(CMO) Giai đoạn từ năm 2022-2025, cả nước áp dụng chuẩn nghèo đa chiều mới theo Nghị định 07/2021/NÐ-CP của Chính phủ với những tiêu chí, quy định ở mức độ cao hơn so với chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020. Việc áp dụng chuẩn nghèo mới giúp hộ thoát nghèo được tiếp cận đầy đủ hơn với các dịch vụ xã hội cơ bản, song cũng đặt ra không ít thách thức cho các địa phương trong thực hiện các chính sách giảm nghèo bền vững.
Gia đình bà Lê Thuý Hằng, ấp Cái Cấm, xã Ðông Hưng, huyện Cái Nước, nhờ vào sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội mà đã vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Có sinh kế từ nghề đan ráp lú mướn, nguồn vốn được quay vòng, năm nay gia đình bà Hằng tiếp tục được hỗ trợ vay 20 triệu đồng để đầu tư nuôi cua nên bà Hằng quyết định viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. "Công việc cũng ổn định, cuộc sống giờ đỡ rồi, mình làm đơn xin thoát nghèo để nhường cơ hội này cho người khác”, bà Hằng bộc bạch.
Theo chuẩn nghèo giai đoạn trước đây, tiêu chí về thu nhập khu vực nông thôn là 700.000 đồng/người/tháng; khu vực thành thị là 900.000 đồng. Còn hiện nay, theo chuẩn nghèo đa chiều, tiêu chí về thu nhập khu vực nông thôn là 1,5 triệu đồng/người/tháng, khu vực thành thị là 2 triệu đồng. Khi áp dụng chuẩn nghèo đa chiều trong giai đoạn mới, với mức thu nhập xác định chuẩn nghèo tăng gấp đôi sẽ là thách thức đối với các địa phương về thực hiện công tác giảm nghèo bền vững.
Bên cạnh nghề đan ráp lú mướn và đặt lú bán, từ số vốn vay 20 triệu đồng, gia đình bà Lê Thuý Hằng còn đầu tư nuôi cua, giúp cuộc sống ổn định hơn. |
Ông Tiêu Quang Khái, Phó chủ tịch UBND xã Ðông Hưng, huyện Cái Nước, cho biết, khi áp dụng các tiêu chí giai đoạn mới, tỷ lệ hộ nghèo sẽ tăng lên. Công tác giảm nghèo sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức.
Có thể khẳng định, việc áp dụng chuẩn nghèo mới sẽ giúp đời sống của người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa được nâng lên. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo tăng sẽ là thách thức lớn cho công tác giảm nghèo đối với các địa phương, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Rà soát theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn hiện nay, huyện Ngọc Hiển hiện còn 882 hộ nghèo, chiếm 4,8%; 1.170 hộ cận nghèo, chiếm hơn 6,3%. Thời gian qua, các ban, ngành, đoàn thể của huyện luôn quan tâm sâu sát, thực hiện có hiệu quả công tác giúp đỡ hộ nghèo bằng nhiều hình thức khác nhau, phù hợp với tình hình và nhu cầu của từng hộ gia đình nên đời sống người dân được cải thiện đáng kể. Trong năm nay, huyện quyết tâm giảm 211 hộ nghèo, 884 hộ cận nghèo.
Ông Nguyễn Thanh Tín, Bí thư Chi bộ ấp Rạch Gốc B, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, chia sẻ: “Hiện nay, nguồn vốn vay để đầu tư sản xuất như trồng rau màu, chăn nuôi... cũng tạo điều kiện để cho người dân phát triển kinh tế. Ðịa phương đã và đang cố gắng giới thiệu nhiều mô hình hiệu quả để người dân thực hiện, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo”.
Theo bà Tiết Mỹ Khanh, Phó chủ tịch UBND thị trấn Rạch Gốc: “Những hộ khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn sau khi được hỗ trợ vốn cũng như hỗ trợ xây cất nhà thì đa số có cuộc sống ngày càng ổn định, bà con chí thú làm ăn, phát triển kinh tế. Năm 2022, mục tiêu của thị trấn là phấn đấu giảm 52 hộ nghèo để đảm bảo tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đô thị văn minh quy định”.
Ðể đạt được mục tiêu giảm nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, với tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%/năm, là một thách thức lớn trong bối cảnh hiện nay. Ðiều này đòi hỏi sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị và đặc biệt phải phát huy được vai trò, trách nhiệm của từng địa phương và sự nhận thức, chủ động của chính người dân khi được trao cơ hội thoát nghèo./.
Vũ Trân