngày đều có trẻ nhập viện điều trị nội trú, tiềm ẩn nguy cơ cao bùng phát bệnh trong cộng đồng và trường học. Trước tình hình bệnh diễn biến phức tạp, người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh cho trẻ.

Phục hồi chức năng - Tăng niềm tin

Trong xu thế phát triển của phục hồi chức năng (PHCN) hiện đại, việc vận hành mô hình PHCN đa chuyên ngành đang được nhiều cơ sở y tế cả nước áp dụng, bao gồm các chuyên ngành: vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu và tâm lý trị liệu. Năm 2024, Bệnh viện Y Dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh Cà Mau đã áp dụng rộng rãi mô hình này.